Dân Việt

Đờn ca tài tử - Muốn bảo tồn, hãy gửi hồn cho thế hệ trẻ

25/12/2014 10:26 GMT+7
Đờn ca tài tử Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thế nhưng, trong đời sống hiện đại, loại hình nghệ thuật này dường như đang thiếu cơ hội để đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. “Muốn bảo tồn, hãy gửi hồn cho thế hệ trẻ”, đó là lời chia sẻ của TS Mai Mỹ Duyên khi nói về thực trạng bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay.
                    img

 Chương trình ngoại khóa “Đưa đờn ca tài tử vào trường học” tại Trường THPT Bùi Thị Xuân.

Tiếng đờn tiếng lòng

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là loại hình âm nhạc truyền thống vùng sông nước - một loại nhạc kén người nghe đã, đang và mãi ăn sâu vào máu thịt của người dân Nam bộ. Tiếng đờn, tiếng ca được cất lên từ các sân khấu rực rỡ, trong các lễ hội linh đình, trang trọng đến những không gian bình dân, thân thuộc, dưới những gốc dừa lấm lem bùn đất hay những dòng sông êm đềm thấp thoáng dáng con đò… một cách rất ngẫu hứng. Tiếng đàn thể hiện tính cách, tâm tư của con người và thấm sâu vào cốt cách người nông dân Nam bộ như một điều tất yếu.

Ở các thành phố lớn, ĐCTT đang dần lấy lại sức sống qua các tiếng đờn ngân lên trong các buổi tập luyện tại công viên đến các trung tâm văn hóa. Sớm sớm, vào sáng chủ nhật, tại một góc nhỏ công viên 23-9 hay công viên Tao Đàn, một nhóm các bạn trẻ lại cất vang những giọng ca cổ mùi mẫn khiến người xung quanh dừng chân nghe mà không muốn rời.

Ngoài ra, một số CLB tài tử - cải lương trên địa bàn TPHCM hoạt động khá hiệu quả. Trong đó có thể kể đến như CLB Tài tử - Cải lương của Nhà Văn hóa Thanh niên. Với mong muốn phát huy mạnh mẽ bộ môn nghệ thuật này đến với giới trẻ, trong hơn 10 năm qua CLB đã có những chương trình thiết thực thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Còn CLB Tài tử - Cải lương (Cung Văn hóa Lao động), ngoài việc tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tuần mang tính nội bộ, hàng tháng CLB còn tổ chức giao lưu. Nhà giáo, nghệ sĩ Phan Nhứt Dũng, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “10 năm qua, CLB đã tạo sân chơi lành mạnh cho rất nhiều người lao động. Đồng thời, đây còn là nơi các sinh viên sân khấu điện ảnh sau khi ra trường có chỗ để được hát, được phát huy tài năng”. CLB hiện nay có 35 hội viên chính thức, 60 hội viên sinh hoạt. Học viên chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và có cả những người lao động.

Đưa đờn ca vào trường học

Đề án đưa ĐCTT vào trường học đã được đưa ra và thí điểm tại một số trường tiểu học và trung học tại TPHCM nhưng chưa thực sự lan rộng. TS Mai Mỹ Duyên cho biết: “Chúng ta vinh dự được UNESCO công nhận ca trù, quan họ, dân ca ví giặm, ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, không phải giới trẻ thờ ơ, quay lưng với âm nhạc dân tộc mà vấn đề là họ thích, họ muốn học bài bản nhưng lại không biết đến nơi nào để học và không có sân chơi để tham gia. Vì vậy mà những nỗ lực phát huy giá trị di sản của những nhà văn hóa hiện nay là rất cần thiết. Phải đem sự hiểu biết của mình truyền lửa cho giới trẻ. Từ sự hiểu biết đó mới khơi gợi niềm đam mê trong họ”.

Truyền lửa như thế nào còn là câu hỏi lớn của các nhà quản lý văn hóa. Sở VH-TT TPHCM cũng đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP triển khai dự án đưa âm nhạc dân tộc vào học đường.

Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM là trường đi tiên phong trong việc đưa ĐCTT vào trường học. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: Cảm nhận được nét đẹp sâu sắc của loại hình ca cổ, được chứng kiến lễ vinh danh của loại hình nghệ thuật này, tôi đã mạnh dạn đưa ĐCTT vào trường mình, nhưng ngoài sức mong đợi, các học trò của tôi khá thích thú với loại hình này.