Hai cuốn “Lều chõng” và “Việc làng” phiên bản 2014 được cho là dựa theo bản in lần đầu của NXB Mai Lĩnh năm 1940, 1941
Bản nào đáng tin?
Trong một diễn đàn về quyền tác giả, con rể của nhà văn Ngô Tất Tố là ông Cao Đắc Điểm lên tiếng tố cáo NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân của tác giả khi phát hành hai cuốn sách “Lều chõng” và “Việc làng” với nhiều đoạn bị cắt bỏ.
Cụ thể, trong cuốn “Lều chõng”, một số đoạn như cô Nghè Thúy ngồi võng trong lễ vinh quy (trang 38), cô Ngọc bói Kiều (trang 62), xử phạt tội trai gái của một Nho sĩ (trang 212)… bị cắt bỏ, với gần 1.000 chữ so với bản được đăng lần đầu tiên trên báo “Thời vụ” năm 1939. Đó là những nội dung nhà văn chỉ trích, phê phán giới quan lại, Nho sĩ dưới thời phong kiến và đã bị kiểm duyệt khi in thành sách.
Trong khi đó, phóng sự “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố cũng bị cho là bị cắt bỏ hai đoạn văn, một phần ở Phần VI - “Góc chiếu giữa đình” và đoạn khác ở Phần XII - “Một tiệc ăn vạ” với tổng cộng 789 chữ. Ngoài ra, ông Cao Đắc Điểm cũng chỉ ra một số lỗi cụm từ cổ in sai, chẳng hạn như “tiêu trường hạ” in thành “tiêu tường hạ”; “huyễn tưởng” in thành “viễn tưởng”… Theo gia đình cố nhà văn Ngô Tất Tố, NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân khi “cắt xén, sửa chữa, làm sai lệch văn bản”.
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, nhà văn Tạ Duy Anh, Phó Ban biên tập NXB Hội Nhà văn cho biết, khi xuất bản 2 cuốn sách trên, NXB và Công ty Nhã Nam đã dựa trên 2 bản in đầu tiên của hai cuốn sách “Lều chõng” và “Việc làng” do NXB Mai Lĩnh phát hành năm 1940 và 1941 và hoàn toàn không cắt xén, thêm bớt.
Ông Tạ Duy Anh cũng khẳng định, NXB chỉ nhận trách nhiệm về những lỗi sai như chính tả, morat và một số từ cổ do hiểu biết hạn chế và quá trình biên tập, chứ không hề vi phạm quyền nhân thân của tác giả Ngô Tất Tố như gia đình nhà văn đã nói.
Chưa có cơ quan khảo cứu
Căn nguyên của vấn đề là khi gia đình nhà văn Ngô Tất Tố dựa trên bản in trên báo để khẳng định là bản gốc thì NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam cho rằng, họ hoàn toàn tuân thủ bản in được cho là đầu tiên của “Lều chõng” và “Việc làng” do NXB Mai Lĩnh ấn hành. Việc mỗi bên dựa vào một văn bản để khẳng định đó là “nguyên tác” thì rất khó để xác định ai đúng, ai sai.
Trong khi những tranh luận trên chưa ngã ngũ, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, nhà văn Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học cho biết, điều quan trọng nhất đó là việc xác định và đưa ra một văn bản gốc, thì chưa thấy ai đề cập. Ông cho biết, có một thực trạng là đến thời điểm này, riêng về chữ Quốc ngữ, chúng ta chưa có một cơ quan nghiên cứu khoa học để khẳng định, đưa ra những văn bản gốc đối với các tác phẩm văn học Việt Nam.
“Về chữ Hán chúng ta có Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong khi chữ Quốc ngữ thì không có. Một số cơ quan như Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ thì không đi sâu vào vấn đề này” - nhà văn Đỗ Hàn cho biết. Điều này rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền nhân thân của tác giả, đối với những tác giả đã qua đời trên 50 năm và theo quy định là không còn quyền tác giả đối với tác phẩm nữa.
Cũng theo ông Đỗ Hàn, để giải quyết các vấn đề liên quan đến các tác quyền văn học phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của chính tác giả, lực lượng sáng tác, sáng tạo ra tác phẩm. Trên thực tế có những tác giả có những tác phẩm văn học rất giá trị trong lịch sử văn học nước nhà nhưng gia đình không ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm ấy. “Trong khi quyền hạn của Trung tâm chỉ bảo vệ đối với những tác phẩm đã được ủy quyền, nên khi xảy ra vấn đề ngoài chức năng, rất khó để xử lý” - nhà văn Đỗ Hàn cho biết.