Dân Việt

Nhớ nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong

15/05/2011 07:00 GMT+7
(Dân Việt) - Trong cuộc đời ngắn ngủi từ nhà trường đi thẳng vào chiến trường và hy sinh ở tuổi 30 sau 7 năm bám trụ ở một mặt trận chiến sự luôn ác liệt, Chu Cẩm Phong đã làm tròn sứ mệnh một nhà văn - chiến sĩ mẫu mực.

Là tác giả của các tác phẩm truyện và ký “Mặt biển mặt trận” (1972), “Rét tháng Giêng” (1975,1985), “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” (2005), nhà văn Chu Cẩm Phong đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007.

Nhân chứng tin cậy

img
Nhà văn - liệt sỹ Chu Cẩm Phong.

Gọi là nhà văn nhưng phải lo tổ chức cho đội ngũ văn nghệ sĩ của Liên khu V luôn có sáng tác để kịp thời động viên khí thế chiến đấu, lo có đầy đủ bài vở cho tờ tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ giữa một không gian đầy trời bom đạn, trong những tháng năm dài triền miên thiếu đói và bệnh tật, bao nhiêu công việc có tên và không tên thường xuyên phải hoàn thành, thời gian thực tế mà Chu Cẩm Phong dành cho sáng tác rất hạn hẹp.

Nếu các truyện ký mới chỉ hé lộ một phần năng lực sáng tạo của tác giả, thì “Nhật ký chiến tranh” dẫu mới chỉ là ghi chép riêng tư, nhưng đã cho chúng ta có một nhân chứng đầy tin cậy và thuyết phục về đời sống và hoạt động của cả một thế hệ nhà văn - chiến sĩ, hơn thế, của một người đảng viên gương mẫu trên mặt trận văn học nghệ thuật.

Nhật ký của anh có đoạn viết: “Toàn thân là một khối lửa bỏng. Mình thử nắm hai bàn tay lại, chỉ một thoáng thôi không chịu nổi phải xòe ra, vì nắm như vậy, cảm giác như nắm hai cục than đỏ. Ở trong lại lạnh, lạnh run lên…”.

Những trận ốm như thế có thể gặp nhiều lần trong tháng, suốt những năm nhà văn và đồng đội - là các bạn văn Dương Hương Ly, Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo, Thanh Quế… ở chiến trường thế mà các anh chị vẫn về cơ sở, đào công sự, xây dựng lán trại mỗi lần di chuyển nơi ở, phát rẫy tăng gia tự túc, đi xa cõng gạo, đổi lương thực.

Người chiến sĩ văn nghệ

Nhưng nhật ký không chỉ có thế. Theo dấu chân nhà văn, bức tranh cuộc sống ở chiến trường, của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, rồi các vùng xen kẽ du kích và bị chiếm ở đồng bằng, cả về Hội An, ngoại vi Đà Nẵng, Tam Kỳ mà nhiều lần anh gần gũi, gắn bó và cẩn thận ghi chép với lòng yêu mến cùng sự khâm phục.

Ở những nơi Chu Cẩm Phong đã một lần tới đều để lại những ấn tượng tốt đẹp và trìu mến của mọi người, như anh xác định, không phải chỉ là văn nghệ sĩ, mà là người chiến sĩ văn - nghệ - của - Đảng. Anh có ý thức rất rõ: “Đôi lúc theo một nếp cố hữu, vì sĩ nọ, sĩ kia mà người ta sống cũ kỹ và quên những nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước dân, trước Tổ quốc mình, mà lại sống lạc lõng nhỏ hẹp đến ti tiện. Lúc này đây đặt vấn đề kiểm điểm và xây dựng người chiến sĩ văn nghệ mới là cần thiết vô cùng”. (Nhật ký 30.12.1969).

img

Sau khi tự nguyện chia tay người yêu thuở sinh viên để trở về quê hương chiến đấu, đến năm thứ 7 ở chiến trường, anh mới có được tình yêu trong sáng mà mãnh liệt với một nữ bác sĩ cùng mặt trận. Trên đường đi công tác về một địa bàn đang nóng bỏng chiến sự, họ có một ngày gặp nhau để chính thức nói lời hẹn ước.

Trong bức thư gửi theo, để người yêu yên lòng, chị có hứa: “Chỉ vì quá yêu mà sợ những gì không may sẽ tới với chúng ta. Nhưng dẫu anh có là một thương binh cụt cả hai chân, tật nguyền thế nào chăng nữa thì em vẫn chỉ là của anh. Anh hãy tin như vậy nhé, anh yêu dấu của em!”.

Khi chép lại bức thư này trong trang nhật ký ngày 24.3.1971 với tâm trạng một chàng trai đang ngây ngất trong hạnh phúc, hẳn cả 2 đã không ai ngờ chỉ hơn một tháng sau, đến cả nguyện vọng xót xa đó cũng không còn cơ hội.

Vẻ đẹp vô song

Về công tác ở Duy Xuyên (Quảng Nam), ngày 1.5.1971 gặp một trận càn, anh xuống hầm bí mật với mấy cán bộ du kích và bị địch khui hầm. Trước khi hy sinh vì vết thương quá nặng, anh còn kịp giấu tài liệu, trong đó có một cuốn nhật ký ghi đến ngày 27.4.

Một sĩ quan tác chiến phía bên kia thu được cuốn sổ nhật ký đã bị mảnh lựu đạn xuyên nát một góc. Anh ta đem về tặng một người bạn làm ở bộ phận chiến tranh tâm lý, không một lời giải thích. Thay vì khai thác bí mật (có thể có) của đối phương, viên sĩ quan tâm lý đã xúc động sâu sắc vì lần đầu tiếp cận ở một khoảng cách gần với một con người ở chiến tuyến bên kia. Và ngày Đà Nẵng giải phóng, biết nơi các bạn của Chu Cẩm Phong ở, anh đã tới gửi lại cuốn nhật ký, sau khi đã kỳ công trang trí lại.

Ngày 12.5, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày mất của liệt sĩ Chu Cẩm Phong, nhà văn đầu tiên được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang. Cũng nhân dịp này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in trọn “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong với hơn 500 trang khổ 18x24cm.

Thế giới tinh thần phong phú, tình cảm nhân ái và chân thành của người viết nhật ký, từng trang, từng trang thấm mồ hôi, máu của biết bao con người chống chọi với đạn bom khốc liệt, thiên tai bão lụt, để quyết giành một đất nước độc lập đã làm nên vẻ đẹp vô song của một tác phẩm văn học chưa trọn vẹn.

Nơi nhà văn hy sinh, đồng đội và bạn bè đã góp sức dựng một tấm bia tưởng niệm. Phần đầu tấm bia ghi rõ: Nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong - Trần Tiến sinh ngày 12.8.1941, quê tại thị xã Hội An. Năm 1954 theo cha tập kết ra miền Bắc, học tại Trường học sinh miền Nam số 24 Hải Phòng. Năm 1964 vào chiến trường, là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại khu V. Từ 1965 là cán bộ sáng tác, biên tập của Hội Văn nghệ Trung Trung Bộ

Có một chi tiết còn thiếu: Anh là sinh viên xuất sắc của khoa Ngữ Văn khóa 5 (1960-1964) hệ 4 năm đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội.

“Nhật ký chiến tranh” giúp bạn đọc hôm nay hiểu đầy đủ hơn về một nhà văn anh hùng.