Dân Việt

Năm 2014: Đau xót trước sự ra đi của những nghệ sĩ tài hoa

Đông Vũ 24/12/2014 09:05 GMT+7
Những "cây đa, cây đề" của nền văn học- nghệ thuật Việt Nam như: Thanh Hoài, Trịnh Thịnh, Lưu Trùng Dương, Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Thuận Yến, Thanh Bình... đã giã từ dương thế, về với tiên tổ, song những cống hiến lớn lao của họ cho nền nghệ thuật nước nhà vẫn còn sống mãi với thời gian.

Nghệ sĩ hài Thanh Hoài

img

Nghệ sĩ hài Thanh Hoài. Ảnh: Thanh Hiệp/ Người Lao Động

Nghệ sĩ hài Thanh Hoài qua đời lúc 3 giờ ngày 22.12, hưởng thọ 83 tuổi. Ông ra đi khiến sân khấu hài miền Nam mất đi một trong bảy "quái kiệt" (bảy "quái kiệt" của sân khấu hài miền Nam trước năm 1975 bên cạnh: Thanh Việt, Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân) từng khiến bao thế hệ khán giả ngưỡng mộ.

Danh hài Thanh Hoài tên thật Đinh Tiến Hoài, sinh năm 1932 tại Hưng Yên. Nghệ sĩ Thanh Hoài thường nhếch nhếch bộ râu nở nụ cười khoan khoái, chất giọng nhừa nhựa tạo dấu ấn khó quên khi ông diễn trên sân khấu.

Nhà thơ Lưu Trùng Dương

img

Nhà thơ Lưu Trùng Dương. Ảnh: Tiền Phong

Nhà thơ Lưu Trùng Dương tên thật là Lưu Quang Lũy, sinh năm 1930 tại thành phố Đà Nẵng, trong một gia đình có dòng máu văn hóa nghệ thuật. Ông là em của nhà thơ, soạn giả Lưu Quang Thuận và chú ruột nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông còn có các bút danh Trần Hướng Dương, Trần Thế Sự, Lưu Ly…

Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, nguyên Phó chủ tịch thường trực, Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng thư kí Hội Văn nghệ TP.Đà Nẵng. Ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có 19 tập thơ, 15 tác phẩm văn xuôi, 9 kịch bản sân khấu - điện ảnh. Thơ đưa vào sách giáo khoa giảng dạy: 5 tác phẩm, thơ dịch ra tiếng nước ngoài có 5 tác phẩm. Thơ được phổ thành nhạc và tổ khúc giao hưởng có 20 tác phẩm.

Ông đã nhận được 11 giải thưởng văn học: Giải thưởng loại A Cuộc thi thơ miền Nam Trung Bộ 1948 với Bài ca tự túc; Giải thưởng văn học Phạm Văn Đồng, miền Nam Trung Bộ 1950-1951 (tập Thơ của người lính); Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2001 (tập thơ Bài ca người Đà Nẵng).

Nhà thơ giã từ cõi trần hồi 8 giờ ngày 9.10.2014, hưởng thọ 87 tuổi. 

Nhạc sĩ Thuận Yến

img
Nhạc sĩ Thuận Yến. Ảnh: PL&ĐS.

Ở tuổi 83, nhạc sĩ Thuận Yến đã dứt bụi trần. Ông đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh vào ngày 24.5.2014. Nhạc sĩ Thuận Yến là người đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm còn mãi với thời gian.

Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông bao gồm tới hơn 500 ca khúc. Thuận Yến từng giữ chức Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nghỉ hưu, ông đã được phong tới quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Gia đình nhạc sĩ Thuận Yến được coi là gia đình nghệ thuật mẫu mực của làng nhạc. Vợ ông là NSƯT đàn dân tộc Thanh Hương. Hai con ông, diva Thanh Lam và DJ Trí Minh đều tiếp nối truyền thống gia đình và gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.

NSND Trịnh Thịnh

img
NSND Trịnh Thịnh. Ảnh: Vnexpess.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1927. Sự nghiệp của ông trải dài gần 60 năm, kể từ vai diễn đầu tiên trong Chung một dòng sông (1956)- bộ phim khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Ông tham gia hầu hết các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam như Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ, Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực. Trước khi tham gia đóng phim, ông từng là một nhân viên ngân hàng, diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô.

Nghệ sĩ trút hơi thở cuối cùng lúc 9h30 sáng 12.4.2014 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Nhà văn Tô Hoài

img

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: An Thành Đạt/ Vnexpess.


Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, tên khai sinh là Nguyễn Sen, quê nội ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tuy nhiên ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông đến với văn chương ở tuổi thanh niên, lấy bút danh là Tô Hoài, gắn với hai địa danh là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Năm 1941, Tô Hoài sáng tác Dế Mèn phiêu lưu ký, trở thành tác phẩm văn học gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam từ đó đến nay.

Bên cạnh đó, ông còn cống hiến cho nền văn học trong nước hàng trăm tác phẩm đáng quý, thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác, nổi bật như Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ...

Nhà văn Tô Hoài được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật tại đợt đầu tiên vào năm 1996.

Ông qua đời sáng 6.7.2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Nhạc sĩ Thanh Bình

 

img

Nhạc sĩ Thanh Bình. Ảnh: Người Lao Động.

Nhạc sĩ Thanh Bình tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Minh. Ông sinh năm 1932. Nhạc sĩ nổi tiếng qua các ca khúc nhạc vàng và tình khúc 1954-1975 như "Tình lỡ", "Những nẻo đường Việt Nam".

Ông qua đời tại nhà riêng vào ngày 23.5.2014, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sĩ Xuân Giao

img
Nhạc sĩ Xuân Giao. Ảnh: CAND

Nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932, quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên nhưng ông lại trưởng thành ở đất Kiến An, Hải Phòng. Ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Cô gái mở đường”, “Em mơ gặp Bác Hồ”, “Cháu yêu bà”...đã qua đời lúc 19h25 phút ngày 21.8, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sĩ Xuân Giao đến với âm nhạc một cách tự nhiên và để lại cho đời nhiều bài ca đặc sắc, dù ông chưa được học qua một trường lớp chính quy nào. Những bài hát của ông thường được sáng tác trên đàn ghita hay măngđôlin. Nhạc sĩ tài ba đã tạ thế vào ngày 21.8.

Ca sĩ Giang Tử

img
Ca sĩ Giang Tử thời trẻ. Ảnh: Vnexpress

Ca sĩ Giang Tử tên thật Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1944 tại Hải Phòng. Nghệ danh Giang Tử xuất phát từ sở thích phiêu bạt giang hồ, lãng tử của nam ca sĩ.

Trong những năm 1960-1970, Giang Tử nổi tiếng ở trong nước với dòng nhạc boléro ngọt ngào. Năm 1968, ông nổi danh với Căn nhà màu tím - một sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh.

Một số ca khúc khác gắn liền với tên tuổi của Giang Tử là Chuyến đi về sáng, Cô hàng xóm, Nhật ký đời tôi...

Ca sĩ Giang Tử qua đời vì chứng ung thư vòm họng vào ngày 16.9 tại Texas (Mỹ), thọ 71 tuổi. 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

img
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Bảo Phúc năm 2012 - Ảnh: Duy Minh/ VOV.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12.1.1932, quê An Giang. Ông còn có bút danh khác là Nguyễn Sáng.

Ông nổi tiếng với những truyện ngắn và tiểu thuyết như Người quê hương, Bông cẩm thạch, Mùa gió chướng... và đặc biệt là tác phẩm Chiếc lược ngà. Ông qua đời vào ngày 13.2.2014, thọ 82 tuổi.

Nhà Văn Anh Đức

img

Nhà văn Anh Đức. Ảnh: Thể thao Văn hóa.

Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang. Năm 2000 ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh do những đóng góp cho văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh.

Hòn Đất là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Anh Đức với nhân vật chị Sứ quen thuộc với nhiều độc giả, được coi là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh tiêu biểu thời bấy giờ. Tác phẩm từng mang về cho ông giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.

Trích đoạn của tác phẩm Hòn Đất cũng từng được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông và từng được dựng thành phim truyện cùng tên do Hồng Sến làm đạo diễn. Ông qua đời đêm 21.8.2014 tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), thọ 79 tuổi.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

img
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán/ Vnexpess.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Ông từng là phóng viên báo Tiền phong ở Hà Nội đến năm 1959 với bút danh Tân Sắc.

Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều dấu ấn riêng đậm nét "thương hiệu" Bùi Ngọc Tấn khó phai mờ trong lòng bạn đọc.

Một số sáng tác chính của nhà văn đã in như Mùa cưới, Đêm tháng Mười, Người gác đèn biển, Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long, Nhật ký xi măng, Viết về bè bạn, Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn, Biển và Chim bói cá.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời vào ngày 18.12.2014 tại nhà riêng vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 80 tuổi.