Năm qua, ngành du lịch có những tin vui nhưng cũng vẫn còn nhiều hạn chế. Ông có thể chỉ rõ những ưu và nhược điểm đó?
- Năm 2014 đúng là một năm ngành du lịch đã làm được khá nhiều việc, và nổi bật trong những thành công của ngành đó chính là việc đón tiếp và phục vụ 7.847.312 lượt khách quốc tế cùng 38,5 triệu lượt khách địa, đã đưa đưa tổng thu nhập của ngành đạt 230.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2013 là 15%.
Trong năm 2014, tình hình căng thẳng trên Biển Đông khiến Việt Nam mất 1 triệu khách du lịch. Thiệt hại của việc này được ngành đánh giá thế nào?
- Nếu nói Việt Nam đã mất nhiều hơn được, tôi nghĩ chưa hẳn đúng. Bởi sau sự vụ xảy ra tại Biển Đông, Việt Nam đã nhận được một bài học kinh nghiệm quý giá. Ngành du lịch đã chủ động đẩy mạnh tính liên kết phát triển du lịch trong vùng và với các vùng du lịch khác. Kích cầu du lịch nội địa với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam” – “Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Chính vì vậy mà mặc dù mất khoảng 1 triệu khách du lịch quốc tế, thì với số lượng khách du lịch mới, cùng chất lượng sản phẩm mới được nâng cao, ngành du lịch vẫn kéo được doanh thu lớn, với mức 230.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Văn hóa luôn là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của du lịch, vậy theo ông ngành du lịch đã tận dụng và phát triển hết yếu tố này chưa?
Một lý do mà chúng ta chưa thể tận dụng hết về văn hóa – du lịch là cuộc sống của người dân còn chưa được nâng lên. Khi các vấn đề ăn, ở, mặc còn đang thiếu thốn thì nhu cầu tạo ra những sản phẩm văn hóa, sự hưởng thụ món ăn tinh thần sẽ không phải là mục tiêu quan trọng để người dân đặt lên hàng đầu. Và nếu như những sản phẩm văn hóa, món ăn tinh thần không được phát triển thì đồng nghĩa với việc du lịch ở đó cũng sẽ khó lòng phát triển và giữ chân du khách, đặc biệt là các du khách quốc tế.
Ngày nay, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của người dân còn hời hợt và hạn chế. Tại các bảo tàng của Việt Nam khách nội địa cũng rất ít. Theo tôi, chúng ta cần phải học tập hơn nữa các nước bạn như Thái Lan, Singapore, Malaysia… kinh nghiệm khai thác giá trị di sản văn hóa, tính đa dạng, độc đáo, tính bản địa ở mỗi vùng miền để tạo ra những sản phẩm du lịch, hấp dẫn, có giá trị gia tăng cao.
Ông có quan điểm như thế nào khi hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) vừa được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015, tuy nhiên dự án cáp treo có thể sẽ được triển khai và liệu rằng với lượng khách ồ ạt được đưa vào hang, thì Sơn Đoòng có giữ được vẻ nguyên sơ về môi trường cũng như danh hiệu đó?
- Tôi cho cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu như những điểm đến còn hoang sơ, vùng sâu, vùng xa không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mãi mãi nó là một điểm đến hoang sơ và phục vụ cho số ít khách du lịch, đồng thời không phục vụ lợi ích, nhu cầu của người dân, đặc biệt người dân bản địa.
Còn nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp thì đây là một điều tốt, tạo nên sự phát triển mạnh về du lịch, cũng như tạo được công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân ở địa phương đó.
Tuy nhiên tôi nghĩ, không nên phát triển du lịch bằng mọi giá theo kiểu đầu tư bất chấp sự nguy hại về môi trường, phá đi vẻ đẹp tự nhiên của điểm đến đó.
Với hang Sơn Đoòng, tôi nghĩ trước tiên nhà đầu tư cần đánh giá tác động của dự án đến môi trường, tiếp đến triển khai các dự án phù hợp với môi trường của hang và không làm ảnh hưởng, suy thoái tới môi trường của hang.
Xin cảm ơn ông!