Dân Việt

Vô vọng đường đến bục giảng: Khánh kiệt vì thầy

11/12/2012 06:27 GMT+7
(Dân Việt) - Đã tốn tiền cho con học sư phạm, nhiều gia đình nghèo còn phải bỏ những khoản tiền rất lớn để “lo lót”, chạy chọt cho con đi dạy. Thế nhưng nhiều người đã “tiền mất, tật mang”...

Có tiền… chưa chắc

Đề cập đến chuyện “phong bì, phong bao” trong quá trình chạy “thầy giáo” cho mấy đứa con tốt nghiệp sư phạm, ông Phạm Loan (Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên) cay đắng: “Nhiều, nhiều lắm! Trước đây, đồng tiền có giá lắm, mà nhà nông làm chi có nhiều, nhưng phải liên tục “ói” ra bạc triệu! Tui phải bán ruộng đất để “lo” cho con, để nó thỏa chí, để có việc làm “bằng chị bằng em”. Vậy mà… chạy không trúng đường nên chẳng ăn thua gì, tiền mất, tật mang! Tôi đã từng bỏ tiền lo lót cho hai đứa con đi dạy nhưng… trớt qướt!”.

img
Tại Sở GDĐT Phú Yên luôn tồn đọng hàng ngàn hồ sơ của sinh viên sư phạm.

Khi tôi hỏi cụ thể số tiền từng lần “chạy”, ông Loan tỏ ra e dè nhưng rồi cũng nói, vì… tức quá! “Học sư phạm nên đứa nào tốt nghiệp rồi cũng đòi… đi dạy. Đứa đầu tiên thì lúc đó nhà nghèo quá nên tui nói không đi dạy thì ở nhà làm ruộng, tiền đâu mà… chạy. Đứa thứ hai thì một bà người quen nhận xin giùm đi dạy. Vợ chồng tui chạy mượn 15 triệu đồng để đưa bả nhưng chờ hơn cả năm chẳng thấy động tĩnh gì, mấy đứa con tui phải bàn nhau gây áp lực, mới lấy lại được tiền.

Đứa thứ ba thì “rút kinh nghiệm”, không thông qua “cò”, nó nộp đơn rồi quà cáp đủ đường, vẫn chả ăn thua. Nghe người quen chỉ dẫn, nó đem 5 triệu đồng bỏ bì thư rồi lót kèm trong thùng bia 333, gửi tận tay vợ một trưởng phòng GDĐT, gọi là “quà khởi sự”.

Bà này hứa khi nào có “tín hiệu” sẽ điện thoại; thế nhưng chờ hơn cả năm trời chẳng thấy một tiếng ừ hử. Nó giờ tìm việc làm khác, xác định không “dạy dỗ” gì nữa nhưng vẫn ức vì bỏ ra mấy triệu bạc… mất oan. Vợ chồng nó có bàn chuyện đòi lại nhưng mà bằng chứng gì về việc “lót tay” 5 triệu đồng, mà đòi? Cái thùng bia cũng mất không…!”.

Có “cò con” thì có “cò mẹ”!

Ông Trần Thành Ngô- một cán bộ lão thành về hưu ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên), bức xúc: “Mới rặt ròng đây, đứa cháu tui xin đi dạy, có người đòi thẳng 100 triệu đồng là “xong”. Tui ức quá, tiền đâu mà chung đủ, rồi đi dạy bao nhiêu năm mới bù đủ lại số tiền 100 triệu này. Tui thấy chuyện chạy chọt lót tay để xin dạy học bây giờ trắng trợn quá, kinh khủng quá…! Có hẳn những đường dây như vòi bạch tuộc! Mà chẳng thấy cơ quan nào “rờ” tới...”. Thế nhưng khi tôi hỏi cụ thể “ai đòi tiền, thời điểm?” thì ông lại ngại ngần: “Thôi, em ơi, nó ảnh hưởng tùm lum đến bao nhiêu người…”.

Một nam giáo viên (xin giấu tên) nói: “Chuyện chung chi tiền triệu để xin việc ngành giáo dục, xin chuyển từ vùng xa về phố, dạy gần nhà… là “cũ” lắm rồi! Người ta làm và nói đầy ra đó, coi như điều bình thường trong xã hội bây giờ.

Nhiều người bóp bụng lo tiền đến khóc ra máu, gia đình khánh kiệt cũng vì cái chỗ dạy. Tôi cũng chung chi để có chỗ dạy này; đắng cay và nhục nhã lắm khi đứng trước mặt học trò, nhưng biết làm sao đây?!”. Một sinh viên sư phạm “nằm nhà” thì tâm trạng: “Em nghe nói để được đi dạy, chuyện “chung” mấy chục triệu là “xưa” rồi, bây giờ “trượt giá” trên cả trăm triệu lận…!”.

“Tôi có nghe về việc lo lót tiền nong để xin đi dạy. Nhưng không nghĩ là quá ghê gớm, trắng trợn như dư luận đồn đại”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên bình luận: “Tôi có nghe về việc lo lót tiền nong để xin đi dạy. Nhưng không nghĩ là quá ghê gớm, trắng trợn như dư luận đồn đại. Thế nhưng tiêu cực là có thật và đã tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong tuyển dụng sinh viên sư phạm. Bằng chứng là nhiều sinh viên yếu kém thì được tuyển dụng nhưng sinh viên giỏi thì chỉ biết… đứng nhìn!”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Đa- Trưởng phòng Tổ chức Sở GDĐT Phú Yên, thì nói: “Tình trạng “cung” quá lớn so với “cầu” là mảnh đất để phát sinh tiêu cực. Một số người lợi dụng tình hình này và sự quen biết với những người có chức quyền để làm “cò” chạy việc trong ngành giáo dục.

Tiêu cực ở đâu và thời gian nào, “cò” móc nối với ai thì tôi không rõ nhưng hơn một năm tôi làm Trưởng phòng Tổ chức Sở GDĐT thì việc tuyển dụng giáo viên luôn được tổ chức rất minh bạch. Luôn ưu tiên sinh viên có điểm số giỏi, xem xét chế độ chính sách, chú ý sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Mà hội đồng tuyển dụng thì rất đông người, gồm lãnh đạo sở và nhiều phòng chuyên môn, chức năng; quyết định nhận ai thì phải được bàn bạc, cân nhắc rất kỹ…”.

Khi cung nhiều hơn cầu và nạn chạy chọt, hối lộ vẫn tràn lan thì không có tiêu cực mới là chuyện lạ. Phóng viên cũng đã đặt câu hỏi trực diện với một số quan chức về tiêu cực trong chạy việc ngành giáo dục. Thế nhưng đều nhận được những câu trả lời tránh né…

Bài cuối: Thất nghiệp làm... phó chủ tịch xã