Dân Việt

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Yêu cầu không được rút dự luật biểu tình

Pháp luật TP.HCM 31/12/2014 08:43 GMT+7
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình dự án luật.

Hai nội dung quan trọng được thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 ngày 30.12 là chương trình xây dựng pháp luật và vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến hai dự luật: Luật Biểu tình và Luật Tiếp cận thông tin.

Tháng 6.2015 trình dự luật tiếp cận thông tin

Qua thảo luận, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị ban hành nghị quyết về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự. Đối với dự án Luật Tiếp cận thông tin, Chính phủ nhất trí lùi thời điểm trình dự án luật này từ tháng 3 sang tháng 6.2015. Riêng với dự án Luật Biểu tình, một số ý kiến tại phiên họp đề xuất rút dự luật khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13 và chương trình năm 2015.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, những văn bản đã có trong chương trình phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu. Trong đó phải nghiên cứu, đánh giá kỹ về các tác động xã hội của các dự thảo luật, pháp lệnh và khi đã được đưa vào chương trình phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi.
img 
Thủ tướng đang chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 12 ngày 30.12. Ảnh: TTXVN


Riêng dự án Luật Biểu tình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định nhưng hiện mới chỉ có nghị định của Chính phủ quy định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình dự án luật.

Sẽ tăng xếp hạng môi trường kinh doanh

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sau hơn chín tháng được ban hành, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho hay nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai nghị quyết, bước đầu đạt được một số kết quả. Chẳng hạn, thủ tục khởi sự kinh doanh giảm còn năm thủ tục với thời gian khoảng 16 ngày thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây. Còn tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế dự kiến giảm được 370 giờ, còn 167 giờ (yêu cầu của nghị quyết là 121,5 giờ). Thời gian nộp BHXH dự kiến sẽ rút gọn từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục, giảm 50% số giờ giao dịch của các doanh nghiệp so với hiện nay… “Với những kết quả này, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên thứ hạng 56 (hiện nay là 78)” - Bộ trưởng Vinh cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015.

Thủ tướng cho biết sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết mới để tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó sẽ chỉ rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể của Chính phủ, từng bộ, từng ngành để tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời hết sức chú ý đến việc thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức. Tại các phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm,  đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời ngay trong đầu năm 2015, chỉ số cải cách hành chính của các bộ và địa phương của năm 2014 sẽ được công bố công khai.

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Chính phủ năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết số lượng các dự án luật, pháp lệnh năm 2014 do Chính phủ trình được Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn (35 dự án). Tính đến ngày 27-12, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 106/206 văn bản, đạt 51,46%. Số chưa ban hành là 100/206 văn bản, chiếm 48,54%, trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”.