Dân Việt

Cái chết được báo trước

15/05/2011 12:43 GMT+7
(Dân Việt) - Việc gần một nửa số nhà cổ nhà cũ có giá trị văn hóa ở làng Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) bị người dân phá đi xây mới chỉ trong vòng mấy tháng qua đã khiến nhiều người quan tâm đến vốn văn hóa của dân tộc đau đớn và xót xa.

Từ nay làng Cự Đà - một làng quê Bắc Việt cổ truyền tồn tại suốt mấy trăm năm, sẽ không còn là làng Cự Đà nữa. Những mái ngói cổ, những cột kèo cổ, những hoành phi câu đối cổ, những cổng làng cổ giờ đây đã bị tháo ra, dỡ xuống, phá đi, thay vào đó là những căn nhà cao tầng, mái chóp, mái bằng, bê tông xi măng... lừng lững. Càng đau đớn và xót xa vì việc "phá làng" như vậy là một cái chết đã được báo trước, không chỉ ở riêng Cự Đà.

Trách người dân chỉ trách một. Trách những cấp, những người có trách nhiệm trách mười. Người dân có vốn cổ trong tay biết lắm chứ, họ cũng tự hào, cũng muốn duy trì, bảo tồn giữ gìn giá trị văn hóa cho quê hương, đất nước. Nhưng họ vẫn phải sống cuộc sống hiện tại, vẫn phải lấy vợ lấy chồng và sinh con đẻ cái, vẫn phải có một không gian cư trú và sinh hoạt.

Nhà cổ thì cần giữ nguyên trạng mà con người thì lớn lên, đông hơn, cuộc sống thay đổi hàng ngày. Chính quyền và giới văn hóa biết điều này, lường trước điều này, nhưng họ đã chậm trễ, đã phó mặc cho người dân tự xoay xỏa. Họ không quyết liệt trong việc thực hiện những kế hoạch giải tỏa và giúp dân giải tỏa nhu cầu bức bách về nơi ở, để vẫn giữ được vốn cổ mà không phải sống chen chúc, chật chội. Nói sự phá nhà cổ xây nhà mới ở Cự Đà là cái chết được báo trước là vì vậy.

Không phải chỉ nhà cổ, mà cả các đình chùa cổ, tường thành, cổng thành cổ... cũng vậy. Chúng ta luôn bị đặt trước việc đã rồi. Những việc trùng tu thành Sơn Tây, Ô Quan Chưởng là cần thiết, nhưng vẫn là cái chết được báo trước, trùng tu xong là giá trị lịch sử - văn hóa giảm nhiều, nếu không nói là mất nhiều.

Chưa bao giờ mối lo ngại cho các di tích di sản văn hóa, lịch sử sẽ bị biến mất, sẽ bị biến dạng, trước sự thờ ơ và tắc trách của con người chúng ta lại khẩn thiết và mạnh mẽ như bây giờ. Cái cũ cứ bị phá dần, cái mới thì không kịp định hình, chúng ta đang đối mặt nguy cơ bị rơi vào khoảng trống văn hóa, cả về vật thể và tinh thần.

Từ thực tế làng Cự Đà, việc cần làm ngay lúc này là rà soát lại những di tích đang có nguy cơ cao bị xâm phạm, bị tác động dẫn đến hư hoại, để có những kế hoạch gấp rút giữ được chúng gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội của vùng dân cư có di tích, di sản.