Khoảng 5 giờ sáng ngày 29.12, tại ngôi nhà số 14, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng đã xảy ra một vụ cháy làm 6 người trong một gia đình tử vong, trong đó có 2 trẻ em và 4 người lớn. Nguyên nhân ban đầu xác định 6 nạn nhân tử vong do ngạt khí.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, nhiều người dân đã băn khoăn về công tác phòng cháy chữa cháy tại gia đình mình. Phóng viên đã có trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang An, Phó trưởng phòng Phòng cảnh sát chữa cháy số 5 (Công an TP. Hà Nội).
Dùng khăn ướt che kín mũi thoát ra ngoài
Thượng tá An cho biết, các vụ cháy xảy ra thường là những sự cố bất ngờ. Người dân khi gặp cháy thường có tâm lý hoảng sợ. Một số người tuy đã có kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và đã được tập huấn từ trước nhưng vẫn bị cuống .
Do vậy, khi thấy cháy, người dân phải gọi điện ngay báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (114). Sau đó, người dân đánh kẻng, thậm chí la hét để người dân xung quanh biết. Tiếp đó, tìm cách chạy ra ngoài khu vực ban công hoặc sân thượng để thoát nạn.
“Trong tất cả các vụ cháy xảy ra, khi tiếp cận hiện trường, cái chúng tôi lo nhất là khói. Bởi vì khói có sản phẩm là khí CO2 hoặc khí CO và các loại khí độc khác. Khi người dân hít phải, trong vòng 4 phút thì tim sẽ ngừng đập. Như vậy, nguy cơ người dân dẫn tử vong rất cao”, thượng tá An nói.
Thượng tá An cho biết thêm, trong trường hợp người dân bị lửa bao vây thì phải bình tĩnh tìm lối thoát ra ngoài. Trước khi thoát ra ngoài phải làm ướt mình, lấy khăn ướt che kín, miệng, mũi. Khi thoát ra ngoài, phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Thậm chí, người dân phải bò sát sàn để thoát ra ngoài.
“Khói thường nhẹ hơn không khí nên thường bốc lên cao. Khi thoát ra ngoài, nếu người dân cúi thấp người hoặc bò thì sẽ rất tốt bởi ở vùng đó người dân có đủ oxi để thở. Mặt khác, sẽ tránh được việc bị ngạt khói”, thượng tá An nói thêm.
Theo thượng tá An, trong một số trường hợp, người dân thấy cháy ở tầng 1 có thể di chuyển ngay lên trên, đến nơi không bị khói, nơi đám cháy chưa cháy đến. Sau đó, sẽ tìm lối thoát nạn ở xung quanh rồi thoát ra ngoài. Khi thoát ra ngoài ban công hay tầng thượng thì phải vẫy tay, la hét thật to để lực lượng cứu hỏa, người dân biết ứng cứu. Một số người không may bị lửa làm cháy quần áo, thì phải ngưng chuyển động ngay, sau đó che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại nhiều lần cho đến khi lửa được dập tắt. Người dân không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm.
Thượng tá An cho hay, hiện nay, phần lớn nhà cao tầng của người dân chưa đáp ứng được công tác phòng cháy, chữa cháy khi sự cố cháy nổ xảy ra. Nhiều nhà thiếu lối thoát hiểm, bình chữa cháy mini…
Quy định về phòng cháy chữa ở các khu chung cư, văn phòng làm việc thì yêu cầu tối thiểu ở mỗi tầng đều phải có hai cầu thang thoát nạn, phải có bình cứu hỏa mini, vòi nước chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động.
Đặc biệt, phải có hệ thống chữa cháy tự động khi xảy ra cháy nổ. Trong khu vực hành lang kín (dài trên 20 m) phải có hệ thống hút khói tự động. Khi xảy ra cháy, hệ thống này sẽ tự hút khói và đẩy ra ngoài, đảm bảo được lối thoát nạn cho người dân.
Xây nhà thông thoáng, ít nhất 2 lối thoát hiểm
Thượng tá An cho biết, ở Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân thường hay xây dựng nhà theo lối kiến trúc thông tầng, chỉ có một cầu thang (do đất hẹp). Lối thoát hiểm thường là cửa chính hoặc tầng thượng. Do vậy, khi xảy ra việc cháy nổ, người dân rất khó thoát ra ngoài. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng khó tiếp cận hiện trường.
“Do đó, người dân khi xây dựng nhà cao tầng phải để nhiều ô thoáng, để ban công. Trên tầng thượng cũng phải có lối thoát hiểm. Đặc biệt, hiện nay chúng tôi thấy ở nhiều điểm vui chơi, giải trí, hay để biển quảng cáo che kín từ dưới tầng 1 lên trên, trong khi đó ba mặt của ngôi nhà đều bị kín. Như vậy, khi xảy ra cháy nổ sẽ rất nguy hiểm, người dân khó thoát ra ngoài được”, thượng tá An khuyến cáo.
Một giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Hà Nội) cho hay, nguyên nhân gây ra cháy phần lớn do đun nấu, chập thiết bị điện, tàn thuốc gây cháy, trẻ em nghịch lửa. Dó đó, khi đun nấu phải có người để ý. Không cắm quá nhiều thiết bị điện trong cùng một ổ vì như vậy sẽ gây quá tải, chập cháy. Không hút thuốc gần ở những nơi có vật dụng dễ gây cháy. Đặc biệt, không để trẻ em chơi đùa với các thiết bị có lửa hoặc vật dụng dễ gây cháy nổ.
Theo giảng viên này, người dân khi xây dựng nhà ngoài việc phải thiết kế nhà thông thoáng với ngoài trời thì tại khu vực cầu thang phải có các ô thoáng thông gió. Ở các nhà cao tầng nên lắp đặt thêm một thang sắt phía bên ngoài đề khi xảy ra cháy có thể thoát ra ngoài. Thêm nữa, người dân nên hạn chế đến mức thấp nhất, không sử dụng nhà ở làm nơi chứa hàng hóa tải sản bởi vì khi xảy ra cháy lửa sẽ lan nhanh, người dân không kịp thoát nạn.
“Cũng giống như vụ hỏa hoạn xảy ra ở TP. Hải Phòng ngày 29.12, người dân cũng để hàng hóa vải vóc ở tầng 1. Khi xảy ra cháy, ngọn lửa đã lan nhanh bao phủ khắp tầng 1 và những người trong nhà đã không kịp thoát ra ngoài được” giảng viên này nói.