Cũng có một thời mong ước ấy đã thành hiện thực với tôi, nhưng rồi như một cơn mơ, tất cả đều sụp đổ vào chính cái ngày người ta tìm ra thủ phạm cướp mất trụ cột của gia đình tôi - căn bệnh AIDS...
Năm tôi tròn 18 tuổi, xinh xắn, tháo vát, khéo léo nên là trung tâm theo đuổi của rất nhiều chàng trai trong bản, ngoài xã, nhưng tôi lại chọn chàng lái xe tải người Kinh quê tận Vĩnh Phúc lên lập nghiệp để gửi gắm đời mình. Chồng chạy xe chở hàng, vợ sớm tối chăm chỉ cuốc cày, lật đá tra ngô, hai đứa con một gái, một trai ngoan ngoãn... Dù chưa dư dả nhưng cuộc sống đầm ấm của gia đình tôi đủ để bà con trầm trồ, khen ngợi.
Cho đến một ngày, chồng tôi đột ngột mắc bạo bệnh, nằm liệt ở bệnh viện huyện gần 2 tháng rồi qua đời. Chưa kịp gượng dậy sau nỗi đau, 3 mẹ con tôi được mời đi làm xét nghiệm. Cái tin "chồng chết vì AIDS, còn tôi và cháu thứ hai đã nhiễm HIV" một lần nữa làm tôi chết lặng.
Số phận thật nghiệt ngã, mọi người xung quanh xa lánh, ba mẹ con ngồi ôm nhau giữa nhà, tuyệt vọng... Sau những đêm dài thức trắng, nhìn 2 đứa con ngơ ngác, tôi tự nhủ: "Sẽ chẳng có ai cảm thông, chia sẻ nếu chính bản thân mình cũng sợ hãi. Mình phải cứng cỏi lên để các con có chỗ dựa...".
Dọn dẹp lại nhà cửa, động viên các con tiếp tục tới lớp, sẵn có mối quen cũ của chồng, tôi chạy hàng rau quả đổ buôn tại các chợ xã trong huyện. Tôi tìm đến Trung tâm Y tế dự phòng của huyện nhờ các cán bộ tư vấn, giúp đỡ thành lập nhóm giáo dục viên đồng đẳng ở địa phương đều là những phụ nữ có mang trong mình virus HIV.
Ban đầu nhóm của chúng tôi chỉ có vài người, dần dần số thành viên ngày một tăng. Bằng những việc làm thiết thực, nhóm đồng đẳng đã dần được bà con dân bản chấp nhận. Vừa lo mưu sinh, tôi vừa tích cực tham gia cùng các thành viên trong nhóm đi tuyên truyền để bà con hiểu hơn về HIV/AIDS, đường lây truyền và những nguy cơ mắc phải để phòng tránh.
Rồi tôi đã dũng cảm đứng trước đám đông chia sẻ về câu chuyện cuộc đời và gia đình mình để làm bài học cho dân bản. Tôi cũng thường xuyên đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và xuống Hà Nội để tham gia những lớp giáo dục kỹ năng về tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, lĩnh thuốc, các vật dụng phòng, chống lây nhiễm “hát” và cập nhật thông tin mới về phòng, chống bệnh để về tuyên truyền, cấp phát cho những đối tượng có nguy cơ cao tại địa bàn sinh sống...
Giờ đây, con lớn của tôi chuẩn bị tốt nghiệp THPT, cháu nhỏ cũng như mẹ tuy mang trong mình mầm bệnh HIV nhưng vẫn khỏe mạnh, lạc quan. Trong suốt những ngày đau khổ đến tột cùng, tôi nghiệm ra rằng: Phải biết vượt lên hoàn cảnh để sống có ích cho cộng đồng, dù là ngắn ngủi. Tôi muốn chia sẻ điều này với các con tôi và với mọi người...
Chị Doãn Thị Nguyên (thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang)
Vinh Minh (ghi)