Dân Việt

Bảo vệ tài nguyên, môi trường: Nhiệm vụ thường xuyên của Hội và nông dân

13/05/2011 06:58 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm nay, 13.5, tại Hà Nội, T.Ư Hội NDVN phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổng kết 5 năm (2005-2010) thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02 về “Phối hợp hành động bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai”.

Nhân dịp này, NTNN phỏng vấn Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết, bảo vệ tài nguyên, môi trường là nội dung được đưa vào chương trình công tác hàng năm của các cấp hội.

Kết quả của chương trình phối hợp 5 năm qua như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

img

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng (phải) kiểm tra mô hình lò ủ rác thành phân hữu cơ do Hội hỗ trợ xây dựng tại xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ).

- 5 năm qua, hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường được các cấp hội đẩy mạnh theo hướng đi vào thực chất. Các cấp Hội gắn tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên ND tham gia bảo vệ môi trường với xây dựng các mô hình. Hàng năm Hội tổ chức mít tinh nhân các sự kiện môi trường; tổ chức hội thi ND tìm hiểu pháp luật bảo vệ môi trường, tìm hiểu Luật Đất đai; tập huấn kiến thức bảo vệ tài nguyên, môi trường cho cán bộ, hội viên ND. Đồng thời, Hội đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hàng ngàn mô hình về bảo vệ môi trường, như mô hình thu gom và xử lý rác thải, rác thải làng nghề; xây nhà tiêu hợp vệ sinh, hầm biogas; cung cấp nước sạch và mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường...

Việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nông thôn nói riêng đang gây bức xúc, Hội ND đã, đang và sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích chính đáng của ND?

Các cấp Hội phải nâng cao năng lực giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại địa phương.

- Quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá đang gia tăng, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu theo đó cũng tăng sức ép lên khu vực nông thôn. Thời gian qua, các ngành chức năng đã phát hiện hàng loạt công ty, doanh nghiệp xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường gây thiệt hại về sức khoẻ, kinh tế của ND, khiến ND bức xúc. T.Ư Hội đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, trong đó có ngành TNMT trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ND... Điển hình là vụ Công ty Vedan xả trộm chất thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm nặng sông Thị Vải, gây thiệt hại cho ND 3 địa phương Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP. HCM.

Ngay sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm luật pháp về bảo vệ môi trường của Vedan và trước những thiệt hại của ND, một mặt T.Ư Hội hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND 3 tỉnh phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chuyên môn tiến hành thống kê thiệt hại của ND, từ đó có cơ sở kiến nghị với các cấp thẩm quyền buộc Vedan bồi thường thiệt hại cho ND... Sự tham gia quyết liệt của Bộ TNMT, Hội NDVN và các ngành chức năng đã buộc Vedan bồi thường tương đối thoả đáng cho ND bị thiệt hại.

Bài học rút ra từ vụ Vedan là gì, thưa Phó Chủ tịch?

- Một trong những kinh nghiệm rút ra trong vụ Vedan là các cấp hội phải nâng cao năng lực giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại địa phương.

Phó Chủ tịch có thể chia sẻ kinh nghiệm huy động các nguồn lực bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn?

- Mô hình Hội xây dựng chỉ mang hỗ trợ, “làm mồi”, để từ đó khích lệ, động viên ND học, làm theo. Mô hình cũng là điểm để các cấp Hội tổ chức tham quan, học hỏi cho ND, từ đó để nhân rộng. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, Hội vận động ND tham gia, địa phương hỗ trợ, xã hội hoá hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường ở nông thôn. Đây là cách làm nâng cao trách nhiệm của ND trong bảo vệ tài nguyên môi trường.

Giai đoạn 2011-2015, sự phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ TNMT sẽ có gì mới?

- Một trong những nội dung mới trong chương trình phối hợp hành động giữa Hội NDVN và Bộ TNMT 5 năm tới là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục, xây dựng mô hình điểm để nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, ND về biến đổi khí hậu. Hội ND và Bộ TNMT sẽ tăng cường phối hợp tham gia giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích về khai thác, sử dụng tài nguyên, các khiếu nại, tranh chấp về đất đai, gây ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!