Dân Việt

Hé lộ những tình tiết chưa được dư luận nhắc đến trong vụ Hồ Duy Hải

22/12/2014 14:57 GMT+7
Ngay sau khi đại diện TAND tỉnh Long An ra quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải vào ngày 5.12, với gia đình bà Loan, Hải như được sinh ra một lần nữa. Tuy nhiên, nỗi thấp thỏm, lo âu về tính mạng của Hải vẫn như một ngọn lửa nóng bỏng trong lòng bà Loan.
PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với luật sư Nguyễn Văn Đạt, Trưởng văn phòng Luật sư Viet Law, Đoàn luật sư TP.HCM, người trực tiếp bào chữa cho Hải từ phiên tòa sơ thẩm đến phúc thẩm diễn ra tại TAND tỉnh Long An, xung quanh những tình tiết còn chưa được làm sáng tỏ trong vụ án này.

img
Luật sư Nguyễn Văn Đạt trao đổi với PV về vụ án Hồ Duy Hải. (Ảnh: Hồ Nam)

Cần làm rõ động cơ phạm tội của Hồ Duy Hải

Là một luật sư luôn sát cánh cùng với gia đình Hồ Duy Hải từ đầu, cho tới thời điểm hiện tại ông có nhận định gì về vụ án?

- Ngoài những tình tiết, chứng cứ bất hợp lý trong vụ án của Hải mà thời gian qua dư luận không ngừng quan tâm, tôi cho rằng có những tình tiết dư luận và cơ quan chức năng chưa để ý tới. Trong khi, đó lại là những điểm mấu chốt để tìm ra sự thật trong vụ án của Hải.

Cụ thể, các cơ quan chức năng cũng như truyền thông chưa đề cập và làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của hung thủ trong vụ án của Hải. Trong khi, theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự, đây là một trong những "vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự".

Luật sư có thể nói rõ hơn về những tình tiết này?

- Theo kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo Hồ Duy Hải đã dùng vũ lực giết chết nạn nhân H, vì động cơ tức giận do không đạt được ý định quan hệ sinh lý với nạn nhân. Chi tiết này được Hải miêu tả rất cụ thể, tỉ mỉ như một cuốn phim sex trong bản lời khai tại Cơ quan điều tra. Còn động cơ giết V là vì sợ V phát hiện. Như vậy, trong vụ án này Hải hoàn toàn không nhằm mục đích cướp tài sản.

Thế nhưng, có lẽ tình huống này không phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi, nên hướng điều tra này đã bị Cơ quan điều tra bỏ qua và chuyển sang một hướng mới. Theo đó, động cơ phạm tội của Hải lúc này được xác định là giết người, cướp tài sản.

Tuy nhiên, hướng điều tra này cũng chứa nhiều mâu thuẫn. Cho đến nay, người ta vẫn không biết chính xác động cơ phạm tội của Hải là gì. Vì thế, tôi rất mong các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng làm rõ vấn đề này.

Ông có thể chỉ ra một vài chứng cứ để chứng minh cho sự bất hợp lý trong động cơ giết người, cướp tài sản của Hải mà hồ sơ vụ án đã nêu, thưa luật sư?

- Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, có một két sắt điện tử hiệu Hòa Phát được đặt ngay tại hiện trường hai nạn nhân bị giết. Qua kiểm tra, két sắt còn nguyên chùm chìa khóa đang ghim trên ổ khóa cánh tủ.

Đặc biệt, theo cáo trạng, khi kiểm tra trong két sắt điện tử có một nhẫn kim loại màu vàng cẩn năm hột đá trắng, một nhẫn màu vàng cẩn hai hột đá trắng. Như vậy, nếu với động cơ giết người, cướp tài sản thì tại sao Hải không lấy đi những tài sản có giá trị này trong khi két sắt có sẵn chìa khóa, mà lại lấy những chiếc sim điện thoại rẻ tiền?

Không chỉ vậy, điều khiến người ta khó hiểu nhất là cáo trạng thì nêu số tiền 893 nghìn đồng được thu giữ tại nhà Hải. Tuy nhiên, tại kết luận điều tra lại ghi rõ số tiền 893 nghìn đồng này được thu giữ tại hiện trường. Và về sau này, bản án sơ thẩm lại quyết định trả những tài sản này cho bà Loan (mẹ Hải - PV), vì thu giữ của bà. Như vậy, ngay trong các bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm đã thể hiện rõ những mâu thuẫn không thể chấp nhận được.

Vì sao nhiều tài liệu không còn trong hồ sơ?

Luật sư có thể cho biết ngoài động cơ giết người cần làm rõ thì vụ án Hồ Duy Hải còn chất chứa điều gì khiến cho vụ án chưa được tâm phục khẩu phục?

- Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra đã tiến hành triệu tập lấy lời khai của nhiều người bị tình nghi. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, tất cả lời khai của những người này đều không còn trong hồ sơ vụ án. Vậy những tài liệu, bút lục này hiện đang ở đâu? Cơ quan điều tra có lấy dấu vân tay của những người được triệu tập này để đối chiếu với dấu vân tay thu được tại hiện trường hay không? Có người nào "trùng" hay không?

Bên cạnh đó, theo tổng hợp lời khai tại Cơ quan điều tra, một tờ báo có nêu: "Lúc 20h10 ngày 13.1, N (một người được Cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai - PV) thấy một người nam dáng cao trắng trẻo, mái tóc trước quăn đang ở bưu điện, biết là tình địch của mình nên bỏ đi ra. Một nhân chứng đến mua thẻ cào điện thoại tại bưu điện này vào khoảng 18h20, cũng nói có thấy người trong bưu điện Cầu Voi giống như người mà N mô tả".

Vậy Cơ quan điều tra đã làm rõ nhân vật này hay chưa? Và nhân vật này có liên quan gì đến vụ án hay không? "Tình địch" của N thì N biết rõ, vậy là ai? Tại sao trong toàn bộ hồ sơ vụ án chúng tôi không tìm thấy tài liệu nào liên quan đến những thông tin này?

Theo luật sư, để làm rõ sự thật trong vụ án Hồ Duy Hải thì các cơ quan chức năng cần phải làm gì tiếp theo?

- Theo luật, lãnh đạo của VKSND Tối cao, TAND Tối cao sẽ kháng nghị vụ án theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm.

Theo tôi, sẽ có ba khả năng có thể xảy ra tiếp theo là: Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, tuyên Hải vô tội nếu Hải được xác định là không có tội. Hai là, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ giữ nguyên bản án, và trường hợp này, nếu Chủ tịch nước bác đơn ân xá, Hải sẽ bị thi hành án. Ba là, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại nhằm tìm ra sự thật.

Từ khi tham gia bào chữa cho Hải, luật sư đã làm những gì để tìm ra sự thật của vụ án?

- Ngay trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra, tôi đã có văn bản "theo lương tâm" trình bày riêng với Chủ tọa phiên tòa - ngoài bài bào chữa - đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết còn chưa rõ ràng, thận trọng để có quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại, nhưng không được chấp thuận.

Ngay sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, tôi đã làm đơn gửi khắp nơi tha thiết mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét thấu đáo vụ án này nhằm xét xử đúng người đúng tội. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Ngoài ra, tôi cũng đã gửi đơn và hồ sơ vụ án của Hải đến nhiều luật sư có tiếng tăm, để mong các luật sư cùng góp tiếng nói gửi cơ quan chức năng sớm xem xét lại vụ án.

Gần bảy năm nay, tôi biết bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải), cùng người dì là Nguyễn Thị Rưởi và gia đình đã tiêu tốn không ít công sức, tiền bạc suốt hành trình kêu oan cho Hồ Duy Hải.

img
Bà Rưởi (dì của Hải) nghẹn ngào khi nói đến hành trình kêu oan cho Hải. (Ảnh: Thơ Trịnh)

Những chi phí không tên đã khiến cho bà Loan và những người thân lao đao trong một thời gian dài. Không những mất mát, hao tổn về vật chất mà gia đình bà Loan đã trải qua một đoạn đường dài cùng với nỗi đau tinh thần khiến cho họ nhiều lúc muốn quỵ ngã. Với tư cách là một luật sư bào chữa, tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét và nhanh chóng tìm ra sự thật của vụ án mà bấy lâu nay vẫn chưa có hồi kết.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tại cuộc họp báo vào chiều 5.12 tại TAND tỉnh Long An, khi PV đặt ra câu hỏi vì sao có nhiều nhân vật lại được ra khỏi bản án một cách chóng vánh, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND trả lời một cách vòng vo chung chung, không đi thẳng vào vấn đề.