Cô “công chúa” và suất ăn 9.000 đồng/ngày
“Công chúa nhỏ” (áo trắng) đang rất thành công trên cương vị HLV. |
Cách đây ngót nghét 8 năm, khi đội tuyển bóng đá nữ VN tập trung chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, Văn Thị Thanh (Hà Nam) và Nguyễn Thị Mai Lan (Quảng Ninh) là hai cô gái "tỉnh lẻ" hiếm hoi của đội quân tóc dài ngày ấy.
Hiếm, nhưng Văn Thị Thanh chẳng chút bỡ ngỡ hay sợ sệt gì. Nhớ lại thời tân binh ấy, Thanh bộc bạch: "Được lên tuyển là vinh dự nên tôi phải cố hết sức. Rụt rè, nhút nhát thì tập còn chẳng nên hồn, nói gì đến ra sân thi đấu".
Hồi ấy, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng hay đùa và thích làm điệu đến từ vùng quê chiêm trũng rất được các chị quý mến. Gì chứ ba cái khoản tết tóc thế nào cho đẹp, trang điểm thế nào cho xinh, mặc quần áo thế nào cho có duyên... hễ chị em cần là Thanh tư vấn ngay.
Bản thân Thanh cũng thích làm điệu. Điệu đến mức bà chị Lưu Ngọc Mai cao hứng nói đùa: "Tao mà làm điệu được như con Thanh thì chắc chắn tao... xinh nhất đội". Thế nên, chỉ sau vài ngày đầu tiên ăn cơm tuyển, Thanh đã có biệt danh "cô Chảnh" và "công chúa".
Khác với các cầu thủ bóng đá nam kiếm bạc tỷ dễ như bỡn, bóng đá nữ muôn năm nay vẫn quanh quẩn với một chữ "nghèo". Cái sự nghèo nhiều lần được nói đến. Trò chuyện với phóng viên, Văn Thị Thanh kể: "Có những thời điểm chị em ở đội Hà Nam phải đi mua trứng ăn đúng thời điểm dịch cúm gia cầm đang bùng phát. Sợ thì sợ thật nhưng tiền chẳng có mà không ăn thì... đói nên chẳng có lựa chọn nào khác".
Mà ở Hà Nam hồi ấy, cầu thủ nữ thì đúng là khổ thật. Gần 20 cầu thủ nữ ở chung trong một căn phòng chỉ rộng có 20m2, lại dột nát tứ bề. Tiền ăn mỗi ngày chỉ vẻn vẹn 9.000 đồng/người, lại phải tự đi chợ, nấu nướng nên tất cả phải tiết kiệm hết cỡ.
Khổ thế nhưng giờ ngồi nhớ lại, Thanh cười tươi: "Nghèo nhưng chị em đoàn kết lắm. Tôi thuộc diện thấp bé nhẹ cân nhất đội nên hay được các chị nhường cho... 1- 2 miếng thịt để ăn mà có sức còn tập và thi đấu".
Thu nhập lúc nào cũng eo hẹp, nhưng có phần thưởng cá nhân nào, Thanh đều chia sẻ với đồng đội hoặc làm từ thiện. Sau SEA Games 23, có vài chục triệu đồng tiền thưởng, Thanh cắt phân nửa đi làm từ thiện. Khi được thưởng 1 chiếc TV sau SEA Games 25, Thanh cũng tặng luôn cho các em ở đội trẻ. "Quan điểm của tôi là mình khó khăn nhưng còn nhiều người khó khăn hơn mình nên giúp gì được trong khả năng là tôi cố gắng giúp" - Thanh tâm sự.
Ước mơ "hai trong một"
Treo giày từ năm 2010 để tập trung lấy bằng huấn luyện viên bóng đá tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn, Thanh bén duyên với nghiệp cầm quân khi dẫn dắt đội U19 nữ Hà Nam đoạt chức vô địch Giải U19 nữ toàn quốc.
Ngay sau thành công này, Thanh lập tức được tin cậy để phân công huấn luyện đội một. Phong Phú Hà Nam thi đấu khá xuất sắc tại Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia 2011. Kết thúc lượt đi, đội của Thanh "công chúa" xếp thứ hai với 10 điểm.
Là huấn luyện viên, nhưng khi cần thiết, Thanh vẫn xỏ giày vào sân để chia lửa cùng đồng đội. Các khán giả trên sân Hà Nam đã quá quen với hình ảnh vị huấn luyện viên trẻ nhất giải của CLB Phong Phú Hà Nam, hết hiệp 1 chẳng kịp uống nước hay ngồi nghỉ cho đỡ mệt mà vớ ngay sa bàn để truyền tải ý tưởng, chiến thuật cho toàn đội.
Văn Thị Thanh cho biết: "Mục tiêu của đội là lọt vào tốp 3, nhưng được chơi trên sân nhà và kết quả lượt đi khá thuận lợi, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giành được thành tích cao hơn".
Từ giờ đến cuối năm, Thanh có nhiều việc để làm. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện đội nhà hướng tới chặng lượt về (diễn ra từ 2 đến 20.7), Thanh còn đang bận bịu để chuẩn bị... làm đám cưới. Và có món quà cưới nào ý nghĩa hơn nếu Thanh cùng học trò (kiêm đồng đội) của mình đăng quang tại Giải Vô địch quốc gia?
Đang ngập tràn hạnh phúc nên Thanh trông rất xinh và tươi tắn. Khi chia tay, tôi hỏi về mục tiêu trong tương lai thì Thanh cười rạng rỡ: "Ước gì năm nay song hỷ lâm môn".
Đức Hiếu