Năm 2007, khán giả yêu kịch đã phải thốt lên “quá đã” với vai ông nông dân Tám Quá của NSƯT Bảo Quốc trong vở “Cánh đồng gió” (đạo diễn Đức Thịnh). Nhiều người có nghề còn thán phục vì ông đã rũ bỏ hết hình ảnh của một danh hài với lối diễn thiên về hình thể đã từng làm nên “thương hiệu” của Bảo Quốc để có được một ông nông dân “để đời” trong chặng đường hơn 50 năm đứng trên sân khấu của mình.
NSƯT Bảo Quốc với vai ông Tám Quá trong vở “Cánh đồng gió”. |
Như ngọn gió trong trẻo
Ông Tám Quá của NSƯT Bảo Quốc rặt chất Nam Bộ, áo bà ba, xách cái cần câu ra sông, nhưng thực chất là "câu" mãi không xong mối tình mấy chục năm trường với bà Năm (Hồng Vân). Ông Tám cười cợt vui vẻ, nói chuyện thì "nổ" tới trời, ai biết đâu "trong héo ngoài tươi".
Đạo diễn Đức Thịnh
Ai hỏi tại sao ông có thể làm một vai nông dân tài tình đến vậy, Bảo Quốc chỉ cười: “Nhận vai đó là tôi đổi mới chính mình, để không bị tụt hậu với đàn em”, nhưng đạo diễn Đức Thịnh cho biết, anh và NSƯT Hồng Vân - “bà bầu” của Sân khấu kịch Phú Nhuận đã đặt trọn niềm tin vào tài diễn của Bảo Quốc.
Chất “ông nông dân Nam Bộ” luôn sẵn có trong ông, tửng từng tưng, vui tính, "nổ" dữ dội nhưng giấu bên trong là một nỗi niềm, một tình yêu chung thủy.
Với Bảo Quốc, những vai nông dân ông đã từng làm trong các vở cải lương, kịch nói, tiểu phẩm hài đều được ông dành trọn trái tim và tấm lòng trân trọng.
Ông bảo: “Nhiều người nói vào vai nông dân dễ lắm, tôi thì không thấy dễ chút nào, phải diễn sao cho ra cái chất phác thật thà của người ta, để người ta nhìn vào thấy trong cuộc sống của người nông dân, vất vả, nghèo khổ nhưng vẫn có độ trong trẻo thanh mát của những ngọn gió trên cánh đồng”.
Trái tim cho người nghèo
Bảo Quốc sinh ra trong một gia đình nghệ thuật có nòi, cha là nghệ sĩ Năm Nghĩa, chị gái là nghệ sĩ Thanh Nga tài danh, mẹ là bà bầu Thơ - chủ gánh hát Thanh Minh Thanh Nga, nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh từ trước 1975. Danh giá vậy nhưng một đời ông không hề mắc “bệnh ngôi sao”. Ngay cả mấy ông bầu sô cũng thương Bảo Quốc. Thậm chí, với những đơn vị nghèo quá, đi vùng sâu vùng xa, ông bớt cát-sê hoặc không nhận hoặc tặng lại cho nghệ sĩ già...
Cứ ở đâu có chương trình diễn từ thiện cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa mời tới Bảo Quốc là ông ừ liền. Ông bảo: “Người dân nghèo ở thôn quê họ trọng nghệ sĩ chúng tôi gấp trăm lần những khán giả bình thường khác bởi họ đâu có nhiều dịp được xem hát, xem tuồng cải lương.
Nhớ lần tôi đi diễn, có ông nông dân ở Vĩnh Long bảo tôi: “Được xem chú trên TV từ trước giải phóng mà giờ mới được nhìn tận mặt, chú không về đây diễn thì cả đời tui cũng không bao giờ có dịp gặp chú”.
Cứ nhớ đến những con người như vậy là tôi lại ứa nước mắt vì tôi chỉ ước sao có thể đi thật nhiều nơi, diễn cho nhiều người dân quê xem để họ có thể thỏa lòng mộ điệu cải lương nghệ thuật truyền thống dân tộc”.
52 năm nhìn lại
Mấy ngày nay, Bảo Quốc đang luyện tập ngày đêm cho liveshow kỷ niệm 52 năm đứng trên sân khấu của ông trong hai đêm 14 và 15.5, tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) mang tên "52 năm - Góp với nhân gian một tiếng cười". Điểm nhấn của liveshow là vở cải lương hài “Đi biển một mình” (tác giả Hoa Phượng) với sự góp mặt của các tên tuổi: NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Lệ Thủy, Thanh Thủy, Vũ Luân, Trung Dân, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng...
Hỏi ông bao giờ lại có một vai như ông Tám Quá trong “Cánh đồng gió” để người xem lại được trầm trồ cái chất nông dân trong ông, Bảo Quốc nói: Tôi thèm những vai như vậy lắm, thèm được sắm một vai ông nông dân trên sân khấu để như một món quà dành tặng những khán giả thương tôi suốt 52 năm nay, chỉ cần có ông đạo diễn nào cho tôi một vai là tôi gật đầu ngay...
Quỳnh Thu