Bỏ học chăn vịt và tốt nghiệp loại ưu
Nguyễn Trung Thành sinh năm 1981 tại xã nghèo thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.Bố là giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, còn mẹ là nông dân.
Nguyễn Trung Thành trong cuộc trò chuyện với PV. (Ảnh: Văn Chung).
Từ lớp 1 lên lớp 6, Thành học bình thường. Chán học, Thành xin bố mẹ nghỉ ở nhà một năm đi chăn vịt. Được 1 năm, Thành nghĩ: chẳng nhẽ mình cứ đi chăn vịt suốt đời. Vậy là giải nghệ, quay lại trường học.
Vào lớp 7, Thành luôn bị các bạn trong lớp cười vì nói năng không ra câu, nhưng lúc nào cũng hăng hái phát biểu. Điểm trung bình cuối năm chỉ đủ đến lên lớp 8. Nhưng bắt đầu từ đó cho đến lớp 12, cậu luôn đạt học sinh tiên tiến.
Hết học kỳ I lớp 8, Thành được giải khuyến khích thi HS giỏi môn Sinh học cấp huyện. Và cũng môn học này, lớp 9 trả lời bằng giải nhì thi HS giỏi cấp huyện. Tốt nghiệp lớp 12, đạt HS tiên tiến nhưng biết vốn tiếng Anh học tại địa phương không đủ để thi ĐH, Thành thuyết phục bố, mẹ lên tỉnh vừa kiếm tiền vừa học ôn. Năm 2001, nhận phiếu báo đậu trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) thừa 2 điểm.
Không muốn bố mẹ phải vất vả vì mình, Thành xin đi làm thêm tại Bảo tàng dân tộc học. Thương những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, Thành kết nối với nhiều sinh viên khác thành lập nên Quỹ khuyến học. Sau này quỹ đó đã giúp đỡ được rất nhiều học sinh nghèo vượt khó.
Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại ưu, Thành quyết định vào Nam lập nghiệp. Chàng SV trẻ được nhận vào làm thông dịch viên của một công ty đầu tư xây dựng khu du lịch tại Nha Trang. Và chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực làm việc, Thành đã chứng tỏ được năng lực của mình nên nhanh chóng được kiêm chức trợ lý giám đốc.
Những bài học quý từ trại giam
Sớm đạt được công việc và vị trí nhiều người trẻ thầm ao ước nhưng tất cả đã sụp đổ khi Thành bị bắt và bị kết án 12 năm tù giam với tội danh “môi giới hối lộ” vào năm 2007. Đó là lần Thành phải làm thông dịch cho một chủ đầu tư nước ngoài với một quan chức tại Khánh Hòa để thực hiện việc hối lộ một số tiền rất lớn.
Những ngày đầu thụ án tại Trại A2, tỉnh Khánh Hòa, Thành đã nghĩ tới việc quyên sinh để giải thoát bản thân khỏi đau đớn, tủi nhục.
Nguyễn Trung Thành chụp chung cùng sinh viên. (Ảnh: NVCC).
Một người bạn tù vỗ vai Thành, giọng từ tốn nhưng dứt khoát “là thằng đàn ông, có gan làm thì phải có gan chịu, phải biết thay đổi để mà tồn tại”.
Nghe lời người bạn rồi nhìn lại xung quanh, thấy bao người còn đáng thương hơn mình, có người bị kết án chung thân nhưng vẫn sống vui, Thành như bừng tỉnh và tự nhủ mình phải sống thật tốt.
Những ngày đầu trong trại, Thành nhớ gia đình da diết. Từ nguyên liệu và giấy và xà phong thơm Thành đã làm ra được một cây sáo.
“Ngày còn là SV, mình đã từng làm sáo bán lấy tiền đóng học. Trong này buồn, muốn làm một khúc sáo thổi cho vui. Thế nhưng theo quy định của trại giam, phạm nhân không được mang những vật nhọn, cứng, sắc vào trại giam. Nhưng rồi mình đã nghĩ ra cách là quấn báo thành cái ống phía trong, bên ngoài mình cắt gọt bánh xà phòng thơm thành hình cây sáo. Không ngờ lại thổi ra âm thanh” – Thành nhớ lại.
Hàng đêm, khi không gian đã yên tĩnh, tiếng sáo của Thành là thứ âm thanh trong trẻo đầy cảm xúc.
Cũng nhờ có tài lẻ đó, một phạm nhân khác đã giới thiệu Thành với cán bộ trại giam và cho biết thêm về khả năng thông thạo tiếng Anh, máy vi tính của Thành.
Thành được cán bộ trại cho thử thách và sau đó cho làm Trưởng ban quản lý phạm nhân.
Công việc đó, với Thành là “một kỉ niệm suốt đời không thể quên”.
“Trại giam A2, chủ yếu là người Nam, còn mình là người Bắc. Chỉ nói riêng về ngôn ngữ và phong tục cũng đã khác nhau rồi. Đấy là chưa nói đến việc có nhiều người Nam họ không thiện cảm với dân Bắc mình. Thế nên mình đã phải học hỏi rất nhiều từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán. Và cái quan trọng nhất là gần gũi để nắm bắt tâm tư tình cảm của các phạm nhân”.
Hầu hết những thứ hai đầu tháng Thành lại được đứng trước hàng ngàn phạm nhận để chia sẻ cảm xúc và nói những lời động viên chân thành với họ.
Cùng màu áo, cùng ngôn ngữ và sự chân tình nên Thành được nhiều anh em dành cho sự tôn trọng, đồng cảm.
Thành kể: “Có lần, có một phạm nhân người Khánh Hòa bị bắt vào trại vì tội buôn bán ma túy. Thụ án nhưng bị người thân bỏ mặc, anh này sinh ra quẫn, luôn tìm cách dọa chết và chửi cán bộ trại giam. Một lần, anh ta cầm lăm lăm chiếc dao lam trên tay và dọa nếu không thỏa mãn các yêu sách mình đưa ra thì sẽ cắt tay tự tử”.
“Nhiều cán bộ của trại khuyên bảo nhưng anh ta không nghe và đuổi ra hết. Đến khi mình lại gần và nói: “Anh bình tĩnh. Anh cứ bỏ lưỡi dao lam xuống rồi lên phòng uống nước chè với em. Anh yêu cầu gì em sẽ nói lại với cán bộ cho anh. Sau hồi lâu thuyết phục anh ta đã chịu theo mình về phòng”.
Trong trại giam mỗi người mỗi tài nên Thành nói mình học được rất nhiều nghề. Nào là đục đẽo tượng, nào là nhạc, họa…
Những kỹ năng ấy, khi ra khỏi trại giam rồi đã giúp Thành làm lại cuộc đời.
Hạnh phúc mỉm cười
Nhờ thành tích cải tạo tốt nên chỉ sau hơn 3 năm Thành đã được trở về với thế giới tự do.
Thành nghĩ mình cần mở một quán phở như là nơi anh kết nối với bạn bè “phần để họ giúp ăn phở ủng hộ mình, nhưng lý do chính là để mọi người giúp anh tìm hướng đi lâu dài cho đường đời sắp tới”.
Nguyễn Trung Thành trong giây phút vui nhộn cùng sinh viên. (Ảnh: NVCC)
May mắn khi Thành được một người bạn ĐH hiện đang là giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết trường đang tuyển giảng viên và giới thiệu Thành về làm dạy thỉnh giảng tại đây.
Mặc cảm vì lý lịch, nghĩ mình chẳng bao giờ có thể làm được công việc này nhưng nhờ có sự động viên của người bạn, Thành có thêm quyết tâm lên giảng đường.
“Vậy mà không ngờ khi đứng trên bục giảng mình lại tự tin đến vậy. Tiết học trôi qua rất hào hứng, tự nhiên và gần gũi. Các bạn sinh viên ủng hộ rất nhiệt tình. Mình nghĩ để có được sự tự tin đó chính là nhờ những ngày làm Trưởng ban quản lý phạm nhân khi còn trong trại giam” – Thành tâm sự.
Sau thời thử việc, đến tháng 8/2012 Thành vượt qua phần thi khắc nghiệt của trường để trở thành giảng viên chính thức của khoa tiếng Anh.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Chánh văn phòng Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ cho biết: Trong thời gian làm việc tại trường đến nay, thầy Thành luôn chứng tỏ được năng lực của mình và được các em sinh viên yêu quý, tôn trọng.
Còn về sai lầm của thầy, đó đã thuộc về quá khứ. Trong mỗi chúng ta ai cũng có thể mắc. Quan trọng là chúng ta có biết sửa sai hay không và xã hội phải tạo cơ hội để họ trở lại làm người tốt”.
Vào trường, Thành không chỉ luôn tìm cách thay đổi phương pháp dạy mà còn mang chính chuyện đời mình chia sẻ cho sinh viên nghe với mong mỏi các bạn phải suy nghĩ thật kỹ trước mỗi hành động, trước khó khăn không được chạy trốn mà phải có bản lĩnh đối mặt để vượt qua.
Công việc giảng viên không chỉ mang lại cho thầy sự tư tin để làm lại từ đầu mà còn mang đến cho thầy một người vợ ngoan hiền, xinh đẹp.
Thành cười hạnh phúc: “Vợ mình chính là sinh viên của mình đấy. Cô ấy bảo thầm yêu trộm nhớ mình từ những bài giảng dí dỏm và nhất là cái cách mình không lảng tránh những lỗi lầm của quá khứ”.