LTS: Chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam là 1,62 mét, của phụ nữ là 1,468 mét, đứng gần áp chót trong khu vực ASEAN. Vì vậy các chuyên gia đã biên soạn ra đề án nâng cao tầm vóc người Việt với chiều cao trung bình sẽ tăng thêm 2,5 – 3,5cm vào năm 2030 rất đáng quan tâm.
Đề án hơn 6.000 tỷ nâng cao tầm vóc người Việt vừa được phát động bởi Ban điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Một trong những mục tiêu rất được quan tâm của đề án là chiều cao trung bình của người Việt sẽ tăng thêm 2,5 – 3,5cm.
Trao đổi với phóng viên, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng viện Khoa học TDTT Dương Nghiệp Chí - người biên soạn chính của Đề án cho rằng, mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được nếu Đề án được thực hiện nghiêm túc.
Chiều cao trung bình của khu vực ASEAN và thế giới
Thưa ông, giữa tháng 10/2014 vừa qua, số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, chiều cao người Việt thấp nhất khu vực châu Á. Trong 10 năm qua, người Việt Nam chỉ cao thêm được 1 cm. Đề án trên có thể giúp khắc phục chiều cao của người Việt không?
Người Việt “lùn” nhất Châu Á bởi chế độ dinh dưỡng và cách tập thể dục thể thao chưa hợp lý. Có thể nói, người Việt đang “đói” dinh dưỡng, bởi cách ăn uống chưa khoa học, “đói” vận động bởi chế độ luyện tập thể dục thể thao chưa đúng cách.
Hãy nhìn các nước Đông Nam Á khác, người Malayxia, Singgapore, Thái Lan có tầm vóc khá cao. Họ đầu tư dinh dưỡng, thể thao, nhất là thể thao học đường rất tốt. Ở Thái Lan, trẻ em mẫu giáo được ăn miễn phí...
Tôi cho rằng, ở Việt Nam, sau khi thực hiện xong Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, chiều cao trung bình của người dân tăng thêm khoảng 3,5 cm. Cụ thể, năm 2030, chiều cao trung bình của nam 18 tuổi là 168,5 cm; nữ 18 tuổi cao trung bình 157,5 cm.
Điều tôi tâm đắc nhất trong lúc viết đề án này chính là niềm tin rằng, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ cao hơn, đẹp hơn, khỏe hơn...
Nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng viện Khoa học TDTT Dương Nghiệp Chí
Cơ sở khoa học nào để xác định mục tiêu trên, thưa ông?
Ở điều kiện bình thường, cứ 10 năm, chiều cao trung bình của một dân tộc tăng được 0,7 cm. Nếu có sự chăm sóc đặc biệt, tốc độ tăng chiều cao thân thể sẽ nhanh hơn, ít nhất gấp 2 lần bình thường.
Ví dụ, trong điều kiện bình thường, 20 năm nữa người Việt sẽ cao được thêm 2 cm. Nhưng cũng 20 năm ấy, nếu được chăm sóc đặc biệt, có thể tăng cao thêm 4 cm.
Thêm nữa, ở Việt Nam, sau thời gian chiến tranh, luôn có một khoảng tăng trưởng bù cho sức khỏe và chiều cao thân thể.
Cơ sở khoa học trên đã được kiểm chứng chưa, hay đó chỉ là dự báo, thưa ông?
Nhật Bản đã kiểm chứng điều này. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản đo chiều cao và phát hiện trẻ “lùn” mất 2 cm. Họ có chương trình riêng, phục hồi sức khỏe và cải thiện giống nòi.
Từ năm 1951, người Nhật nghiên cứu và coi 2 “bánh xe” tăng trưởng chiều cao thân thể chính là dinh dưỡng và thể dục thể thao. Trong 20 thực hiện Chương trình đó, người Nhật cao hơn được 4cm.
Đề án của Việt Nam hiện nay chính là học kinh nghiệm từ Nhật Bản. Điều kiện của Việt Nam hiện nay tốt hơn Nhật lúc đó, do vậy, đề án này hoàn toàn khả thi.
Như ông nói, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam cũng sẽ tập trung vào vấn đề dinh dưỡng và thể dục thể thao?
Đúng như vậy, đề án có 4 chương trình, trong đó nhấn mạnh về dinh dưỡng và thể dục thể thao.
Chương trình về dinh dưỡng sẽ đưa ra hướng dẫn, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Điều này cũng khắc phục cách ăn uống thiếu khoa học của nhiều người dân hiện nay. Nhiều cha mẹ không biết cho con uống bao nhiêu sữa thì vừa, ăn gì cho đủ dinh dưỡng.
Tiếp đến, ăn như vậy rồi thì phải tập thể dục thể thao thế nào cho khoa học? Do vậy, trẻ từ 3 đến 18 tuổi phải có chương trình phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp giáo dục thể chất.
Tôi ví dụ, có trường học đưa ra thời khóa biểu, trong 5 tiết học hôm đó, có tiết thể dục sẽ học đầu tiên. Như vậy, có khi học xong môn thể dục, các em mệt quá phải nghỉ luôn 4 tiết còn lại. Như vậy, có thể thấy cách học thể dục như vậy không ổn.
Do đó, thể dục, thể thao học đường phải có hướng dẫn phù hợp với điều kiện từng nơi, sao cho khoa học nhất. Đề án trên sẽ khắc phục điều này.
Đề án có thêm chương trình nghiên cứu cơ bản, xây dựng chỉ số, tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc; đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Bởi trong suốt thời gian dài, Việt Nam chưa từng có nghiên cứu cơ bản về các yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao thân thể của người Việt.
Ngoài ra, có chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Kinh phí dự tính 6.000 tỷ đồng của Đề án sẽ chi vào những khoản gì chủ yếu? Trẻ em có được phát sữa miễm phí không?
Con số 6.000 tỷ đồng là con số ước lượng. Đề án không dùng nhiều tiền Nhà nước, ngân sách chỉ tiêu vào nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức, cầm trịch để các bên liên quan thực hiện. Hiện chưa thể trả lời chính xác ngân sách chi bao nhiêu vì chưa có thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và các bên thực hiện liên quan để cho phép từng khoản chi.
Nguồn kinh phí chính của chương trình sẽ đến từ xã hội và gia đình. Ví dụ, chuyện dinh dưỡng của trẻ, gia đình tự bỏ tiền chứ không ai nuôi thay được.
Tôi thấy, hiện nay các gia đình cho ăn lãng phí, ăn đến mức thừa cân, béo phì, tập thể dục thể thao không khoa học, tập không để làm gì. Nếu thực hiện Đề án, các gia đình sẽ biết chế độ ăn, tập luyện hợp lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!