Quay lại chế biến thủ công
Cơ sở sản xuất dầu dừa thủ công của anh Huỳnh Văn Cường và chị Ngô Thị Hoàng Oanh, ở ấp Tích Khánh xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) có truyền thống “cha truyền con nối”.
Chị Oanh kể, trước đây mình chủ yếu chế biến dầu thô. Dầu thô (được dùng làm xà bông) được thắng rất nhanh, còn dầu tinh khiết mỗi mẻ (khoảng 50 trái dừa) phải trải qua nhiều công đoạn và kéo dài thời gian từ 4 đến 5 giờ mới xong. Đến năm 1990, tại Bến Tre, dầu dừa được sản xuất công nghiệp, dầu được ép và chế biến bằng máy nhanh hơn, nên năng suất cao hơn và giá thành cũng rẻ hơn.
Dầu dừa Bến Tre đang được thị trường ưa chuộng. |
Gần đây, thị trường bất ngờ chuộng dầu dừa thủ công, nên gia đình chị Oanh quay lại nghề cũ. Chia sẻ bí quyết thắng dầu dừa thủ công nguyên chất, chị Oanh nói: Muốn trái dừa cho nhiều dầu và chất lượng thơm, ngon, thì phải chọn trái dừa to, khô, đen vỏ. Sau khi tách vỏ, nạo lấy phần cơm dừa rồi ép (vắt) lấy nước cốt. Khi thắng dầu dừa, quan trọng nhất là độ lửa phải vừa tầm, thường xuyên dùng đũa hoặc xẻng đảo đều để tránh tình trạng phần cơm dừa bị cháy đen ở dưới đáy.
Bình quân mỗi tháng cơ sở của chị Oanh cung cấp ra thị trường khoảng 150 đến 200 lít dầu dừa nguyên chất được thắng thủ công tại nhà. Với giá bán bình quân 200.000 đồng/lít, sau khi trừ hết chi phí, chị Oanh thu lãi 10-15 triệu đồng.
Làm đẹp bằng dầu dừa
Theo nhiều tài liệu, dầu dừa chứa khoảng 50% axit lauric - chất có khả năng kháng nấm, vi khuẩn và virus. Dầu dừa giúp làm lành và phục hồi các vùng da bị tổn thương. Mặt khác, chúng ta có thể phòng ngừa chẻ ngọn tóc.
Bác sĩ Lê Thị Dung - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Dầu dừa trong y dược, người ta thường hay dùng để chế xà phòng mềm – xà phòng lỏng vì chất lượng gây bọt mạnh”.
Bác sĩ Dung cũng lưu ý, trước khi gội đầu, thoa dầu dừa lên chân tóc và mát xa nhẹ nhàng rồi gội đầu, tóc không bị gãy, không bị khô và rất mượt. Dầu dừa thoa lên da mặt và da tay thì làm cho làn da không bị khô. Các vết trầy xước trên da do côn trùng cắn, nếu dùng dầu dừa thoa vào sẽ giảm được cơn đau và ngứa. “Khi nứt môi hay nứt da do thời tiết, dùng dầu dừa thoa lên sẽ rất dễ chịu. Dùng dầu dừa trong thực phẩm, dầu dừa rất thơm và dễ tiêu hóa” - bác sĩ Dung nói.
Như vậy, cách chế biến sản phẩm dầu dừa như trên đã mở ra một hướng tiêu thụ dừa cho những người trồng dừa ở Bến Tre.
Minh Tâm