Dân Việt

Đầu tư sách, báo thiết thực với nông dân

12/05/2011 22:47 GMT+7
(Dân Việt) - Trao đổi với NTNN, Ths Nguyễn Thị Thanh Mai – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, đến nay, hoạt động của các điểm BĐVHX rất khó khăn vì số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/điểm của ngành bưu chính - viễn thông là quá ít, còn số sách của ngành thư viện luân chuyển cho các điểm rất hạn hẹp.
img
Ths Nguyễn Thị Thanh Mai – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL)

Trước khó khăn đó, vậy các cơ quan chức năng sẽ có can thiệp như thế nào?

- Chúng tôi sẽ đề xuất Bộ VHTTDL nghiên cứu, điều phối với mục tiêu cao nhất là đưa sách, báo đến với người dân càng nhiều càng tốt. Bản thân điểm BĐVHX cũng phải thay đổi cách phục vụ. Nay chuyển thư, gọi điện… không còn thu hút người dân thì phải đưa dịch vụ Internet vào, tăng cường lượng sách báo để phục vụ miễn phí.

Bà nhận xét gì về lượng báo chí được cung cấp qua các điểm BĐVHX?

- Kinh phí đầu tư để mua các đầu báo còn ít, cấp xã mới có vài ba tờ, ngoài Báo Nhân Dân còn có Báo Văn Hóa, Sức Khỏe Đời Sống… Về tuyên truyền xây dựng và phát triển nông thôn thì Báo Nông Thôn Ngày Nay cũng là tờ rất có ý nghĩa. Bà con rất cần những tờ báo như vậy.

Hiện ở các cơ sở đang có nhiều mô hình thư viện, tủ sách, báo. Theo bà có cần sự phối hợp giữa điểm BĐVHX với các mô hình này?

- Các mô hình như tủ sách pháp luật, trung tâm giáo dục cộng đồng, thư viện xã, điểm BĐVHX… đang tồn tại khá nhiều. Vấn đề là cần bố trí hợp lý, có thể tập trung lại thành một đầu mối thống nhất với vài điểm phục vụ trên địa bàn. Nếu các bộ ngành cùng quan tâm đầu tư, có phân công trách nhiệm, khắc phục sự manh mún như hiện nay thì mô hình này sẽ rất có ý nghĩa với nông thôn.