Tính cạnh tranh là quan trọng
Ngay sau khi đưa ra ý tưởng của mình, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã vấp phải sự phản ứng của các đội bóng, chuyên gia. Và tới hôm qua, đến lượt "cấp trên" của VPF là Tổng cục TDTT và VFF cũng lên tiếng phản biện "sáng kiến" này.
Trao đổi với Dân Việt vào chiều qua (10.12), ông Phạm Văn Tuấn-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Phó Chủ tịch VFF, cho biết: “Tổng cục TDTT vẫn chưa nhận được công văn nào từ phía VFF, xin ý kiến về những đề xuất của họ.
Điểm yếu nhất của bóng đá Việt Nam những năm qua là mất niềm tin từ người hâm mộ. Chúng ta phải tìm lại niềm tin ấy, các sân bóng cần thu hút được đông đảo cổ động viên. Việc có nhiều đội hay ít đội dự V.League không quan trọng bằng tính cạnh tranh của giải đấu”.
VFF, Tổng cục TDTT cho rằng ý tưởng của VPF khó khả thi. Ảnh: Minh Hoàng |
Trước mắt, những đề xuất của VPF phải được mang ra để Hội nghị ban chấp hành VFF phân tích, đánh giá: “Trong trường hợp Tổng cục TDTT nhận được đề xuất nói trên, chúng tôi sẽ phải xem xét một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về phía VFF, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định: “Tất cả mới chỉ là đề xuất của VPF. Đề xuất đó có được thông qua hay không còn phụ thuộc vào Hội nghị ban chấp hành VFF vào ngày 13.12 tới”.
Quan điểm của ông Hỷ là nếu giải đấu không có đội xuống hạng thì dù tiền thưởng có cao đến mấy, các cầu thủ, đội bóng cũng mất đi động lực thi đấu và chất lượng giải sẽ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, mọi hoạt động của đội U22 quốc gia đều phải có sự cho phép của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, chứ không phải cứ thích là VFF, VPF có thể lấy người của CLB lên đội U22 dự V.League.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định mọi hoạt động của đội U22 quốc gia đều phải được sự cho phép của Bộ VHTTDL. Ảnh: Đàm Duy |
Làm gì cũng phải theo quy chế
Xem xét những đề xuất của VPF dưới góc độ Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, ông Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh: “Không thể có chuyện đưa ra những văn bản như một giải pháp tức thời. Tất cả phải tuân thủ Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, dựa vào đó mà thực hiện”. Ở đây, việc VPF đồng ý để cho đội Hà Nội của bầu Hiển (mới giành quyền thăng hạng V.League) được “ở lại” giải hạng Nhất, cũng bất hợp lý và chưa chắc đã được Hội nghị ban chấp VFF, Tổng cục TDTT thông qua".
Liên quan tới Hội nghị ban chấp hành VFF sắp tới, trước câu hỏi của Dân Việt về trách nhiệm cụ thể của VFF trong thất bại AFF Cup 2012, ông Phạm Văn Tuấn đưa ra quan điểm: “Nguyên nhân quan trọng là về chuyên môn và HLV Phan Thanh Hùng đã nhận lỗi và từ chức. Còn lỗi của VFF là của ai, trách nhiệm cụ thể ra sao ư? Theo tôi, đây là lỗi hệ thống chứ không của riêng Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng, Nguyễn Lân Trung hay tôi…”.
Đi tìm giải pháp thiết thực nhất hướng tới sự phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai, ông Tuấn nói tiếp: “Điều quan trọng là phải xác định mình theo trường phái nào. Khi đã xác định được trường phái rồi, phải có ít nhất 10 năm để kiên trì trường phái đó, từ hệ thống đào tạo trẻ cho tới các đội tuyển quốc gia.
Tôi muốn triệu tập một hội nghị gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam để tìm lời giải cho câu hỏi: Bóng đá Việt Nam nên theo đuổi trường phái, triết lý bóng đá nào? Nếu xác định sai, 10-20 năm nữa chúng ta cũng không giải quyết được vấn đề gì”.
Lê Đức