The Hobbit: The Battle of the five armies: Cuộc chiến cuối cùng
Tiếp nối hành trình tìm về lại xứ Erebor – quê hương của tộc người Lùn, đoàn du hành của Thorin Oakenshield – Vua của tộc người lùn cùng anh chàng Hobbit đã làm được một điều phi thường. Đó là đuổi được lão rồng độc ác và có sức mạnh khủng khiếp Smaug ra khỏi ngọn núi Cô Đơn (Lonely Mountain).
Về lại được quê hương, đồng thời cũng lấy lại được kho báu của hoàng tộc, vua Thorin Oakenshield dường như đã có được mọi thứ mà mình phải vất vả mới có thể đạt được. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc tại đây khi mà việc lão rồng Smaug bị tiêu diệt đã biến xứ Erebor cùng ngọn núi Cô Đơn chứa đầy bạc vàng trở thành nơi rất nhiều thế lực muốn xâu xé. Và liệu trong cuộc chiến cuối cùng này, Thorin có thể bảo vệ được những thứ mà vất vả lắm mới có thể giành lại được hay không?
Mạch phim bắt đầu rất nhanh bằng việc ngôi làng bên hồ (Laketown) phải chịu sự tàn phá khủng khiếp của Smaug. Trong cơn điên loạn và giận dữ, Smaug đã trút hết sức mạnh của mình xuống dưới ngôi làng. Và giữa lúc gian nguy, người anh hùng đã xuất hiện. Bard mới chính là nhân vật đã tiêu diệt Smaug, đẩy Lonely Mountain về lại thế cân bằng.
Tất cả thời lượng 144 phút của bộ phim dường như chỉ dồn vào trận chiến cuối cùng. Khung cảnh hùng vĩ của vùng Trung Địa được đạo diễn Peter Jackson dàn dựng đã khiến khán giả choàng ngợp với những thung lũng rộng lớn nơi các đoàn quân tập hợp phô diễn lực lượng, những ngọn núi cao hiểm trở đã khiến những màn đấu kiếm cũng trở nên gay go ác liệt hơn...
Trận chiến cuối cùng của 5 đoàn quân không chỉ là để các phe phái giành giật lại kho báu, hoặc trả thù tộc người lùn vì lòng tham mà đây còn là trận chiến của chính Thorin với bản thân mình, hoặc vì danh dự hoặc vì châu báu.
Gạt bỏ hết những màn chiến đấu hoành tráng với những trận đánh ngạt thở, những gì còn sót lại ở phần cuối cùng của Người Hobbit: Cuộc chiến năm cánh quân (The Hobbit: The Battle of the five armies) chỉ là việc những tướng lĩnh quân đoàn quyết định chiến đấu vì điều gì và bảo vệ điều gì.
Như Bard, bản thân anh ta không phải là một người lãnh đạo và cũng không muốn trở thành người lãnh đạo. Nhưng khi những người dân ở quê anh bị dồn vào đường cùng buộc Bard phải trở thành một vị tướng quân, dẫn dắt và bảo vệ những người thân của mình. Hay như vua của tiên tộc Thranduil sẵn sàng mang quân đến gây chiến chỉ để đòi lại báu vật của tổ tiên thì sau đó, chính anh ta đã cho rút lui để bảo vệ tính mạng quân lính của mình.
Có lẽ khán giả đã không lãng phí tới 3 năm chỉ để dõi theo cuộc hành trình của Bilbo Baggins và đoàn quân người lùn. Người xem dường như cũng bị cuốn theo những màn phiêu lưu, những cuộc chiến trong phim, bị cuốn vào cái choáng ngợp của những binh đoàn tiên, người lùn, bọn quái vật Orc…
Nhưng sự biến đổi tâm lý của Thorin mới là điều trọng tâm của bộ phim. Trên nền trận chiến, Thorin có cuộc chiến ngay ở nội tâm của mình về việc bảo vệ điều quan trọng nhất. Bị ám ảnh bởi vàng bạc như chính ông nội của anh ta hay lão rồng smug, Thorin đã quên hết những khó khăn trên chặng đường, quên hết cả mọi lời hứa danh dự, nghi ngờ chính những người anh em đã kề vai sát cánh với mình. Đến mức như Bilbo Baggins đã phải thốt lên “Chẳng nhẽ bạc vàng ở đây còn quan trọng hơn danh dự của ngài hay sao”.
Một tác phẩm gần như hoàn hảo
Điều đáng tiếc là đạo diễn Peter Jackson đã hơi tham khi cố nhét quá nhiều tình tiết vào để rồi cuối cùng phần đấu tranh nội tâm của Thorin quá ngắn ngủi. Từ việc tham lam vô tình vô nghĩa, Thorin trở lại chính nghĩa chỉ sau vài cảnh phim. Điều này đã khiến cho cảm xúc của khán giả không thể đẩy lên cao và có phần nào chưa thỏa mãn.
Một cuốn tiểu thuyết dài chưa tới 300 trang dành cho thiếu nhi như The Hobbit lại bị cắt ra làm ba phần phim, điều đó đã khiến cho nội dung phần phim cuối cùng có chút gì đó bị cắt vụn.
Dù rằng thời lượng phim đã dồn vào để làm một cái kết hoành tráng, tuy nhiên không khiến khán giả cảm thấy thõa mãn. Việc lão rồng Smug bị “để dành” để sang phần phim này mới bị tiêu diệt ngay từ 10 phút đầu phim làm cho người xem có chút gì hụt hẫng.
Tuy nhiên, những pha hành động đủ để người xem cảm thấy mãn nhãn với kỹ thuật quay phim 48h/s khiến cho chuyển động nhân vật rất mượt cộng thêm hiệu ứng 3D biến trận chiến trên khung hình trở nên thật hơn với khán giả. Giữa những trận chiến hoành tráng, đạo diễn cũng khéo léo lồng vào những khoảnh lặng cảm động. Chiến tranh luôn có những thứ phải hy sinh, điều quan trọng là sự hy sinh đấy đổi lấy được điều gì.
Dù không được đánh giá cao như 2 phần phim đầu, nhưng Người Hobbit: Cuộc chiến năm cánh quân vẫn đủ để khép lại một thiên sử thi hoành tráng của tác giả vĩ đại J. R. R. Tolkien và là cây cầu để kết nối đến 3 phần của Lord of the rings.
Thương hiệu The Hobbit và Peter Jackson cũng là lí do để khán giả tiếp tục ra rạp. Bộ phim đã thu về 300 triệu đô trên toàn cầu và xếp hạng 1 doanh thu phòng vé của nhiều quốc gia.
The Hobbit: The Battle of the five armies vẫn đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc với định dạng 2D, 3D, Atmos và 4DX.
Trailer của bộ phim