Dân Việt

Đủ kiểu buộc dân đóng góp làm nông thôn mới

Việt Tùng - Trực Nguyên 30/12/2014 11:38 GMT+7
Bên cạnh nhiều địa phương triển khai rất tốt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thì vẫn còn một số nơi mà lãnh đạo địa phương ép người dân ký vào giấy hiến đất mới được xác nhận hồ sơ tốt, thậm chí trẻ em mới 1 tuổi cũng phải góp tiền xây dựng NTM... Điều này đã và đang gây ảnh hưởng không tốt đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ép dân hiến đất bằng… thủ tục hành chính

Năm 2011, xã Nga Trung (Nga Sơn, Thanh Hóa) bước vào xây dựng NTM với một đề án khá hoành tráng, người dân ai cũng mừng vì đây là cơ hội lớn để xã kiến thiết và nâng cao đời sống nhân dân. Khởi đầu cho chương trình, xã đã vận động người dân hiến trung bình 49m2 ruộng/khẩu để làm đường giao thông nông thôn, nội đồng, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác. Mặc dù mức hiến đất cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác, song vì sự phát triển của quê hương, người dân nơi đây đã nhất trí.

img
Người dân cho rằng cây cầu đá dẫn vào UBND xã Nga An với chi phí xây dựng 1,7 tỷ đồng có dấu hiệu bị “rút ruột”.
Thấy dân “mềm”, lãnh đạo UBND xã Nga Trung tiếp tục vận động người dân hiến đất nông nghiệp dọc các tuyến đường trục chính nhằm mục đích bán đấu giá thành đất thổ cư. Trước việc làm “trái khoáy” này, người dân nơi đây không đồng ý vì họ cho rằng hiến 49m2/khẩu đã là quá nhiều, hơn nữa việc lấy đất nông nghiệp để đấu giá thành đất ở là trái với Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Gặp phải sự phản ứng của người dân, chính quyền xã nghĩ ra cách “o ép” người dân bằng các... thủ tục hành chính.

 

Bà Mai Thị H (ở xóm 6, xã Nga Trung) cho biết, vì việc xã kêu gọi hiến đất không minh bạch nên gia đình bà không đồng ý hiến. Khi con gái thứ 3 của bà đậu đại học, lên xin xác nhận hồ sơ lý lịch thì bị cán bộ xã từ chối. Sau 5 lần 7 lượt lên gặp lãnh đạo xã, cuối cùng em Phạm Thị A mới được cán bộ xã xác nhận. “Nhưng họ ghi vào hồ sơ là gia đình chị A chưa thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ địa phương trong việc dồn điền đổi thửa xây dựng NTM” – bà H bức xúc. Về vấn đề này, ông Dương Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Nga Trung cho hay, xã vẫn xác nhận hồ sơ cho công dân, song có phê vào hồ sơ như người dân đã phản ánh đối với những hộ không nhất trí hiến đất.

Tương tự, tại thôn Đồi Sen, xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội), nhiều người dân cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi đi làm thủ tục hành chính. Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị D, khi lên xã xin xác nhận hồ sơ đã bị từ chối vì chưa đóng 1 triệu tiền xây dựng NTM. Vì cần việc gấp nên chị D đành phải quay về lấy tiền nộp, đồng thời xin giấy xác nhận của trưởng thôn là đã nộp đủ tiền xây dựng NTM thì xã mới ký xác nhận.

Trước đó, năm 2012, UBND xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) tiến hành xây dựng đường vào làng nghề mây tre đan Bắc Vực dài gần 2km, rộng 5m. Sự việc không có gì đáng nói nếu xã không đưa ra một số quy định oái oăm để “ép” dân. Cụ thể, xóm Bắc Vực thu bổ theo đầu người, nếu nộp năm 2011 – 2012 thu 100.000 đồng/khẩu, còn nộp năm 2013 thì 130.000 đồng/khẩu, không kể trẻ em, người tàn tật, già cả neo đơn hay gia đình chính sách. Điển hình như hộ bà Phạm Thị Nhuận – Hội phó Hội Người cao tuổi xóm Bắc Vực, hiện đang nuôi 2 cháu nhỏ (sinh năm 2009 và 2011), song cũng phải đóng 130.000 đồng/cháu. Hay chị Phạm Thị Quy, chồng đã mất, đang nuôi con nhỏ 1 tuổi, cháu gái và mẹ già ốm yếu nhưng cũng không được miễn đóng góp.

Xã xây dựng hoành tráng

Năm 2010, xã Nga An (Nga Sơn, Thanh Hóa) được chọn là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh và đến nay Nga An đã vận động được 160 tỷ đồng cho hoạt động này. Theo đó, hàng loạt các công trình như trung tâm hội nghị, trụ sở ủy ban, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa... đều được xây mới rất khang trang và hoành tráng.

Ông Trịnh Minh Thư – Chủ tịch UBND xã Nga An cho biết thêm, hiện xã đã hoàn thành căn bản các công trình cơ bản như: Cầu vào khu công sở 1,7 tỷ đồng; trụ sở xã 5,5 tỷ đồng; nhà văn hóa đa năng 5,5 tỷ đồng; sân bê tông, đường giao thông 3 tỷ đồng; đầu tư non bộ, cây xanh 2,5 tỷ đồng; trạm y tế 5,5 tỷ đồng; nhà tưởng niệm liệt sĩ 4,6 tỷ đồng; nhà truyền thống 4 tỷ đồng… Toàn những công trình tiền tỷ, song theo dư luận người dân ở đây, chất lượng nhiều công trình không tương xứng, có công trình đã bị đội giá lên rất nhiều. Cụ thể, trụ sở UBND xã dù mới đưa vào sử dụng nhưng phần móng đã nứt toác, tay vịn cầu thang bằng inox đã hoen gỉ, ngay ổ điện trong phòng của chủ tịch UBND xã cũng bị chập cháy đen ngòm. Giải thích về việc này, ông Trịnh Minh Thư nói: “Điện cháy là do phòng này lắp thêm điều hòa nhiệt độ, điện quá tải dẫn đến chập cháy”. Còn phần tay cầu thang bị hoen gỉ, ông Thư thừa nhận là do chất lượng vật liệu kém. “Sắp tới chúng tôi phải đề nghị đơn vị thi công khắc phục!”– ông Thư nói. Song ông Thư chợt nhớ ra và nói thêm: Khu nhà này đã hết thời gian bảo hành.

Ông Lê Văn Nhẫn – nguyên thường trực Đảng ủy xã Nga An cho biết, để có tiền và đất xây dựng NTM và thi công các công trình hạ tầng, xã đã vận động người dân hiến 33m2/sào. Từ đó, xã “rút” ra được khoảng 30ha, nhưng thực tế đất dành cho xây dựng thủy lợi, giao thông nông thôn, nội đồng… không đáng là bao, số còn lại xã đã đem ra bán thành đất thổ cư. Không chỉ vậy, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, ông Thư và cấp dưới đã tự ý thu hồi ruộng của người dân với giá rẻ (14 triệu đồng/sào), sau đó chia mỗi sào thành 5 suất, bán với giá 150 triệu đồng/suất.

Khi phóng viên hỏi về vấn đề trên, ông Thư phủ nhận việc bán đất, nhưng cho biết từ đầu năm 2014, xã đã đấu giá được 5,5 tỷ đồng từ đất. Ông Thư cho hay: Số tiền này dùng để trả nợ xây dựng cơ bản và hỗ trợ mỗi xóm 300 triệu đồng để xây dựng và nâng cấp nhà văn hóa.

  Ông Lê Văn Nhẫn cho biết: “Trong các cuộc họp trước đây, tôi và một số người dân có chút hiểu biết đã đứng lên đấu tranh, góp ý về các việc làm chưa đúng của chính quyền xã. Không biết có phải vì thế mà tôi bị trả thù hay không, nhưng chiều 25.11.2014, tôi đã bị một nhóm người lạ mặt đến tận nhà hành hung. Hiện, những người tham gia đấu tranh chống tiêu cực ở xã đang rất lo sợ bị trả thù”.