Theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, huyện có 6 làng nghề được nhà nước công nhận là làng nghề và hàng chục nghề truyền thống. Các làng nghề – nghề truyền thống hằng năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập ổn định. Trong số các nghề truyền thống, có khá nhiều nghề đang được hồi sinh và phát triển mạnh, như nghề mộc Kim Bồng, bê thui, đất nung Đức Hạ, nhà cổ Quang Vĩnh, chạm khắc gỗ… Đặc biệt, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ của làng Đông Khương (Điện Phương) đang được huyện đầu tư và có nhiều hướng phát triển mới.
“Nhiều công trình, dự án lớn được cơ sở thực hiện khá thành công, như trang trí chùa Linh Ứng Non Nước (Đà Nẵng), chùa Bà Nà, chùa Bãi Bụt Sơn Trà và nhiều nhà thờ tộc lớn trong và ngoài huyện... Nhờ có công việc ổn định nên doanh thu của cơ sở mộc không ngừng tăng lên, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, cơ sở đào tạo nghề miễn phí cho mấy chục lao động là con em người địa phương cũng như các nơi. Nhiều lao động thành thạo nghề ra lập nghiệp rất thành đạt” - Nghệ nhân Tiếp chia sẻ.
Điện Bàn đã quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề truyền thống Đông Khương với diện tích hơn 7ha. Tại đây, cơ sở gỗ mỹ nghệ của ông Tiếp đang đầu tư xây dựng nhiều hạng mục: Nhà trưng bày, xưởng sản xuất, trung tâm dạy nghề…
Điện Bàn cũng có nhiều làng nghề truyền thống phát triển mạnh. Trong đó, làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thôn Đông Khương) là nổi trội nhất. Mấy trăm năm qua, làng đúc Phước Kiều có nhiều lúc thăng trầm và tưởng chừng như không phục hồi được, thế nhưng với quyết tâm “giữ lửa” và phục hồi làng nghề, nhiều thế hệ nghệ nhân xưa ở Phước Kiều như các ông Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên) và đặc biệt là Dương Nhi, Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Sang, Dương Ngọc Thắng…vẫn bám nghề, đưa sản phẩm của làng nghề ra thị trường cả nước và quốc tế.
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng cho biết, vào thập niên 80 – 90 thế kỷ trước, làng đúc đồng có phần chững lại và gặp không ít khó khăn do sản phẩm của làng không thể cạnh tranh được với các sản phẩm đồng làm từ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại… Tuy nhiên, chừng 5 - 10 năm trở lại đây, làng đúc đồng đã hồi sinh mạnh mẽ. Ngoài các sản phẩm đã có thương hiệu, như cồng chiêng, lư đồng… thì các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng, tượng phật, rồng, lân… đang tiêu thụ tốt ngoài thị trường. Sản phẩm đồng Phước Kiều đã vào các khu du lịch, resort lớn và cả thị trường nước ngoài. Hiện nay, làng nghề có hơn 100 thợ giỏi và lao động thường xuyên, doanh thu mỗi năm bình quân trên 30 tỷ đồng…
Trong đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện Điện Bàn đến 2020 và những năm tiếp theo đã xác định rõ là phát triển du lịch gắn với làng nghề. Do đó, việc đẩy mạnh khôi phục và phát triển làng nghề - nghề truyền thống, nghề mới theo hướng gắn kết với phát triển du lịch là định hướng đúng nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá...