Dân Việt

Bị cáo, luật sư được thu thập chứng cứ?

23/12/2014 08:31 GMT+7
Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo đang bị hạn chế là một trong các vấn đề chính được nêu trong hội thảo định hướng sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 22.12 tại TP.Đà Nẵng.
Tại hội thảo, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá chứng cứ là phương tiện để tìm đến chân lý của vụ án hình sự. Các giai đoạn tố tụng được mở ra và kết thúc đều hướng đến việc tìm kiếm, làm rõ chứng cứ. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành lại mới chỉ ghi nhận một số nguồn được xem là chứng cứ như vật chứng, lời khai, kết luận giám định, biên bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Mở rộng chủ thể được thu thập chứng cứ

Cụ thể, BLTTHS quy định chỉ những thông tin chứa đựng trong các nguồn nêu trên mới có giá trị chứng minh. Những thông tin khác dù thỏa mãn yêu cầu về tính xác thực, tính liên quan đến sự việc phạm tội nhưng không được phản ánh từ các nguồn mà BLTTHS đã quy định thì cũng không được công nhận là chứng cứ nên đã dẫn đến nhiều bất cập.

Ngoài ra, việc BLTTHS không quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, quyền cung cấp chứng cứ của người bị buộc tội đã làm cho quá trình tranh tụng trở nên không thực chất và kém thuyết phục.

Để khắc phục, ông Bình cho rằng cần phải mở rộng quyền thu thập chứng cứ cho những người tham gia tố tụng. Theo đó, không chỉ các cơ quan tố tụng mới có quyền thu thập chứng cứ mà cả những chủ thể tham gia tố tụng khác như người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luật sư… cũng có quyền thu thập chứng cứ.

img
Cần mở rộng quyền thu thập chứng cứ cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luật sư. Ảnh minh họa: H.T.D

Bị can, bị cáo được đọc, sao chụp hồ sơ

Theo quy định hiện hành, chỉ luật sư mới có quyền sao chụp hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng quy định này không đảm bảo quyền của bị can, bị cáo. Bởi lẽ nếu luật không cho họ biết cơ quan tố tụng đang dựa vào nguồn chứng cứ nào để buộc tội họ thì làm sao họ có thể thực hiện tốt quyền tự bào chữa cho mình?

Theo bà Nguyễn Thị Thủy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND Tối cao), cần sửa đổi BLTTHS theo hướng cho bị can, bị cáo có quyền sao chụp, đọc, nghiên cứu hồ sơ vụ án. Bà Thủy còn lấy ví dụ một số quốc gia mã hóa chứng cứ trên trang web và có mật mã. Khi nào bị can, bị cáo, luật sư yêu cầu thì cơ quan chức năng sẽ cung cấp mật mã để họ có thể truy cập xem chứng cứ mọi lúc, mọi nơi. “Việt Nam cũng nên học hỏi để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bị can, bị cáo” - bà Thủy nhấn mạnh.

Bị can, bị cáo có quyền im lặng

Cạnh đó, theo nhiều đại biểu, BLTTHS hiện hành có quy định trong giai đoạn xét xử, bị cáo có quyền không trả lời các câu hỏi nhưng lại không chính thức quy định “im lặng” là quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong khi đó, BLHS thì quy định “thật thà khai báo” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Từ đó, nhiều người tiến hành tố tụng đã đánh giá rằng việc bị can, bị cáo “im lặng” là không thật thà khai báo, không ăn năn hối cải và coi đó như một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ nhận xét: “Hiện nay, theo quy định thì việc bị can, bị cáo không khai báo không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nhưng thực tiễn xét xử, nếu bị cáo không nhận tội thì không được hưởng án treo. Vậy là như tình tiết tăng nặng rồi còn gì”.

Theo ông Độ, các cơ quan tố tụng không nên xem việc im lặng là yếu tố bất lợi của bị can, bị cáo. Bởi lẽ bị can, bị cáo có quyền không khai báo hành vi phạm tội của mình, tức họ cũng có quyền không tự khai báo những chứng cứ chứng minh họ phạm tội hoặc gây bất lợi cho họ.

Cần quy định về chứng cứ điện tử

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển và tội phạm về công nghệ thông tin cũng bắt đầu tăng dần. Ngoài xã hội có loại tội phạm gì thì trên mạng thông tin toàn cầu có loại tội phạm đó, từ trộm cắp, lừa đảo, khủng bố đến giết người… Vì vậy, BLTTHS cần bổ sung quy định về nguồn dữ liệu chứng cứ điện tử. Đây được xem là nguồn chứng cứ quan trọng và đặc thù.

Điều đáng lưu ý là dữ liệu điện tử là những ký tự được lưu giữ trong thiết bị điện tử như máy tính, máy ảnh, máy phôtô, mạng Internet… mà từ đó có thể cho ra chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh… phản ánh sự kiện phạm tội. Những dữ liệu điện tử này rất dễ bị tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi, hủy bỏ do cố ý hoặc vô ý. Do vậy, quá trình sửa đổi BLTTHS cần phải quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử, thủ tục thu giữ phương tiện điện tử cũng như việc chặn, thu giữ dữ liệu điện tử trên đường truyền trên mạng.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Giám định tài sản trước khi tạm giữ

Đề cao quyền nhân thân, quyền con người của bị can, bị cáo cũng phải đề cập đến việc bảo vệ tài sản của họ. Có thể họ có tài sản trị giá cả tỉ bạc, khi họ bị khởi tố thì cơ quan tố tụng tạm giữ. Sau một vài năm, khi cơ quan tố tụng trả lại thì tài sản đó đã bị hư hỏng, mất chất lượng…

Vậy tại sao BLTTHS không quy định là trước khi tạm giữ tài sản thì nên giám định về chất lượng tài sản, giá trị tài sản… để sau này khi cơ quan tố tụng trả lại, nếu tài sản không còn đảm bảo thì họ có quyền khởi kiện để đòi bồi thường.

TS Trần Văn Dũng, Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự (Bộ Tư pháp)