Sống dậy làn điệu cải lương
Thạc sĩ Huỳnh Khải - Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM, vị giám khảo thường xuyên xuất hiện trong các hội thi âm nhạc dân tộc ở các tỉnh Nam Bộ nhận xét: “Thật đáng quý biết bao khi người dân Tân Châu, một vùng đất sông nước biên giới Tây Nam xa xôi đã giữ được cho làn điệu ca cổ cải lương có một chỗ đứng vững vàng nếu không muốn nói là một sức sống mãnh liệt. Điều đáng kể nhất là từ phía nhà quản lý cho đến giới mộ điệu đều chung sức chung lòng gìn giữ”.
Tân Châu còn có một lực lượng những người tâm huyết cao độ với âm nhạc truyền thống. Thời bao cấp, giai đoạn được xem là khó khăn nhất của ngành văn hóa, trong khi ở nhiều nơi, số đông nghệ nhân, nghệ sĩ nhất là trong lĩnh vực ca cổ, cải lương phải giải nghệ để mưu sinh thì Tân Châu lại có số đông nghệ sĩ vẫn bám trụ với nghề nghiệp.
Ông Trần Văn Suôl- một tài tử đờn lão thành ở Tân Châu nhận định: “Ở miền sông nước đầu nguồn này, đờn ca tài tử hay vọng cổ, cải lương là một món ăn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Mà dường như càng nghèo khó thì người ta lại gắn bó với nó hơn, nó là đời sống tinh thần. Từ hơn ba chục năm nay rồi, kinh tế lúc khó lúc dễ nhưng nhà tôi thì lúc nào cũng có đông các em cháu đến học đàn, học ca nhạc cổ”.
Ông Suôl còn cho biết thêm: Ở Tân Châu, từ lâu không chỉ riêng ông mà còn rất nhiều người, nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử cũng có đông “đệ tử” theo học. Những “đệ tử” này phần đông là em út, con cháu trong nhà; xa hơn chút là người trong dòng họ. Người trước dạy người sau theo kiểu cha truyền con nối, cứ thế mà phát triển. Và điều này dường như đã trở thành truyền thống ở Tân Châu.
Công chúng không quay lưng
Ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin (VHTT) thị xã Tân Châu cho biết: “Quan tâm giữ gìn không chỉ là thu âm, ghi hình để lưu trữ mà phải làm cho nó sống trong lòng công chúng. Công tác quản lý, đầu tư vì thế phải có tính chiến lược. “Trước hết là việc ưu tiên “phần đất” thích đáng cho loại hình nhạc cổ trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Thí dụ như trong các chương trình văn nghệ địa phương, kể cả các chương trình cổ động của Trung tâm VHTT thị xã đều phải dành thời lượng nhất định cho các tiết mục ca cổ, cải lương hoặc dàn dựng đan xen trong chương trình” – ông Nhân nói.
Về mặt chuyên môn, từ năm 2001, huyện Tân Châu đã thực hiện chương trình tập huấn, nâng cao tay nghề cho các tài tử ca, tài tử đờn ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong huyện. Việc nâng cao tay nghề bằng hình thức “đưa thầy về tận cơ sở” như thế đã mang lại những hiệu quả rất lớn; khắc phục đúng những nhược điểm vốn có của các “diễn viên phong trào”. Chẳng hạn như: Kỹ thuật luyến láy vần điệu, xử lý ca từ, phát âm, nhả chữ... “Việc làm này đã tạo nền tảng cho việc duy trì và phát triển nền âm nhạc cổ ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu; hay nói cách khác là phát triển được cả về tính chất phong trào lẫn tính chuyên nghiệp”– ông Nguyễn Thành Nhân nhấn mạnh.
Những năm gần đây, các đội nhóm đờn ca tài tử ở Tân Châu còn được các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh hợp đồng dàn dựng chương trình ca cổ, cải lương phục vụ khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam. “Đây cũng là một cơ hội trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập, đồng thời đã tạo thêm một sinh khí mới, một diện mạo mới cho loại hình âm nhạc cổ truyền dân tộc, ít nhất là ở vùng sông nước biên thùy Tân Châu” – ông Nhân phấn khởi nói.