Dân Việt

Cứu dưới biển, giúp trên bờ

12/11/2010 14:52 GMT+7
(Dân Việt) - Ngư dân phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã vận động thành lập 11 Tổ tương hỗ giúp đỡ nhau phát triển nghề biển trong bối cảnh nghề nhiều rủi ro, nguy hiểm.
img
Nhờ có Quỹ tương hỗ, nhiều chủ tàu ở Đà Nẵng có thể yên tâm ra khơi xa kiếm sống. ẢNh: Vũ Vân Anh

Từng là thuyền trưởng tàu cá, ông Trần Út (phường Nại Hiên Đông) trở nên trắng tay sau khi tàu bị bão đánh chìm (tháng 8- 2010). Tưởng chừng bỏ biển, nhưng nhờ sự giúp đỡ từ Tổ tương hỗ số 4, ông đang từng bước sắm lại tàu, trở lại với nghề.

San sẻ khó khăn

60 triệu đồng là số tiền ông Út nhận được từ tổ. “Tổ có ý nghĩa với tôi không chỉ là giúp kinh phí để tôi khôi phục sản xuất mà trong khi lâm nạn trên biển, anh em còn cứu vớt tôi”. Nhớ lại ngày 23- 8- 2010, tàu ông Út gặp nạn, ông Cao Văn Minh - Tổ trưởng Tổ tương hỗ số 4, điều ngay 2 tàu trong tổ ra tìm kiếm cứu nạn.

img Có tổ, có quỹ, anh em thấy ấm lòng, có chỗ dựa cậy khi gặp rủi ro, lại chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hiệp đồng tương trợ trên biển, hỗ trợ nhau mua các trang thiết bị, ngư cụ và đóng tàu mới... img

Ông Nguyễn Hiền - chủ tàu ĐNA-90242.

Ông Minh còn vào tận Quảng Nam để nhờ các tàu thuyền đang đánh bắt gần nơi ông Út gặp nạn cùng đi tìm kiếm giúp. Ông Út và 10 ngư dân được cứu nhưng con tàu thì bị sóng đánh chìm. “Toàn bộ chi phí xăng dầu cứu nạn anh Út, khoảng 60 triệu đồng, chúng tôi trích từ nguồn quỹ của tổ, anh Út không phải tốn kém gì”- ông Minh cho biết.

Tổ tương hỗ số 4 được thành lập từ năm 2007, với hơn 10 tàu thuyền thành viên. Tùy theo mùa đánh bắt khác nhau, các tàu thuyền trong một tổ sẽ đóng quỹ theo tháng từ 200.000 - 2.000.000 đồng/thành viên/tháng.

Tính đến nay số tiền góp quỹ lên đến 120 triệu đồng. Số tiền quỹ này được các thành viên thống nhất sử dụng như sau: Nếu tàu bị mất lưới, hỏng máy, các tàu thuyền khác sẽ tham gia lai dắt. Chi phí nhiên liệu, quỹ chịu một nửa và tàu gặp nạn chịu một nửa. Với trường hợp mất tàu như ông Út, quỹ chịu toàn bộ chi phí nhiên liệu cứu hộ, cứu nạn.

Ông Nguyễn Hiền - chủ tàu ĐNA-90242, thành viên trong tổ, cho hay làm nghề biển, nay được mai mất, nên việc góp quỹ để hỗ trợ lẫn nhau là rất cần thiết.

Tiếp sức vươn khơi

Cầm trên tay số tiền “nhường cơm sẻ áo” của chính các thành viên trong tổ, ông Út không khỏi xúc động. “Nếu không có nguồn quỹ trong tổ, chắc tôi khó mà gượng dậy được trước những khó khăn, mất mát vừa qua. Cùng với số tiền hơn 60 triệu đồng do anh em trong tổ nhường lại, TP.Đà Nẵng cũng hỗ trợ 40 triệu đồng. Tôi sẽ vay mượn thêm ít nữa và sắm tàu mới” - ông Út cho biết.

img
 

Đây không phải là lần đầu tiên ông Út được Tổ tương hỗ tiếp sức. Trước đó, vào tháng 10-2008, trong lúc hành nghề trên biển, tàu ông Trần Út bị chết máy, lạc giữa cơn bão giật cấp 8. Rất may, tàu ông Nguyễn Hiền và Phạm Liễu, 2 thành viên trong tổ, đang đánh bắt gần đó đã hỗ trợ lai dắt tàu ông vượt qua sóng to, gió lớn để vào bờ an toàn.

Trong các ngư trường của Việt Nam, khu vực Hoàng Sa là vùng nhiều rủi ro nhất. “Muốn đánh bắt vùng đó, chúng tôi phải đi cả tổ, để nhỡ có “sự cố” còn tương trợ lẫn nhau. Ví như tàu chết máy, hỏng hóc đột ngột, phải có tàu bên cạnh ngay lập tức lai dắt về - ngư dân Phạm Văn Hoa, một thành viên của Tổ tương hỗ số 1, cho biết. Ông cũng chính là người đã cứu 2 ngư dân Bình Định bị trôi dạt tại khu vực đánh bắt bắc vịnh Bắc bộ vừa qua.

Đến nay, không riêng Tổ tương hỗ số 4, trên địa bàn phường đã có nhiều mô hình tổ liên kết ngư dân được thành lập. Theo ông Mai Văn Đãi - cán bộ thuỷ sản phường Nại Hiên Đông, cả phường có 11 tổ tương hỗ với 63 phương tiện. Mỗi tổ có từ 5 thành viên trở lên và cùng đưa ra các quy chế hoạt động riêng của mình. Tổ tương hỗ ở đây được phường ra quyết định thành lập, hỗ trợ một số tiền mặt, phương tiện cứu sinh, máy Icom. Hiện đã có 11 máy Icom được cấp cho các Tổ tương hỗ.

Các ngư dân đánh bắt xa bờ thừa nhận, nhờ Tổ tương hỗ, tình trạng tàu thuyền gặp nạn trên biển giảm hẳn, các vụ tai nạn có xảy ra cũng giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.