Hiếm khi nào việc “chọn mặt gửi vàng” lại dễ dàng đến thế với ưu thế gần như tuyệt đối của cựu đội trưởng ĐTQG.
Danh thủ Minh Phương nhận QBV 2010. |
Ai thay Minh Phương?
Đã bước qua “tuổi băm”, nhưng Minh Phương vẫn chạy tốt và là niềm cảm hứng của đội tuyển dưới thời HLV Calisto. Pha đá phạt vẽ lên một đường bóng hoàn hảo để Công Vinh ghi bàn thắng lịch sử, giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, tiếp đó là cú đá phạt hàng rào đẳng cấp vào lưới Myanmar tại vòng bảng AFF Cup 2010 đủ để giới thiệu nhanh về năng lực của Phương.
Không quá khi cho rằng người hâm mộ đã bớt nhớ Hồng Sơn hơn khi có Minh Phương ở vòng tròn giữa sân. “QBV dành cho Minh Phương là hoàn toàn xứng đáng. Với cá nhân tôi, cậu ấy đã là QBV từ lâu rồi” - HLV Lê Huỳnh Đức (QBV 1995, 1997, 2002) - người thầy của Minh Phương ở SHB.Đà Nẵng hiện tại, nói.
Điều băn khoăn nằm ở chỗ khi một “lão tướng” 31 tuổi như Minh Phương giã từ đội tuyển, vẫn không tìm thấy ai đủ tầm thay thế. Nhìn quanh thì Tài Em cũng đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp; Tấn Tài, Vũ Phong hợp với vai trò “vệ tinh” hơn là “nhạc trưởng”; Thành Lương, Trọng Hoàng, Thanh Hưng… vẫn còn “xanh”.
Khi “vàng” bị coi nhẹ
Đến đây, càng thấm thía hơn lời tâm sự của Minh Phương đằng sau nụ cười có vẻ ngoài rạng rỡ như để che đi nỗi niềm khó nói khi nhận QBV: “Nếu được đánh đổi, tôi sẽ đổi danh hiệu cá nhân để lấy thành công của đội tuyển tại AFF Cup 2010”.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, và việc đội tuyển thất bại ở AFF Cup 2010 đã làm không khí cuộc đua đến QBV 2010 yên ắng lạ lùng. QBV gần như bị chìm nghỉm trước những thông tin về việc tuyển chọn HLV cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí, nó còn không “nóng” bằng những diễn biến V.League liên quan đến bạo lực sân cỏ, những sai lầm của trọng tài...
Và khi một giải thưởng có truyền thống 16 năm lại gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nhà tài trợ như lý giải của Ban tổ chức, kéo theo việc đến gần giữa năm 2011 mới tổ chức được Gala trao thưởng thì đúng là có vấn đề.
“Minh Phương nhận QBV là xứng đáng về cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức. Nhưng Phương xứng đáng bao nhiêu thì tôi lại buồn bấy nhiêu khi giải thưởng được trao quá muộn. Điều đó thể hiện cách làm tuỳ tiện, được chăng hay chớ, không hề có sự đầu tư, chuẩn bị trước của cả bộ máy. Với những nỗ lực cống hiến cho bóng đá nước nhà, các cầu thủ cần được trân trọng hơn, thay vì bị đối xử như vậy” - chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Đáng ra, QBV phải có ý nghĩa như một “liều doping” tinh thần, giúp các cầu thủ cố gắng hoàn thiện mình hơn về mọi mặt, làm gương cho thế hệ sau. Nhưng với cách làm như hiện nay, thì ý nghĩa cao đẹp nhất ấy đã mờ đi, không chỉ trong dư luận, mà trong suy nghĩ của chính những người trong cuộc.
Chính Minh