Chị Thu (ở xã An Điền, Thạnh Phú, Bến Tre) nêu trong đơn khởi kiện nộp cho TAND huyện Thạnh Phú rằng chị và anh Phú tự nguyện yêu thương nhau, được gia đình hai bên tổ chức cưới hỏi đàng hoàng vào năm 2013.
Sau khi cưới, chị theo anh về sống với ba mẹ chồng. Tuy nhiên, do ba mẹ chồng quá khó tính nên chị chỉ sống chung được đúng một tháng 14 ngày thì cùng chồng dọn về bên ba mẹ ruột của chị ở. Và cũng từ đó một thời gian ngắn sau chị và chồng bắt đầu mâu thuẫn, rồi anh Phú về hẳn bên ba mẹ ruột của anh sống cho đến nay.
Chỉ kiện đòi tiền, không ly hôn
Theo chị Thu, trong thời kỳ hôn nhân, ba mẹ chồng có cho vợ chồng chị một chiếc xe máy Wave Alpha do chồng đứng tên trên giấy tờ. Cũng trong thời gian này, công việc của chị là nhận may đồ, kết cườm áo tại nhà; còn chồng thì làm việc tại cảng cá Ba Tri theo dạng thời vụ, làm ngày nào lấy tiền ngày đó. Vợ chồng tiết kiệm, gói ghém dành dụm được 50 triệu đồng và thống nhất để chồng đứng tên đem gửi ngân hàng vào ngày 7.2.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, chồng chị đã tự ý đến ngân hàng rút hết tiền để tiêu xài riêng mà không được sự đồng ý của chị. Nên chị khởi kiện, yêu cầu chồng phải trả cho chị 25 triệu đồng, tức phân nửa số tiền tiết kiệm chung của hai vợ chồng. Còn về hôn nhân, chị không yêu cầu tòa giải quyết vì chị còn thương chồng, muốn hàn gắn lại tình cảm vợ chồng.
Tại tòa, anh Phú thừa nhận là trong thời gian chung sống, hai vợ chồng có đi làm dành dụm được 50 triệu đồng và gửi ngân hàng. Nhưng từ lúc vợ chồng mâu thuẫn, anh giận vợ nên đã đến ngân hàng rút hết tiền về tiêu xài. Hiện anh không còn đồng nào để trả tiền như yêu cầu của vợ.
Do hòa giải không thành, mới đây TAND huyện Thạnh Phú đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của chị Thu. Theo tòa, việc chị Thu yêu cầu chồng giao trả 25 triệu đồng là phù hợp. Bởi lẽ số tiền 50 triệu đồng là tài sản chung của hai vợ chồng, được thống nhất gửi ngân hàng. Tuy nhiên, anh Phú tự ý đi rút hết và tiêu xài hết mà không được sự đồng ý của vợ. Việc làm này ảnh hưởng đến quyền lợi của chị Thu nên đã khởi kiện yêu cầu anh Phú phải trả một nửa là đúng quy định tại Điều 29, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Chồng không có tài sản thì… thua!
Sau phiên xử, cả hai bên đều không kháng cáo, VKS huyện cũng không kháng nghị. Vấn đề pháp lý trong vụ này là việc thi hành án sẽ diễn ra như thế nào khi quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng chị Thu vẫn còn và thu nhập có được của hai người trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng nếu không có thỏa thuận khác?
Ông Lê Hữu Hòa (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 5, (TP.HCM) cho rằng đây là một vụ việc khá hi hữu trong thực tế. Tuy nhiên, về mặt quy định, khi bản án có hiệu lực pháp luật và chị Thu có đơn yêu cầu thì việc THA phải được tiến hành bình thường dù hai bên đương sự vẫn đang là vợ chồng của nhau.
Theo đó, cơ quan THA vẫn phải tiến hành thủ tục xác minh tài sản riêng, thu nhập riêng của anh Phú nếu có thì sẽ bán đấu giá để trả cho chị Thu. Nếu anh Phú không có tài sản riêng, thu nhập riêng thì sẽ xử lý tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Theo thông tin thì ba mẹ chồng có cho anh chị một chiếc xe Wave Alpha do anh Phú đứng tên chủ sở hữu nên cơ quan THA sẽ kê biên, xử lý tài sản này theo tỉ lệ mỗi người hưởng một nửa giá trị, sau đó khấu trừ phần tiền phải THA của anh Phú. Nếu số tiền anh Phú được hưởng từ việc bán chiếc xe máy không đủ THA thì phải xử lý các tài sản chung khác như nhà, đất, đồ dùng sinh hoạt gia đình đáng giá (nếu có).
Trong trường hợp hai vợ chồng không còn tài sản chung nào khác đáng giá thì cơ quan THA không còn cách nào khác là trả đơn yêu cầu THA theo Điều 51 Luật THA dân sự. Khi nào chị Thu phát hiện ra anh Phú có tài sản khác hoặc vợ chồng tạo lập được tài sản khác mà chị Thu yêu cầu thì cơ quan THA sẽ cho THA trở lại.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.