Dân Việt

Vật lộn giữa bùn đỏ

12/11/2010 14:59 GMT+7
(Dân Việt) - Ở Cao Bằng, trời bắt đầu trở lạnh. Lội trong dòng bùn đỏ đặc quánh, chúng tôi thấy người đàn bà khốn khổ Mã Thị Bạch vật lộn giữa "biển" bùn để mò chiếc thùng sắt đựng quần áo rét...
img
Chị Mã Thị Bạch bất lực trước khối bùn đỏ tràn vào nhà.

Ngày 8-11, 3 ngày sau khi xảy ra sự cố lũ bùn, con đường dẫn vào bãi quặng Nà Lũng (xã Duyệt Trung, TX. Cao Bằng) vẫn ngập ngụa một màu đỏ của bùn. Những người dân đi qua con đường này, đặc biệt là các cháu học sinh, đều phải nhờ đến sự vận chuyển của máy xúc. Tuy nhiên chỉ sau 1 ngày, con đường đã được khai thông dù con suối chảy từ đập số 4, nơi xảy ra sự cố, đổ vào sông Bằng vẫn căng phình bùn đất.

Kinh hoàng bùn đỏ

Chiều 10-11, có mặt tại nơi đây, hàng chục công nhân cùng với máy xúc, máy ủi đang nỗ lực nạo vét lượng bùn đất khổng lồ tràn ngập dòng suối. Những người dân nhà bị ngập nặng đều đã được di chuyển tạm thời đến nơi ở mới.

Ông Phùng Mạnh Đắc - Phó Tổng Giám đốc Vinacomin - khẳng định với NTNN tại hiện trường vụ vỡ đập: "Có thể không nên so sánh bùn đỏ ở đây với bùn đỏ ở Tây Nguyên. Không phải chúng tôi tránh né điều gì nhưng thực sự đây là đất thịt và đất sét, không hề có độc hại. Chúng tôi sử dụng phương pháp tuyển trọng lực chứ không phải tuyển hóa chất. Tuy vậy Sở TN-MT tỉnh Cao Bằng cũng đã lấy mẫu đất đi thử".

Khi chúng tôi lội ngược con suối chảy từ đập số 4 ra sông Bằng thì được chứng kiến một khung cảnh vắng lặng và ngổn ngang. Chỉ cần đi một đoạn ngắn trong bùn, nhiều người đã phải thở dốc vì phải gắng sức bứt chân khỏi độ dính của khối bùn đặc quánh.

Loại bùn này dính vào quần áo, giày dép nếu để khô thì rất khó rửa sạch (anh bạn đồng nghiệp thường trú tại Cao Bằng bị dính một ít bùn vào quần mà giặt 3 ngày vẫn không thể làm mất đi màu vàng ố).

Sau một hồi vật lộn đến mướt mải mồ hôi với bùn, chị Mã Thị Bạch vẫn không thể tìm ra chiếc thùng sắt đựng quần áo rét trong nhà. Mà nếu có tìm thấy thì không hiểu những bộ quần áo đó còn có thể dùng được không trước sự kết dính đến đáng sợ của loại bùn đặc biệt này.

Không chỉ mất đồ đạc, tài sản, những gia đình là nạn nhân của cơn lũ bùn còn phải đối mặt với sự ô nhiễm của môi trường sống, của nguồn nước sinh hoạt cũng như mất đất sản xuất trong thời gian "hậu lũ".

Theo con đường đã được khai thông dẫn lên mỏ Nà Lũng, chúng tôi đã có mặt tại đập số 4 của khu mỏ. Từ độ cao này phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy dòng chảy của bùn còn tràn qua nhiều ruộng lúa của người dân. Mặt bùn khi khô lại đóng chắc như bê tông non khiến cho không một loại cây cỏ nào có thể mọc lên.

Theo giải thích của lãnh đạo Vinacomin (Tập đoàn Than - Khoáng sản VN) thì hiện tượng này không phải do trong bùn có hóa chất độc hại mà do hạt bùn quá mịn nên lấp hết kẽ hở trong đất khiến cây không thể mọc lên được.

Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Báu - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng cho biết, bùn chảy ra từ khu khai thác có chứa các hạt quặng sắt mịn gây hại đối với cây trồng. Đất nông nghiệp dính bùn muốn tiếp tục canh tác phải cải tạo, nhưng dù đã cải tạo thì cây trồng vẫn bị còi cọc, không có được năng suất như các vùng đất sạch khác.

Con suối chảy ra sông Bằng - nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân - nước đã đổi màu đỏ đục. Một số giếng nước trong khu dân cư cũng đã có hiện tượng nổi váng. Ông Đàm Trung Kỳ - Phó Giám đốc Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng, người trực tiếp chỉ huy cứu nạn tại hiện trường cho biết:

"Nước từ dòng suối chảy ra sông Bằng chỉ là nước đục chứ không mang theo yếu tố độc hại nào. Đã nhiều lần Cục Bảo vệ môi trường lấy mẫu bùn thải của chúng tôi để làm xét nghiệm và khẳng định trong bùn không có kim loại nặng gây độc hại đối với sức khỏe con người. Còn môi trường thì đương nhiên ảnh hưởng. Chúng tôi phải nạo vét những khu vực bị bùn tràn, nếu không nạo vét được thì phải xúc hẳn đi và hoàn thổ đất thổ nhưỡng cho người dân. Công ty hiện đang huy động đến 400 người để xử lý sự cố".

Cần 30 ngày để khắc phục sự cố

Sáng 9 - 11, tại khu vực "dòng suối bùn" cắt qua con đường dẫn vào bãi quặng Nà Lũng, người của Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng đang tháo dỡ khu lán tạm dành cho công nhân ở để giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho phương án đào hồ chứa bùn được bơm lên từ lòng suối. Dọc theo dòng suối, 2 chiếc xe múc cùng hàng trăm công nhân đang dùng xẻng nạo vét bùn chảy xuống theo dòng nước, ngăn không cho bùn trôi ra sông Bằng.

img
Máy xúc và hàng trăm công nhân đang nạo vét bùn trong lòng suối để bùn không chảy ra sông Bằng.

Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than -Khoáng sản Việt Nam - cho biết: "Sau cuộc họp căng thẳng và kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ đêm 9 -11, chúng tôi và lãnh đạo Vinacomin đã thống nhất được phương án xử lý lượng bùn trong lòng suối.

Sáng 10-11, Tổng Công ty đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng và được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đồng ý cho mượn khu đất trống ngay cạnh điểm Bưu điện văn hóa xã Duyệt Trung để đào một hồ chứa. Sau đó, chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống bơm điện, bơm diesel để bơm bùn dưới lòng suối vào hồ rồi trộn với cát và đất khô để đưa lại bãi thải.

Dự kiến, sự cố sẽ được khắc phục hoàn toàn trong vòng 1 tháng".Cũng theo quan sát của chúng tôi, lỗ thủng có đường kính 50cm tại thân đập chắn nước thải của Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lùng đã được vá lại.

Ông Đặng Thanh Hải băn khoăn: "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân gây ra lỗ thủng trên thân đập. Có thể thấy hồ chứa số 4 này đã lâu không được sử dụng nên cây cỏ mọc kín trên mặt hồ. Không hiểu vì sao bỗng nhiên lại bị thủng một lỗ như vậy.

Lỗ thủng không lớn nên lượng bùn tràn ra chỉ khoảng 4.000m3, chúng tôi cũng chỉ mất 1 tiếng để khắc phục. Nếu là vỡ đập thì cả xã Duyệt Trung đã bị nhấn chìm. Tôi nghi nhiều khả năng là có tổ mối trong thân đập".

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng trong đập có một cây gỗ, năm 2004, khi thi công đập số 4 không phát hiện để lấy ra nên cây gỗ bị mục theo thời gian và tạo thành lỗ thủng trên khiến cho bùn chảy ra ngoài. Hiện, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Cao Bằng vẫn đang tiếp tục làm việc tại hiện trường để sớm xác định được nguyên nhân chính xác của sự cố.

Việc nạo vét bùn ở nhà dân cũng như trong lòng suối có lẽ chỉ là giải pháp tạm thời để làm sạch cảnh quan môi trường ở xã Duyệt Trung. Thế nhưng điều mà người dân nơi đây quan tâm nhất chính là sự ô nhiễm của loại bùn đỏ này đối với môi trường mà họ đang sinh sống.

Đừng để sau những thiệt hại lớn vừa phải gánh chịu, người dân lại tiếp tục rơi vào ốm đau, bệnh tật, đói nghèo và luôn thấp thỏm lo sợ một ngày bị chìm dưới bùn sâu.