Thực tế, trong dự thảo quy chế thi được Bộ GDĐT công bố ngày 18.12, quy định này tiếp tục được nhấn mạnh và sẽ được chi tiết hóa khi quy chế thi chính thức ban hành.
Những tính toán cho điểm thi
Nguyễn Lê Quỳnh Anh - học sinh Trường THPT Tân Phong (quận 7, TP.HCM), cho biết: “Thực tế điều kiện lấy chứng chỉ Anh ngữ theo quy định của Bộ GDĐT đối với học sinh TP.HCM tụi em cũng khá dễ dàng. Vì vậy nếu lấy được chứng chỉ này để có thể được điểm tối đa ở môn ngoại ngữ xét tốt nghiệp THPT thì em sẽ lấy, sau đó tập trung đầu tư thời gian thi các môn khác vì tụi em dự định sẽ thi các môn tự nhiên. Càng thi nhiều môn thì cơ hội xét tuyển các khối sẽ càng nhiều”. Quan điểm của Quỳnh Anh cũng là của em Phạm Văn Tùng, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận 3, TP.HCM). Tùng bày tỏ: “Dĩ nhiên được điểm tuyệt đối sẽ cực kỳ có lợi, góp phần kéo thành tích tốt nghiệp THPT lên. Đó là chưa kể sau khi được miễn thi môn này sẽ có nhiều thời gian để ôn luyện các môn khác”. Theo ghi nhận của NTNN, rất nhiều học sinh lớp 12 tại các thành phố lớn tỏ ra khá hào hứng khi được hỏi về việc lấy chứng chỉ ngoại ngữ để được điểm tuyệt đối ở môn này. Lý do để các em này chọn lấy chứng chỉ ngoại ngữ là để lấy được điểm tuyệt đối trong xét tốt nghiệp, để có thời gian đầu tư cho các môn khác, để kéo kết quả tốt nghiệp lên cao…
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 tại TP.HCM. Quốc Hải
Tương tự, tại Hà Nội, nhiều học sinh lớp 12 cũng rủ nhau đi học, thậm chí, những học sinh theo các khối A, C cũng hồ hởi đi học để lấy chứng chỉ miễn thi. Em Nguyễn Thanh Vân, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Em học khối A nhưng tiếng Anh cũng khá tốt vậy nên sẽ thi để lấy chứng chỉ. Nếu đạt thì điểm tốt nghiệp sẽ được kéo lên rất nhiều. Thi tốt nghiệp chưa chắc đã được điểm tuyệt đối”.
Không có ý nghĩa khi xét tuyển vào đại học
Chia sẻ về những quan điểm này của học sinh, ông Nguyễn Quốc Cường- chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM cho biết: “Các em học sinh cần lưu ý chứng chỉ này chỉ miễn đối với xét tốt nghiệp, còn nếu các em muốn lấy điểm môn ngoại ngữ để xét tuyển vào một trường đại học (ĐH) nào đó có điều kiện bắt buộc thi Anh ngữ thì vẫn phải thi môn này”.
Ông Cường cũng nhắn nhủ: “Các em phải tìm hiểu kỹ thông tin từ các trường để biết trường nào công nhận các chứng chỉ này, trường nào không để tránh tình trạng các em đã có các chứng chỉ này nhưng không thi môn ngoại ngữ theo quy định của các trường ĐH-CĐ và không được xét tuyển”.
Giải thích việc từ chối chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển ĐH, bà Lê Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Phần lớn các ngành tại ĐH Ngoại thương đều tuyển khối D, đặc biệt các ngành ngôn ngữ thương mại, ngoại ngữ sẽ nhân đôi điểm. Với một trường có lượng thí sinh xét tuyển có chất lượng cao khá đông nên mức độ cạnh tranh càng lớn, mức điểm chênh nhau 0,5 hay 1 điểm, thậm chí là chỉ 0,25 điểm cũng là rất quan trọng trong việc quyết định thí sinh đó đậu hay không. Vì vậy nhà trường vẫn phải dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển”.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Mỗi loại chứng chỉ quốc tế có cách thi, cách đánh giá, điểm số khác nhau, các tổ chức cấp cũng khác nhau. Ví dụ cùng là môn tiếng Anh có tới 3 loại được miễn là TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 điểm và 3 đơn vị được quyền cấp là Educational Testing Service (ETS), British Council (BC) và International Development Program (IDP), như vậy sẽ không có mặt bằng chung để đánh giá thí sinh, bởi việc chuyển đổi các chứng chỉ này ra điểm số để xét tuyển vào ĐH rất rối. Còn bỏ điểm môn ngoại ngữ thì cũng không ổn vì các môn còn lại trong khối thi không đại diện được yêu cầu đặc thù của ngành học. Vì vậy quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM là vẫn thi đầu vào môn ngoại ngữ”.