Đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào những nơi đặc biệt khó khăn, từ năm 1998 đến hết năm 2007, Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông VN (nay là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN) đã triển khai xây dựng hệ thống điểm BĐVHX trên phạm vi toàn quốc.
Với một tủ sách nghèo nàn thế này, BĐVHX không thể hấp dẫn người dân nông thôn. (Ảnh chụp tại BĐVHX Phúc Lợi , huyện Lục Yên, Yên Bái). |
Quá thiếu sách báo
Tính đến nay, cả nước đã có trên 1.524 điểm BĐVHX được đưa vào sử dụng. Con số tưởng nhiều là thế, nhưng không phải tất cả các điểm BĐVHX đều có thể hoạt động một cách hiệu quả.
Chị Bàn Thị Vân ở xã Hưng Khánh, huyện Lục Yên, Yên Bái cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi cũng đã vài lần đến BĐVHX để đọc những cuốn sách nói về kỹ thuật chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, sách báo dạy cách chăn nuôi ít quá nên hơn 1 năm nay tôi đến đây chủ yếu chỉ để mua thẻ điện thoại, mua bảo hiểm xe máy”. Có lẽ với nhiều người, việc đến điểm BĐVHX, không phải để đọc sách báo hay mục đích tiếp nhận thông tin, tri thức.
Trong bối cảnh hầu như các đầu mối văn hóa từng rất được kỳ vọng này đều rơi vào tình trạng vắng khách, để cải thiện tình hình và tăng tính hiệu quả, các điểm BĐVHX rất cần được trang bị thêm những đầu sách, đầu báo mới phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh… cho người dân ở khu vực nông thôn.
Theo chị Triệu Thị Tam- cán bộ BĐVHX xã Phúc Lợi (Lục Yên, Yên Bái) để các điểm BĐVHX hoạt động có hiệu quả, rất cần khai thác triệt để những mục đích ban đầu được đặt ra khi xây dựng các BĐVHX như có nơi cho bà con tiếp cận với sách báo, truy cập Internet một cách thuận tiện…
Hãy đầu tư thay vì “khai tử”
Nhà nước đã phải đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng hệ thống điểm bưu điện trên toàn quốc. Ít nhất hệ thống này đã đảm bảo cung cấp dịch vụ thư tín cho người dân trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhu cầu thư tín đã và đang giảm bởi mạng di động và hệ thống Internet phát triển nhanh chóng.
Một câu hỏi đặt ra là có nên khai tử hệ thống điểm BĐVHX? Câu trả lời là khai tử thì dễ, nhưng để phát huy những giá trị của nó thì hệ thống hạ tầng này cần phải được tận dụng và nâng cấp chuyển sang dịch vụ thư viện chuyên nghiệp cho người dân.
Trên thực tế, hiện nay hầu như hệ thống thư viện cấp xã chưa được đầu tư nên chúng ta cần sử dụng hệ thống BĐVHX để làm điểm cung cấp dịch vụ thư viện, nối kết và luân chuyển sách giữa thư viện cấp xã và hệ thống thư viện vệ tinh do dân tự lập nên, như tủ sách thôn xóm, tủ sách dòng họ và các tủ sách tư nhân khác đang hình thành ở nông thôn.
Hãy dành cho ngành thư viện một vị thế xứng đáng ở nông thôn để cụm từ văn hóa được hình thành theo đúng bản chất của nó, chứ không chỉ là biểu thị mặt ngoài của cộng đồng bằng những cái cổng làng với kinh phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng có treo tấm biển làng văn hóa, mà đằng sau nó là những chỉ số thiếu văn hóa đã và đang tích tụ ngày càng nhanh bởi giá trị thực tạo nên văn hóa và văn minh là sách báo lại đang rất thiếu ở trong những ngôi làng nông thôn Việt Nam.
Xin trích lời của anh Dũ Ngọc Việt ở Bình Sơn (Hiệp Đức, Quảng Ngãi) để thay cho lời kết: “Người dân chúng tôi thèm khát tri thức và mong rằng có một thư viện chuyên nghiệp để chúng tôi lĩnh hội nó”.
Quang Thạch - Công Trình