Dân Việt

Tôm chết trắng vì... rau câu

15/05/2011 06:29 GMT+7
(Dân Việt) - Ngư dân thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên đầm Ô Loan ở Phú Yên song đến khi thu hoạch, bà con chỉ được rau câu.

Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước gần 1.250ha, ngư dân 5 xã ven đầm (An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Mỹ, thuộc huyện Tuy An, Phú Yên) thả nuôi trên 360ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, thế nhưng đến khi thu hoạch (gần một tháng qua), bà con chỉ được... rau câu.

Những ngày này, người dân các xã ven đầm đi vớt rau câu (một loại rong) cuối mùa, mỗi ngày mỗi người vớt được khoảng 20-25kg, thu nhập khoảng 150.000 đồng. Trước đây 1 tháng, rau câu nhiều, thu nhập của bà con còn cao hơn.

img

Người dân thôn Tân Long, xã An Cư, vớt mót rau câu cuối mùa.

Mỗi gia đình đi vớt 3 sõng (xuồng nhỏ), thu nhập 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Bà Nguyễn Thị Sen (xã An Cư) cho biết: “Năm nay rau câu xuất hiện nhiều. Lúc đầu mùa, có nhà thay phiên nhau đi vớt, mỗi ngày kiếm gần 1 triệu đồng”. Theo nhiều người dân sống quanh đầm, rau câu đang xuất hiện với mật độ khá dày sau 3 năm “vắng bóng”.

Rau câu xuất hiện nhiều mang lại thu nhập cao cho dân, nhưng cũng gây ra ô nhiễm cho đầm, làm tôm nuôi chết rất nhiều. Ông Nguyễn Hưng, 74 tuổi, một người nuôi tôm ở xã An Cư, than vãn: “Đợt 1 tôi thả nuôi hơn 20 vạn con giống tôm sú, chưa đầy tháng thì tôm trồi đầu lên chết. Rồi đợt 2 cũng chết sạch 20 vạn con.

Đầu tư hơn 20 triệu đồng, mà không thu được con tôm nào, chỉ vớt vát ít rau câu trang trải nợ nần”. Rất nhiều người nuôi tôm đầm Ô Loan lâm nợ vì rau câu. Trong 5 xã quanh đầm thì xã An Cư có diện tích nuôi tôm lớn nhất, 130ha. Trong đó, thôn Phú Tân 1 có khoảng 50ha thì một nửa bị chết. Ông Huỳnh Thi (thôn Phú Tân 1) cho hay: “Cả 2 vụ tôi thả 77 vạn con giống, tất cả đều chết hết. Trong 3 năm lại đây thì đây là năm, tôm nuôi chết hàng loạt nhiều nhất”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài rau câu, đầm Ô Loan còn bị nhiều hoạt động khác của con người gây ô nhiễm. Tại điểm đầu cầu Long Phú, thôn Phú Tân 1 (An Cư), các điểm sơ chế sứa thủ công được đặt ngay bờ đầm. Ngày ngày, công nhân đổ chất bợn (chất nhờn), chất phèn từ xử lý sứa xuống đầm, gây mùi hôi tanh nồng nặc. Rồi các điểm tập kết vỏ sò, hàu... đổ vương vãi xuống đầm cũng gây thối rữa. Sắp tới, những hồ nuôi tôm thất bại sẽ diệt tạp và xả nước bẩn ra đầm thì nguy cơ gây ô nhiễm cho đầm còn cao hơn nữa.