Dân Việt

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: Đòn bẩy từ vốn ưu đãi

Thuận Hải 31/12/2014 13:26 GMT+7
Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2013 - 2015 của TP.HCM đã giúp hơn 15.300 lao động có việc làm, trong đó gần 2.000 lao động thuộc diện hộ nghèo, hơn 2.700 phương án sản xuất, kinh doanh được  phê duyệt hỗ trợ với tổng vốn vay gần 1,8 tỷ đồng… 

Có vốn ưu đãi, hết lo nghèo

Chính sách hỗ trợ lãi vay để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp này của thành phố cũng được xem như một “đòn bẩy” đắt giá, giúp nông nghiệp TP.HCM phát triển đúng hướng trong gần 2 năm qua.

img

Nhờ được hỗ trợ lãi vay ưu đãi, nông dân xã Trung An đầu tư học thêm các nghiệp vụ như nhà hàng, khách sạn để mở rộng mô hình du lịch sinh thái vườn.   

Bà Nguyễn Thị Tiến (42 tuổi, ngụ ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi), cho biết, gia đình bà trước đây sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi vịt. Năm 2005, dịch cúm gia cầm xảy ra khiến bà phải ngậm ngùi tiêu hủy hơn 1.000 con vịt chạy đồng đang sắp tới kỳ thu hoạch. Thất nghiệp, cụt vốn, bà Tiến quay sang xin làm công nhân may mặc ở huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), nhưng do lớn tuổi, tay nghề chậm chạp nên đồng lương nhận được không đủ chi cho nhu cầu trong gia đình.

 

Đến năm 2008, bà Tiến được Phòng Kinh tế huyện Củ Chi giới thiệu cho vay số tiền 90 triệu đồng theo Quyết định 105 của UBND TP.HCM để mua 4 con bò sữa về nuôi. Đến đầu năm 2013, bà Tiến tiếp tục được giới thiệu chương trình cho vay vốn khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 13 của UBND TP.HCM. Với số vốn vay ưu đãi 300 triệu đồng, bà Tiến xây dựng thêm chuồng trại, mua thêm bò về nuôi. Từ 4 bò cái ban đầu, đến nay, số bò sữa của gia đình bà đã đạt 30 con, trong đó có 15 bò cái đang cho sữa.

“Với năng suất trung bình mỗi ngày khoảng 200kg sữa tươi, bán với giá bình quân 13.000 đồng/kg, tính ra tui thu 2,6 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, tui còn lãi khoảng 1,6 triệu đồng. Thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình hiện khoảng 48 triệu đồng” - bà Tiến nhẩm tính.

Đến nay, ngoài cơ ngơi vững chắc, bà Tiến còn dành dụm mua thêm được xe tải nhẹ để chở cám, xác mì và hèm bia làm thức ăn cho bò, một xe máy cày để chở cỏ, chuồng trại cho đàn bò cũng khang trang, sạch đẹp hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua sữa nguyên liệu.

Cũng nhờ chương trình, nhiều hộ dân tại huyện Cần Giờ có điều kiện chuyển từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm, nuôi cá hoặc đầu tư làm muối sạch đạt hiệu quả cao. Hay như tại xã Trung An (Củ Chi), nhiều hộ gia đình nhờ vốn vay theo Quyết định 13 đã có điều kiện chuyển đổi vườn cây ăn trái sang mô hình du lịch sinh thái, vừa đem lại thu nhập cao, vừa giúp môi trường sống thêm sạch đẹp. Ông Nguyễn Thanh Quý (ngụ ấp An Hòa, xã Trung An) cho biết, sau khi được xét duyệt vay vốn ưu đãi gần 150 triệu đồng, ông đào ao nuôi cá, xây lại tường rào, đầu tư trồng cây ăn trái đảm bảo an toàn, sạch bệnh, từ đó, thu hút thêm nhiều khách du lịch tới vườn.

“Đô thị hóa” nông nghiệp

Ông Trần Văn My – đại diện Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, từ tháng 3.2013 đến nay, tức từ khi Quyết định 13 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của UBND TP.HCM có hiệu lực, đã có gần 6.500 lượt vay vốn với tổng vốn vay gần 1,8 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.100 hộ nghèo tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Bình quân mỗi tháng có 324 hộ dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, trong đó các huyện có số hộ, số vốn đầu từ và vốn vay chiếm tỷ lệ cao là Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè...

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM thì đánh giá, Quyết định 13/2013 của UBND thành phố là một giải pháp đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn. Những chính sách này được người dân, doanh nghiệp đồng tình cao, thể hiện qua việc số lượng đăng ký thực hiện chương trình luôn tăng đều thời gian qua.

Thông qua phương án hỗ trợ vay vốn, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển đổi phù hợp với quá trình nông nghiệp của thành phố như phát triển nuôi tôm tại huyện Cần Giờ, hoa lan, cây cảnh tại các quận, huyện ven trung tâm, nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi…

Ông Hổ cũng cho biết, qua 2 năm thực hiện chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quy mô vốn đầu tư, số vốn vay/hộ, doanh nghiệp tại các quận tăng gấp 3 lần so với các huyện. Qua đó cho thấy, trong quá trình đô thị hóa, tuy quy mô diện tích, số hộ sản xuất nông nghiệp giảm nhưng tỷ lệ đầu tư bình quân của một hộ vào một đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng dần, việc sản xuất theo hướng thâm canh hơn, sản phẩm nông nghiệp đô thị do đó cũng có chất lượng và giá trị cao hơn.

  Thêm ngành nghề nông nghiệp được hỗ trợ lãi vay 

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký Quyết định số 40/2014/QĐ-UB về việc bổ sung thêm một số đối tượng được hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 13 về khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của TP.HCM, gồm nghề sản xuất tiểu cảnh, hòn non bộ tại các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp; nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được Sở NNPTNT công nhận.