Khi viết lên tâm sự này, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng tôi 26 tuổi rồi mà suy nghĩ chỉ như một cô gái 16 tuổi? Có nhiều người sẽ bảo tôi đã lạm dụng hoàn cảnh của gia đình mà tự trượt dài trong sa ngã và quay sang trách cứ, căm hận người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau và nuôi tôi khôn lớn?
Nhưng thú thực, đã mấy năm nay, tôi ước mình không phải là con gái của bà, ước gì tôi không có một người mẹ như thế. Bởi vì cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao chấp nhận nổi một người mẹ mà lại yêu thương và tin tưởng chồng mới còn hơn cả 2 con đẻ của mình.
Căm hận vì mẹ đẻ yêu chồng mới hơn cả 2 con thơ bất hạnh
Tôi sinh ra ở thành phố Thái Nguyên. Gia đình tôi có 4 người. Bố tôi là công nhân khu gang thép, còn mẹ tôi là giáo viên cấp 2. Dưới tôi còn có em trai kém 3 tuổi. Ngày còn thơ ấu, tôi cũng có một tuổi thơ hạnh phúc với bố mẹ yêu thương như bao đứa trẻ khác.
Cha dượng đã vậy, nhưng tôi buồn nhất vẫn là mẹ tôi. Mẹ tôi từ ngày đi bước nữa với người đàn ông ấy, mẹ như biến thành một người đàn bà khác.
Nhưng rồi, những ngày hạnh phúc ấy cũng chỉ kéo dài đến khi tôi 12 tuổi thì chấm dứt. Ngày ấy, bố tôi bị cảm gió đột ngột khi ông đang trên đường đi làm về. Mọi người đi đường hôm ấy dù rất tốt bụng đã đưa ông vào viện cấp cứu nhưng đã muộn.
Bố tôi đã trút hơi thở cuối cùng trong viện khi ông chưa kịp chờ 3 mẹ con tôi đến trăng trối. Ông ra đi khi chỉ mới 42 tuổi và để lại sự thương nhớ khôn nguôi cho 3 mẹ con tôi.
Sau ngày bố tôi mất, dù tôi biết mẹ rất đau đớn và chênh vênh khi mất đi chỗ dựa và trụ cột gia đình, nhưng mẹ tôi vẫn luôn quan tâm chăm chút cho 2 chị em tôi. Bà nói rằng, bà sẽ không lấy chồng và sẽ chăm sóc, bù đắp những thiếu hụt cho chúng tôi thay cả phần của bố tôi. Những ngày đó, cuộc sống của 3 mẹ con khó khăn và vất vả hơn do mọi gánh nặng chỉ dồn hết lên đôi vai mẹ. Song mẹ tôi vẫn kiên cường lắm.
Nhiều đêm, tôi bất chợt tỉnh giấc giữa khuya mà vẫn thấy mẹ tôi nằm bên cạnh sụt sịt khóc ướt gối. Tôi biết mẹ đang nhớ bố và cũng tủi thân vì không có bố bên cạnh. Tôi vờ như ngủ say nhưng lấy tay ôm chặt lấy mẹ để an ủi. Rồi từ đó, tôi tự nhủ sẽ cố gắng chăm học, chăm làm để không bao giờ làm mẹ buồn vì tôi.
Ba mẹ con tôi cứ sống rau cháo qua ngày bằng đồng lương giáo viên hạn hẹp của mẹ. Tôi cứ ngây thơ nghĩ mẹ sẽ giữ lời hứa mà không bao giờ đi bước nữa. Song chính mẹ tôi là người đã phản bội lời hứa với 2 con mình.
3 năm sau ngày bố tôi mất, mẹ tôi không một lời giải thích với các con và bất ngờ đi bước nữa với người đàn ông cũng đã lỡ dở. Khỏi phải nói, quyết định này của mẹ làm chị em tôi sốc đến thế nào. Những ngày đầu, hai chị em tôi nhất quyết phản đối không cho mẹ đi bước nữa. Song ông bà ngoại tôi khuyên can nhiều nên chị em tôi cũng dần chấp nhận được sự thật này.
Từ khi mẹ có chồng mới, từ khi chúng tôi có cha dượng, cuộc sống của chị em tôi trở nên ngột ngạt hơn và không còn bình thường như trước. Dượng tôi với bản tính ít nói, tính cách hà khắc, soi mói, không yêu con riêng của vợ luôn sẵn sàng chửi mắng hai chị em tôi.
Cho dù chị em tôi cũng biết thân biết phận của mình và không bao giờ dám hỗn hào gì với ông, nhưng chưa một lần chúng tôi được dượng yêu thương và quan tâm thật sự. Dượng luôn "ngứa mắt" khi nhìn chúng tôi chơi đùa và đánh mắng nếu như chúng tôi làm gì không vừa ý ông.
Từ bao giờ, một đứa trẻ trong tôi bắt đầu thấy căm ghét cha dượng mình. Và buồn vì cha dượng một, chị em tôi buồn vì mẹ đẻ của mình mười. Từ ngày mẹ tôi đi bước nữa với người đàn ông ấy, mẹ như biến thành một người đàn bà khác.
Nhất là từ khi có một con chung với cha dượng, thì hầu như bà chẳng còn quan tâm, lo lắng hay che chở 2 con riêng của mình như trước. Với mẹ tôi lúc ấy, chúng tôi như không tồn tại hoặc cũng là cái gai cản trở hạnh phúc của bà. Dượng tôi và đứa con riêng mới sinh của mẹ và dượng là tất cả.
Mỗi khi, dượng có nói gì, kêu ca phàn nàn gì về chúng tôi, lạ thay mẹ tôi chẳng cần tìm hiểu hay hỏi han xem chúng tôi thế nào. Ngược lại, mẹ đều nghe những lời dượng nói răm rắp và còn hùa theo ông mắng chửi chúng tôi thậm tệ.
Nhiều lúc bị chính người mẹ từng yêu thương mình đánh mắng, hai chị em tôi tủi thân chỉ biết ôm nhau khóc. Nhiều lần chúng tôi đã muốn về bà ngoại ở. Nhưng nhà bà ngoại quá nghèo, bà lại không có khả năng nuôi 2 chị em tôi ăn học nên dù thương 2 cháu, ngoại vẫn bắt chúng phải sống cùng dượng để được ăn học nên người.
Nhưng vì quá buồn chán chuyện gia đình mà lực học của chị em tôi ngày một giảm sút và kết quả học tồi tệ hơn. Mẹ tôi sau quá thất vọng về các con nên càng hay chửi bới và đánh. Tôi giận và căm hận mẹ nên càng theo bạn bè lêu lổng, bỏ bê học hành và đàn đúm.
Thời gian trôi qua, cũng đến ngày tôi tốt nghiệp cấp 3. Do ham chơi nên tôi không dám thi vào đại học vì với sức học của mình, tôi biết mình không thể đỗ đạt như nhiều bạn bè khác. Thời gian đầu sau khi học xong lớp 12, ngày nào tôi cũng phải chịu trận những lời chửi mắng của mẹ và bố dượng. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng để sống qua ngày.
Nhưng ở nhà được khoảng nửa năm thì một sự việc kinh hãi khác xảy ra khiến tôi không thể nín nhịn được. Đó là một ngày khi mẹ tôi không có nhà, khi tôi đang ngủ ở trong phòng của mình thì cha dượng bước vào có ý định đưa tay sàm sỡ cơ thể tôi. Quá hoảng sợ, tôi đã chạy ra khỏi nhà đến tận tối mẹ về thì tôi mới dám về.
Ngay tối đó, tôi đã kể lại tất cả sự việc này với mẹ. Tôi nghĩ mẹ sẽ đứng về phía tôi mà cho dượng một trận. Song trớ trêu thay mẹ tôi không tin những gì tôi nói. Bà còn nói tôi không ưa dượng nên đặt điều cho ông và bênh dượng chằm chặp. Quá hoảng sợ và thất vọng, tôi căm hận chính người mẹ đẻ mình. Bởi thế, ngay mấy ngày sau, tôi quyết định theo bạn bè xuống dưới Hà Nội làm thuê. Khi ấy tôi mới gần 19 tuổi.
Trượt dài vì nghiện ngập và những cuộc tình 1 đêm ngắn ngủi
Những ngày đầu xuống Hà Nội, sẵn có ngoại hình xinh đẹp, cao ráo nên tôi xin vào làm phục vụ tại một quán bar. Làm được một thời gian, tự nhận thấy làm phục vụ được quá ít tiền/tháng nên tôi đã xin chuyển sang làm nhân viên tiếp rượu tại đây. Công việc tiếp rượu cho bar này đã dần đưa đẩy cho tôi quen nhiều người với đủ các tầng lớp Xã hội.
Làm tiếp rượu được khoảng hơn 1 năm, theo lời bạn bè giới thiệu, tôi chuyển sang nghề tiếp thị rượu. Với nghề này, thu nhập của tôi được cải thiện rõ rệt. Có tháng thu nhập của tôi được từ 15-20 triệu. Vì có nhiều tiền nên tôi bắt đầu nghe theo lời rủ rê của bạn bè "cắn đá".
Tôi và những người bạn xã hội thường xuyên tụ tập nhau đi bar, đi sàn những lúc có chuyện vui. Hoặc thậm chí, chúng tôi dính vào cái thứ gây nghiện đó ngay cả khi buồn chán chuyện yêu đương hoặc nghĩ tới gia đình phức tạp của mình.
Vì căm hận mẹ, nên suốt mấy năm lang bạt trên Hà Nội, tôi cũng rất ít khi về thăm nhà. Thậm chí mẹ nhiều khi gọi tôi về nhà khi có việc, tôi cũng không thèm về.
Một năm, tôi chỉ về nhà một hai lần vào dịp Tết Nguyên Đán được 1-2 ngày rồi lại đi. Chỉ thỉnh thoảng, em trai gọi điện xin tiền đóng học thì tôi gửi tiền về cho em. Còn hầu như không ai ở nhà biết tôi sống ở trên này thế nào hoặc tôi đang làm gì.
Dù mỗi ngày mỗi lớn khôn, nhưng những ký ức về người mẹ tệ bạc có chồng mới quên cả hai con cứ hành hạ và ám ảnh tôi. Nhiều lúc tôi muốn quên lãng hết tất cả để sống một cuộc sống mới, để chứng minh cho mẹ tôi biết không có bà thì tôi vẫn sống tốt. Nhưng tôi lại không làm được. Tôi cứ dần trượt dài vào con đường nghiện ngập. Rồi như bao cô gái khác trong hội, chúng tôi bắt đầu yêu đương, cặp kè tùm lum và có nhiều những cuộc tình một đêm ngắn ngủi.
Tôi cứ sống trong sa đọa và bất cần đời như thế. Cho tới bây giờ, nếu hỏi tôi đã từng qua đêm hay từng cặp với bao nhiêu người đàn ông thì thú thật tôi không thể nhớ được. Với tôi, mối tình ngắn nhất kéo dài 1-2 ngày, thậm chí vài tiếng. Còn mối tình lâu dài nhất cũng chỉ kéo dài được 3 tháng là tan.
Đặc biệt, có những người tình mà trong suốt thời gian cặp kè, tôi cũng chẳng buồn quan tâm họ là ai, là người như thế nào? Có những người tôi cặp kè vào lúc bản thân đang bay bổng vì đang chơi đá nên cũng không nhớ rõ mặt mũi ra sao...
Vào trại cải tạo vẫn chưa nguôi nỗi đau quá khứ và căm hận mẹ
6 năm trời liên miên tôi cứ sống trong bê tha, sa đọa như vậy. Nhiều lần tôi đã muốn dừng lại nhưng rồi bạn bè cứ rủ rê khiến tôi không sao thoát ra khỏi cuộc sống không ngày mai như vậy. Cho tới một ngày, khi đang trên đường tới chỗ làm, vì không đội mũ bảo hiểm lại vượt đèn đỏ nên tôi đã bị công an giao thông bắt.
Cho tới nay, đã gần 2 năm ở trong trung tâm này nhưng chưa một lần tôi gọi về thông báo cho mẹ biết tôi đã bị bắt và đang cải tạo tại đây.
Qua kiểm tra và làm một số xét nghiệm, tôi và cô bạn hôm ấy đều có chất kích thích trong người. Sau đó, tôi đã bị đưa về Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 3 Ba Vì vào những ngày cuối năm 2012.
Những ngày ở trung tâm này, khác với nhiều học viên khác cứ mỗi tháng gọi điện về cho người nhà. Còn tôi, tôi chẳng có ai để mà gọi về. Những lúc ấy, tôi chỉ gọi cho một vài người bạn xã hội buôn. Mọi người đều hỏi, sao tôi không gọi cho mẹ tôi vào thăm? Nhưng thật sự, tôi không muốn gọi cho bà bởi vì tôi vẫn căm hận mẹ đẻ mình tột cùng.
Bao năm qua, tôi sống thế nào, bà có bao giờ thèm quan tâm. Bởi thế, tôi cũng không muốn bà vì thương hại biết tôi ở đây mà phải khăn gói lên thăm tôi.
Hiện tôi đã ở trung tâm được gần 2 năm và chỉ còn khoảng vài tháng nữa tôi sẽ được trở về hòa nhập với cộng đồng. Nhưng tôi vẫn dự định sẽ không bao giờ về thăm mẹ mình. Tôi nhận ra suốt gần chục năm nay, bà chính là người đã đẩy tôi vào những chuỗi ngày đầy tội lỗi như này. Sao tôi đã xác định không có người mẹ như thế mà lòng tôi lúc này vẫn đau đớn, vẫn day dứt đến vậy khi nghĩ về người tôi đã và đang gọi là mẹ?