Trọng tài phải công tâm
Tâm điểm chú ý tại V.League 2015 là sự xuất hiện của lứa U19 trong màu áo HAGL. Giới chuyên môn đã bày tỏ nỗi lo đối với những “đôi chân pha lê” của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… khi nạn bạo lực sân cỏ vốn hoành hành suốt những năm qua.
Về vấn đề này, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch VFF nói: “VFF, VPF không chỉ bảo vệ U19 mà bảo vệ cả nền bóng đá Việt Nam (BĐVN), sao cho các đội chiến thắng bằng lối chơi hay, đẹp, chứ không phải bằng bạo lực. Tôi sẽ có mặt tại Đà Nẵng vào ngày 31.12 dự lớp tập huấn giám sát, trọng tài tại đây và trực tiếp khuyến cáo các trọng tài. Bóng đá là môn thể thao của những người đàn ông nên đương nhiên phải quyết liệt. Nhưng quyết liệt khác xa với bạo lực. Các trọng tài phải làm việc thật tập trung với tinh thần trách nhiệm cao để triệt tiêu tình trạng bạo lực sân cỏ, giúp BĐVN phát triển”.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (giữa) khẳng định phải triệt tiêu nạn bạo lực sân cỏ ở V.League 2015. Ảnh: Minh Hoàng
15 tỷ đồng vẫn được chơi V.League
Một trong những vấn đề mà dư luận quan ngại là việc đội bóng bỏ giải giữa chừng. Điều này khiến hình ảnh V.League được ví như “cái chợ”, ai thích chơi thì chơi, không thích thì nghỉ.
Ông Lê Hùng Dũng lý giải với phóng viên NTNN: “Tôi nghĩ việc bỏ cuộc hay không có nguồn gốc sâu xa từ 2 nguyên nhân. Thứ 1, các câu lạc bộ những năm qua phụ thuộc vào 1 ông bầu. Khi thị trường chứng khoán, bất động sản lên, họ kiếm 100-200 tỷ dễ dàng. Đầu tư vào bóng đá là kênh tốt nhất để đánh bóng thương hiệu, dễ làm ăn dễ hơn. Tôi đã cảnh báo bóng đá phải sống bằng tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình, bán vé… Chứ nếu chỉ dựa vào 1 ông bầu, họ thích thì chơi, không thích thì bỏ, làm sao ổn định được. Tất nhiên, chúng ta phải trân trọng số tiền mà những ông bầu bỏ vào phát triển bóng đá".
"Thứ 2 là nguồn kinh phí để dự V.League. Anh Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL đã thống kê chi tiết cho tôi biết chi phí ở khách sạn 5 sao, đi lại bằng máy bay, trả lương trung bình 18 triệu đồng/người, cả ngoại binh, huấn luyện viên ngoại… tổng cộng HAGL chi 15 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các đội khác lại nói họ phải chi 35 tỷ đồng mới đủ. Vì vậy, tới đây, chúng tôi sẽ đi khảo sát, làm việc với các đội bóng để tìm hiểu, tạo ra một cơ chế “mềm”. Chúng ta không thể đóng khung 35 tỷ đồng/năm như điều kiện bắt buộc đối với một đội V.League được”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng: Chúng tôi khuyến khích các địa phương nghèo nhưng có đủ lực lượng, đảm bảo chuyên môn vẫn có thể chơi V.League. Bên cạnh đó, gắn mô hình học viện vào 3-4 CLB chuyên nghiệp. Bằng quan hệ của mình, VFF sẽ mời các “lò” đào tạo danh tiếng như Feyenoord (Hà Lan), AS Roma (Italia), Tottenham (Anh) giúp đỡ. “Chúng ta xây dựng “cái nền” là vậy, như thế mới phát triển bền vững được. Còn đội bóng nào bỏ cuộc, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận và có giải pháp cụ thể chứ không bị động. Tùy vào động cơ việc bỏ cuộc mà VFF, VPF sẽ có hình thức xử lý. Bỏ giải như V.Ninh Bình năm ngoái vì chống tiêu cực thì chúng tôi ủng hộ” - ông Dũng nhấn mạnh.