Dân Việt

Dạy tích hợp: Mạnh ai nấy dạy

26/12/2014 08:35 GMT+7
Giáo viên nào hứng thú thì tự mình thực hiện dạy tích hợp liên môn trong một vài tiết học, chuyên đề để phục vụ thao giảng, dự giờ và đi... thi giáo viên giỏi là chính.

Gần đây, chúng ta thường nghe nhiều đến việc tích hợp trong dạy học. Thuật ngữ này xuất hiện khá dày đặc trên các diễn đàn đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên hiện nay, hầu như dạy học tích hợp liên môn chỉ được coi trọng chủ yếu ở các trường phổ thông. Ở các trường ĐH, CĐ, phương pháp dạy học tích cực này lại càng ít được quan tâm hơn.

Chương trình vẫn bị đóng khung

Qua thực tế dạy học, từng thử vận dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau trong quá trình tổ chức cho sinh viên học tập với đủ hình thức: mày mò thử - sai có, thận trọng tin tưởng - thành công có nhưng phải thừa nhận là dạy học theo hướng tích hợp có những ưu điểm vượt trội. Nếu chịu khó nghiên cứu áp dụng sẽ đem đến hiệu quả bất ngờ.

Trước hết, vì đây là phương pháp dạy học tích cực, không quá khó để vận dụng cũng không quá kén đối tượng, địa bàn hay đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc quá hiện đại. Chỉ cần giáo viên tâm huyết, chịu khó nghiên cứu vận dụng sao cho phù hợp sẽ mang lại hiệu quả.

img

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP HCM) trong giờ học Ảnh: TẤN THẠNH

Theo tinh thần Nghị quyết 29, dạy học “tích hợp” đi kèm với “liên môn” nằm trong lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa bên cạnh việc đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Dạy học tích hợp xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi người học phải tăng cường rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Ở hệ thống các trường phổ thông hiện nay, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có những chỉ đạo sát sao về việc thực hiện dạy học tích hợp liên môn nhưng do nhiều lý do khác nhau nên việc thực hiện không được nhất quán. Nguyên nhân cơ bản phổ biến trước hết là do bị đóng khung bởi chương trình, thời gian. Lớp nào, học kỳ nào có bao nhiêu tuần phải thanh toán xong những nội dung gì; kiểm tra, đánh giá ra sao vào tuần thứ mấy… đều được quy định rõ ràng khiến cho cả đội ngũ từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều không tránh khỏi lúng túng khi thực hiện.

Thầy Trần Văn Đại Lợi - Hiệu phó Trường THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP HCM - phản ánh một thực tế: Tại TP HCM, nỗ lực tích hợp kỹ năng sống và kiến thức xã hội vào giảng dạy mới chỉ được nhìn thấy ở một số trường phổ thông tư thục với khả năng chủ động cao trong việc tổ chức dạy học, tự phân phối chương trình, chủ động thời gian cho hoạt động thực tế, ngoại khóa nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn với trường công, giáo viên khó thoát ra khỏi thời khóa biểu thường nhật được lên theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Muốn tích hợp chỉ chờ đến giờ ngoại khóa.

Thiếu nhất quán, đồng bộ

Vấn đề hiện nay là phải làm sao tạo được sự nhất quán giữa các cấp học, việc triển khai dạy học tích hợp cần có sự đồng bộ trên cả nước để sau một khoảng thời gian xác định có sự đánh giá, đúc kết rút ra mặt thuận lợi/khó khăn, cái được/cái chưa được nhằm điều chỉnh trước khi thực hiện đại trà. Công việc này cần được tiến hành trên cơ sở những kiến thức trong chương trình, vận dụng năng lực đội ngũ chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học; xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh trong mỗi chủ đề bên cạnh yêu cầu về thái độ; biên soạn các câu hỏi, bài tập để đánh giá năng lực; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh; tổ chức dạy học để dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm...

Hiện nay, tại các trường ĐH, ngoài một số trường sư phạm, đội ngũ giảng viên lại tỏ ra khá xa lạ với phương pháp dạy học tích hợp. Các lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học ĐH chỉ được tổ chức trong vài chục tiết. Ngoài những vấn đề lý luận chung, chủ yếu là triển khai, vận dụng các cấp độ, tiêu chí trong hệ thống phương pháp dạy học như: dạy học dựa trên vấn đề, thảo luận nhóm, đóng vai, tổ chức thuyết trình, thực hành bài tập… Để rồi sau đó, mỗi người lại tự mình mày mò lựa chọn phương pháp nào dễ thực hiện nhất, ít khi được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ như ở phổ thông dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy dạy, dạy kiểu gì tùy thích, miễn xong chương trình. Cuối cùng, sản phẩm - sinh viên của họ - vẫn cứ yếu kém về kỹ năng, lóng ngóng khi đối diện với thực tế, nếu không được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng thì rất khó có thể bắt nhịp với yêu cầu của nghề nghiệp sau khi ra trường.

 

Ngại thay đổi

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận một thực tế khác: Từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tích hợp nhiều nội dung giáo dục vào quá trình dạy các môn học trong trường phổ thông như: giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia, tài nguyên và môi trường về biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường... Giáo viên được tập huấn làm quen từ nhiều năm nay nên khó khăn này nếu có chỉ là vấn đề tâm lý của đội ngũ giáo viên.