Điều này vô tình đã dẫn đến mâu thuẫn giữa những người được hưởng hỗ trợ tiền ăn, đi lại với những người không được hưởng.
Bất mãn do không hiểu chính sách
"Tôi học cùng lớp với người ta, hai nhà còn là hàng xóm của nhau vậy mà tại sao người ta đi học lại được hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, còn tôi lại không?"- anh Lê Văn Vinh (Cốc Sâu, Lào Cai) hỏi. Câu hỏi của anh Vinh là một trong những câu hỏi mà các thầy cô giáo và cán bộ Hội ND tỉnh Lào Cai thường xuyên gặp phải khi dạy nghề cho nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một lớp.
Lớp học nghề mây tre đan tại Lào Cai. |
Theo Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, đối tượng được nhận hỗ trợ tiền ăn, đi lại là những đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Tuy nhiên, do chưa hiểu về chính sách nên nhiều nông dân không thuộc diện được hỗ trợ có thái độ bất mãn.
Ông Phạm Văn Thuân - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội ND Lào Cai cho biết: "Việc đi lại của đồng bào dân tộc ở Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình lên lớp, chúng tôi không chỉ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến việc trợ cấp tiền ăn ở, mà còn phải trả lời những vấn đề liên quan đến tiền hỗ trợ dành cho học viên đi học xa trên 15km".
Lào Cai vốn là nơi sinh sống của 25 dân tộc, cuộc sống của những đồng bào dân tộc nơi đây đa phần còn gặp rất nhiều khó khăn, nên chuyện được nhận hỗ trợ hay không là một vấn đề quyết định không nhỏ đến tư tưởng học nghề của đồng bào. Nếu các trung tâm dạy nghề không giải quyết khéo vấn đề này thì tình trạng học viên bỏ học giữa chừng là điều khó có thể tránh được.
Tại Thái Nguyên, cán bộ hội cũng liên tục phải giải thích cho bà con về chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Ông Nguyễn Hải Khê - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ việc làm Hội ND Thái Nguyên nhận xét: "Đó là do hiểu biết của đa phần bà con còn rất hạn chế”.
Làm rõ khi tư vấn
Trong buổi tiếp xúc với nông dân học nghề ở Hải Phòng, cán bộ Tổng cục Dạy nghề cũng đã từng bị một nông dân "chặn đường" để hỏi: "Vì sao tuyên truyền là đi học được trả tiền ăn, tiền đi lại mà tôi đi học lại không được?". Ông Hà Minh Phương- Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên đã trả lời bằng câu hỏi: "Chị có thuộc diện hộ nghèo không, nhà ở cách lớp học bao xa?". Chị học viên ngượng nghịu: "Tôi không thuộc diện hộ nghèo, ở cách lớp học 1km"...
Thực tế nói trên cũng cho thấy, công tác tư vấn về học nghề nông dân còn "có vấn đề", khi người dân hiểu chính sách là "miễn phí”, lo cả tiền ăn, đi lại cho người học. Ông Phạm Văn Luyện - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- tài chính, Tổng cục Dạy nghề cho hay: "Tinh thần của Đề án 1956 là "hỗ trợ kinh phí" chứ không phải "miễn phí". Nhà nước hỗ trợ để người nghèo có động lực học hành, vươn lên. Điều này đáng ra lực lượng tuyên truyền viên và cán bộ xã phải nói rõ cho bà con ngay khi tư vấn".
Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Văn Thuân cho rằng: "Để người dân không còn thắc mắc về chuyện tiền hỗ trợ học nghề thì ngay trong những buổi tư vấn nghề, các tuyên truyền viên phải nói cho người học biết họ thuộc đối tượng nào, có được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở hay không?".
Như vậy có thể thấy, đây là một vấn đề không quá phức tạp, nếu giải quyết tốt sẽ không có những chuyện người nông dân bất mãn vì chuyện tiền hỗ trợ ăn ở, đi lại. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi năng lực của những tuyên truyền viên, cán bộ cấp xã phải liên tục được nâng cao.
Công Trình