Lao động tham gia cắt gọn sản phẩm tại công ty TNHH Hợp Thành. |
Xã Hoàng Đông có làng nghề mây tre đan nổi tiếng là làng Ngọc Động. Vào thăm làng nghề, bất kể sáng, trưa, chiều hay tối đều có thể thấy không khí nhộn nhịp sản xuất.
Sức sống mới của làng nghề
Nghệ nhân Nguyễn Thế Chính, 74 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Hợp Thành đã có 50 năm gắn bó với nghề cho biết, làng nghề này đã có từ gần 1 thế kỷ nay và đã trải qua biết bao thăng trầm, nhiều lúc tưởng khó vực dậy.
“Trước kia làng chỉ sản xuất những mặt hàng đơn giản. Sau một thời gian thăng trầm, từ cuối thập kỷ 90 nghề được khôi phục và phát triển mạnh mẽ” - ông nói.
Hiện nay mỗi tháng doanh nghiệp Hợp Thành xuất khẩu 4 - 5 container hàng, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 50 lao động tại xưởng và hàng trăm lao động hộ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Đắp năm nay 57 tuổi, một lao động làm trong xưởng của Công ty TNHH Hợp Thành vui vẻ kể: “Tôi đi làm cho công ty cũng được 3 năm rồi. May nhờ có nghề phụ mỗi tháng cũng kiếm thêm được gần 1,4 triệu đồng để đỡ đần gia đình, nuôi con cái ăn học”.
Dẫn chúng tôi đi thăm cụm làng nghề này, ông Phạm Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông cho biết: “Do ưu tiên phát triển công nghiệp mà toàn xã có gần 70% số hộ mất đất. May nhờ có nghề truyền thống và nhiều nghề phụ mà 100% lao động tại địa phương có việc làm, trong đó 80% lao động làm nghề mây tre đan truyền thống”.
Vẫn còn nhiều cái khó
Sau một quá trình phát triển với nhiều thuận lợi, làng nghề được nhân rộng ra toàn xã và nhiều huyện, tỉnh lân cận. Nhiều thợ giỏi của Ngọc Động đã đi truyền nghề ở các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế… Khi làng nghề Ngọc Động đã nổi tiếng khắp xa gần, thì giờ đây người làm nghề cũng đang đối mặt với nhiều cái khó trong quá trình phát triển và mở rộng.
Chị Kiều Thị Nguyệt, 29 tuổi, ở thôn Bạch Xá tâm sự: “Tôi muốn ở nhà làm nghề để còn chăm sóc gia đình, nhưng nghề này vẫn còn đơn giản và ít mẫu mã nên thu nhập không cao, chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi con”.
Theo chị Nguyệt, hàng mây tre đan cần phải đa dạng mẫu mã, cùng với đó, người sản xuất phải sáng tạo, khéo léo: “Nếu không được học, cứ làm hàng cũ thì thu nhập không cao. Chúng tôi rất muốn được học nâng cao tay nghề và cập nhật thêm mẫu mã để tăng thu nhập. Có thế bà con mới yên tâm làm nghề, gắn bó lâu dài với nghề”.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Chính trăn trở: “Gây dựng nghề đã khó, giữ được nghề và phát triển nghề lại càng khó hơn. Thị trường liên tục được mở rộng, nhưng cái quan trọng nhất để mở rộng sản xuất là nguồn nhân lực thì lại không có. Vì việc đơn giản, thu nhập thấp nên lao động địa phương đi làm cho các khu công nghiệp, đáng tiếc là trong đó có cả những lao động tay nghề cao”.
Mong muốn của ông Chính là có những lớp đào tạo trình độ cao về tạo mẫu để nâng cao giá trị mặt hàng này “Điều đó đồng nghĩa với việc người lao động được tăng thu nhập” - ông Chính nói.
Cùng chung niềm trăn trở như ông Chính, ông Phạm Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông nói: “Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho dân vay vốn để làm nghề và kết hợp với trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp nâng cao tay nghề cho bà con. Tuy nhiên, việc mở các lớp tạo mẫu thì địa phương không làm nổi”.
Sắp tới, khi triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được thực hiện ở đây, bà con mong muốn được học nghề bài bản. Hoạt động này đang được xem là động lực mới để duy trì và phát triển bền vững làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động.n
Minh Nguyệt