Thưa nhạc sĩ, là người đã dành gần như toàn bộ cuộc đời nghiên cứu và gắn bó với âm nhạc dân gian, đặc biệt ông cũng chính là người xây dựng bộ phim về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về di sản này?
Là người theo đuổi và nghiên cứu nhiều năm, phải nói là tôi rất vui khi ví, giặm được vinh danh di sản. Bởi đây sẽ là động lực để chúng ta có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy và truyền dạy cho con cháu. Tuy nhiên đằng sau niềm vui ấy, chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn nữa về loại hình nghệ thuật dân gian này để làm sao giữ được ngôn ngữ độc đáo cho ví, giặm. Đặc biệt nghiên cứu bắt đầu từ chữ “ví, giặm” xem nó là “giặm” hay là “dặm” mới đúng.
Ông có thể nói rõ hơn về chữ “ví, giặm” này?
Rất nhiều nhà nghiên cứu và dân tộc học từng chia sẻ, đối với nghệ thuật dân gian phải luôn có không gian trình diễn, nếu mất không gian trình diễn đồng nghĩa với việc mất loại hình nghệ thuật đó. Với dân ca ví, giặm, hiện không gian diễn xướng thế nào?
- Đúng là lâu nay trong giới nghiên cứu trên thế giới vẫn nói, đối với nghệ thuật dân gian phải luôn có không gian trình diễn, nếu mất không gian trình diễn không thể gọi là nghệ thuật dân gian. Nhưng ở Việt Nam điều này hơi ngược, không gian diễn xướng đã mất mà nghệ thuật thì vẫn còn. Người dân bảo vệ nghệ thuật trên một không gian quá khứ, và ở đây dân ca ví, giặm là một trong hiện tượng nghệ thuật dân gian rất tiêu biểu của việc chuyển đổi chức năng. Chúng ta vẫn biết các phường ví như phường cấy, phường gặt… ở Nghệ Tĩnh đã mất từ lâu, sinh hoạt phường không còn, nhưng giá trị âm nhạc, giá trị thi ca, lời hát của ví, giặm thì vẫn còn nguyên. Người dân đã khôn khéo chuyển đổi không gian trình diễn từ chức năng thực hành lao động sang chức năng giải trí cộng đồng. Và khi chuyển đổi chức năng, từ không gian lao động sang không gian giải trí thì ví, giặm trở lại đời sống một cách hồn nhiên, sâu rộng. Chính vì vậy người Nghệ Tĩnh đã giữ được dân ca ví, giặm cho đến ngày hôm nay, giữ một cách toàn vẹn.
Các di sản sau khi được vinh danh thường phải đối mặt với những khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị, theo ông ví, giặm Nghệ Tĩnh có gặp phải vấn đề này?
- Tôi cho rằng, người Nghệ Tĩnh đã giữ được nguyên dân ca ví, giặm ở hai khía cạnh. Thứ nhất, họ giữ nguyên được linh hồn âm nhạc của ví và giặm, thứ hai là họ cũng giữ nguyên được lối ca hát ví, giặm, tức là ứng tác tại chỗ. Một sự phản ánh đời sống tại chỗ mà không nhạc sĩ nào sáng tác viết kịp các lời hát để nói hết được nhu cầu của họ. Trong khi một số loại hình nghệ thuật dân gian như quan họ Bắc Ninh bảo tồn, không thể sáng tác lời ca mới, mà chỉ hát lại lời cổ.
Ví, giặm Nghệ Tĩnh đã giữ được toàn vẹn âm hưởng, làn điệu của dân ca, đồng thời người dân vẫn sáng tác lời ca, họ vẫn dùng làn điệu ví, giặm để phản ánh con người đương thời, đương đại. Đó chính là giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật dân này mà thế giới rất thích và công nhận.
Vậy liệu có gì mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm hay không thưa ông?
- Mới đây tôi được mới vào dự hai buổi hội thảo quốc tế tại Nghệ An, Hà Tĩnh về dân ca ví, giặm. Tôi cảm thấy rất tiếc khi được người dân chia sẻ là chúng tôi rất buồn, bởi muốn được hát những bài vừa sáng tác thì không được hát, cứ phải hát lại những bài cổ. Tôi nghĩ chúng ta đôi khi làm khoa học mà khiên cưỡng quá. Đáng lý phải để cho họ hát những bài hát phản ánh đúng đời sống của họ. Tôi cho điều đó thể hiện sự nhạy bén của loại hình nghệ thuật dân ca ví, giặm, đó cũng là điều thế giới thích nhất khi người dân tự sáng tác, tự thể hiện, cũng là điều quý giá nhất đối với nghệ thuật dân gian.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!