Dân Việt

"Ông già Nam bộ" Tấn Thi: Nếu không đóng phim chắc đã làm "quan lớn"

31/12/2014 09:41 GMT+7
Ngoài đời, gặp Tấn Thi rất dễ bắt chuyện. Nếu đúng “tần số” là anh em trong nghề, anh không giấu bất kỳ chuyện gì. Anh am tường từ chuyện gia đình nghệ sĩ, hậu trường đóng kịch, làm phim… Với anh, đó là những câu chuyện “bù khú” đầy thú vị nhằm xả stress để quên đi những vất vả của nghiệp diễn.

 

tanthi

Suốt ngày làm… cha!

Nhắc đến Tấn Thi là nhắc đến các vai diễn ông già Nam bộ. Ở anh, luôn có một cái gì đó rất đặc trưng, không lẫn với các bạn diễn khác. Giọng nói trầm, khề khà, luôn pha trò trong các câu chuyện bằng lối diễn tưng tửng. Anh nổi bật qua vai diễn “ông bố” của các sao trong hàng loạt bộ phim: Lục Vân Tiên, Đường về, Gọi giấc mơ về, Truy tìm dấu vết, Tham vọng, Hoa thiên điểu, Tình yêu pha lê và mới đây là Giọt lệ trên không, Ngọn nến lung linh… Mỗi lần cần đến vai bố, dù giàu hay nghèo, dù hiền hay ác là y như rằng, các đạo diễn lại nhớ đến cái tên Tấn Thi. Bởi họ biết, khi giao vai cho Tấn Thi, là xem như không cần phải lo nhiều. Ở anh, sự trách nhiệm với vai diễn, cách khai thác chiều sâu của nhân vật, luôn được anh chăm chút, nhấn nhá rất chính xác và cẩn thận.

tanthi2

Hỏi anh vai cha nào làm anh thích nhất? Anh khề khà, nhắc lại vai diễn Bàng Thái Sư cha nuôi Trịnh Hâm (Minh Đạt) trong bộ phim Lục Vân Tiên. Một người cha mãi quốc cầu vinh, bất chấp thủ đoạn để đạt được tham vọng của mình. Nhưng điểm nhấn cho nhân vật này là tất cả các việc làm tội lỗi trên đều xuất phát từ tình… thương con. Đạo diễn Phú Hải đã cho anh rất nhiều phân đoạn đắt giá để bật lên tính cách “vĩ đại” ở người cha tội lỗi này. Đến tận bây giờ, khi nhớ lại, anh vẫn bảo: “Ở những đoạn đó, diễn sướng như chưa từng được sướng vậy”.

Một vai cha thứ hai anh nhớ là trong bộ phim Đường về, thương con đến độ chấp nhận lãnh án oan để vào tù thay con mình. Vai diễn này anh như được sống với chính mình, một lão Nam bộ luôn biết nhẫn nhịn, hy sinh, lúc nào cũng nghêu ngao hát vọng cổ suốt cả phim. Giọng trầm ấm nhưng mùi mẫn, làm ấm lòng bất cứ một ai khi nghe anh than oán về cuộc đời của mình. 

000017

Riêng vai người cha trong bộ phim Tham vọng của đạo diễn Xuân Cường, anh được tung hoành thỏa sức với nhiều thăng trầm của nhân vật ông bố - một giám đốc sành điệu, tham vọng danh lợi. Bởi chính điều đó, ông đã trả giá khá đắt khi gặp phải những người con còn tham vọng hơn cả ông. Đây là vai diễn buộc ông phải biến hóa liên tục để lột tả được tính khắc nghiệt của nhân vật quyền lực này.

Phim trường luôn thú vị!

Nghệ sỹ Tấn Thi chia sẻ, với anh, một khi đã “chơi” với nghề là phải lăn xả hết mình, không câu nệ địa vị chức danh, cũng không đua đòi vai lớn, vai quan trọng, miễn sao nó cho mình đất diễn là chơi tuốt! Bản thân anh đã kinh qua hơn 100 vai diễn, chưa bao giờ anh phân biệt nó “lớn”, hay “nhỏ” mà chỉ “ấn tượng” hay “không ấn tượng”, diễn “sướng”, hay “không sướng” mà thôi. Ví dụ sướng là được diễn thỏa sức vai ông già nát rượu có cuộc sống hoang tưởng trong phim Sài gòn Yoo - Một nhạc sĩ cực giỏi với ngón đàn piano điêu luyện, nhưng chỉ vì một cơn ghen, đã sát hại cô vợ trẻ của mình, dẫn ông đến một bờ vực bi thảm, suốt ngày chỉ “chơi” với chú chó khổng lồ, để xóa đi nỗi cô đơn cộc cằn và sự hối hận. Ngoài được thỏa sức diễn thì vai này còn đáng nhớ với anh bởi “cực hình” diễn tay đôi với chú chó. Nhiều cảnh quay đã không thể thực hiện được bởi chú chó không hợp tác và nhiều bánh bao đã được ông “hối lộ” nó để có được cảnh quay… như ý.

tanthi3

“Phim trường luôn thú vị” – nghệ sỹ Tấn Thi chia sẻ. Ví dụ như vai diễn trong bộ phim Tình yêu pha lê, anh lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi đạo diễn yêu cầu đóng cảnh mùi mẫn với một cô gái xinh đẹp vào hàng tuổi… con anh. Trước khi diễn, anh luôn dặn cô gái: “Con ơi, cái này là mình đóng phim nha, chú hổng có ý gì đâu nha con…!”. Quay khoảng 5 lần, ông vẫn còn lúng túng, đạo diễn bực mình quát cô gái chủ động. Và sau 1 giây nhìn vào mắt Tấn Thi, cô gái chủ động đè anh xuống… yêu ngấu nghiến. Vào thế… kẹt, Tấn Thi cũng lật người tấn công hôn tới tấp. Đang ngon trớn, tự nhiên cô gái vừa la vừa… rên: “Chú ơi, đến đoạn này, con thở, con rên làm sao hả chú?”. Và tất nhiên, đạo diễn chỉ biết vò đầu bứt tóc mà la trời, làm lại…

Hay như "cảnh dê" NSƯT Tú Lệ trong Gió rừng tràm cũng xảy ra một sự cố nhớ đời. Tấn Thi vào vai tên trùm bịm bợp, dê cô gái điếm già. Đạo diễn yêu cầu ông sau vài lời lả lơi, là ông cứ thò tay vô ngực lấy luôn sợi dây chuyền. Lúc tập thì ngon lành, nhưng khi diễn thì mặt ông cứ láo liên, xanh lè, quay cả buổi mà cũng không xong. Thấy đạo diễn quá tức giận, ông mới đến thỏ thẻ: “Chồng Tú Lệ là thầy tôi, ông kêu tôi dê mà “ổng” ngồi nhìn chằm chặp làm sao tôi dám diễn”. Thế là đoàn phải tìm cách nhờ ông xã Tú Lệ đi mua… bánh mì. Và ở hiện trường, sau lệnh diễn, Tấn Thi thò tay giật sợi dây chuyền cái rẹt, khiến cả hiện trường mừng như bắt được vàng.

tanthi4

Làm nghệ sỹ - Cực nhưng vui!

Nghệ sỹ Tấn Thi tâm sự: “Trước đây, tôi từng làm phó phòng giáo dục Quận 7. Nếu tiếp tục với con đường này, giờ chắc đã là “quan lớn”. Bởi ngay thời điểm đó, đi đâu tôi cũng có hai anh lính cầm súng bảo vệ. Nhưng có lẽ, cái máu “chính trị” không hợp bằng máu văn nghệ, và cái cảnh ngồi nhậu cá kho đồng hát vọng cổ luôn làm tôi cảm thấy tự do và sung sướng hơn rất nhiều”.

Ít ai biết rằng, nghệ sỹ Tấn Thi là diễn viên miền Nam đầu tiên đậu vào trường kịch nghệ cùng với NSƯT Kim Xuân năm 1977. Chỉ một năm sau, anh được nghệ sĩ Can Trường mời vào vai chính trong vở kịch Bông hồng trắng – điều mà khi nằm mơ anh cũng không dám nghĩ đến bởi lúc đó anh ngoại hình ốm nhách, mặt gãy, da đen... Vậy mà, khi vở kịch công diễn, nó thành công ngoài dự kiến. Bạn bè, báo chí đến chúc mừng như ngày hội, gia đình nở mày nở mặt. Cái tên Tấn Thi lúc đó sánh ngang hàng với Kim Xuân, Thương Tín, trở thành bộ ba ăn ý của đạo diễn Thành Trí. Sau thành công đó, anh vinh dự trở thành diễn viên biên chế của đoàn kịch Bông hồng. Từ kịch, sang phim rồi thậm chí, anh còn làm cả… thơ. Sau hơn 30 năm lăn lộn với nghề, ngoài hàng loạt huy chương vàng, bằng khen về các vai diễn thì anh còn có tới hàng chục bài thơ đăng nhan nhản khắp các tạp chí.  

Chia tay tôi, nghệ sỹ Tấn Thi lại lên xe chạy về Bình Chánh, cách thành phố 15 km, nơi đó anh và vợ sau bao nhiêu năm dành dụm, đã mua được một miếng đất cất nhà, có vườn rau xanh, có những chú chim hót líu lo. Đây được xem là gia sản cuối đời của người nghệ sỹ đã dành cả đời “chơi” hết mình với nghệ thuật.