Dân Việt

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

11/12/2012 18:11 GMT+7
Dân Việt - Sáng 11.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 13 bằng việc đánh giá lại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5. Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt.

Kỳ họp “có khí thế của Hội nghị TƯ 4”

Cho ý kiến đánh giá lại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, đa số ý kiến đều đồng tình với báo cáo tổng hợp của Văn phòng Quốc hội về những ưu điểm mà kỳ họp vừa qua đã đạt được. Góp ý thêm về những điểm cần khắc phục, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu quan điểm: Thời gian kỳ họp dài, nhưng có nhiều nội dung không cần thiết. Nhiều dự án luật xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không biết bao nhiêu lần trong khi đó có những nội dung không bố trí được thời gian như nội dung về giám sát chuyên đề của QH.

Về các phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét tuy đã có nhiều cải tiến nhưng thời gian chất vấn bố trí chưa được hợp lý, do đó nhiều câu hỏi của ĐB chưa được trả lời ngay tại nghị trường. “Có nhiều ĐB nói rằng đôi lúc nghe thành viên Chính phủ trả lời xong thấy buồn thêm vì không được thỏa mãn. Người trả lời chất vấn còn né vấn đề”. Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn còn đưa ra vấn đề, nhiều người nói rằng có tình trạng người hỏi mồi vấn đề cho người trả lời, kiểu như “Em bấm nút để hỏi anh những vấn đề anh trả lời dài dòng cho hết thời gian chất vấn”. “Nhiều người bảo vậy, nhưng chưa kiểm chứng được”, Phó Chủ tịch dừng vấn đề ở đây trong khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá luôn: “Những vấn đề mà Phó Chủ tịch đưa ra sẽ phải “làm từ từ nhưng dứt khoát, không thể từ từ mà dây dưa được!”.

Cùng về các phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề có nhất thiết trong thời gian 2 người rưỡi phải chất vấn 5 thành viên của Chính phủ không. “Chỉ cần 3 đồng chí nhưng mà làm thật sâu, chứ như vừa rồi, nhiều cử tri, ĐBQH cho biết chưa thỏa mãn vì đăng ký mà không được hỏi hay hỏi mà không được trả lời hết. Thà hỏi ít mà sâu, kỹ còn hơn là nhiều mà nông”.

Kết luận về kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, kỳ họp vừa rồi chất lượng cao, và đặc biệt là “rất có khí thế của bầu không khí triển khai Nghị quyết Hội nghị TƯ 4”. Chủ tịch cũng đánh giá, kỳ này các ĐBQH đã hơn hẳn các thành viên Chính phủ, thể hiện trong việc đặt câu hỏi đúng thời gian quy định mà vẫn sắc sảo và sâu sắc. Còn nhiều vị bộ trưởng khi trả lời thì “nói dài, lằng nhằng”. Chốt lại, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Hoạt động của Quốc hội đã có một bước nâng cao đáng kể qua kỳ họp thứ 4.

Kỳ họp đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm

Về kỳ họp thứ 5, theo dự kiến Chương trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày sáng 11.12, Quốc hội sẽ làm việc khoảng 22 ngày rưỡi, bắt đầu từ 20.5 – 18.6.2013. Một nội dung đáng chú ý tại kỳ họp này là Quốc hội dành nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm (PTN) với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Do thực hiện quy trình, thủ tục qua nhiều bước nên việc lấy PTN sẽ được xem kẽ với các nội dung khác của kỳ họp. Cụ thể, Quốc hội sẽ lấy phiếu đối với 49 vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, trong đó có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng… Quy trình lấy PTN theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, UBTVQH sẽ gửi báo cáo của những người được lấy phiếu và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy PTN của Uỷ ban TƯ MTTQ VN (nếu có) đến ĐBQH chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy PTN, ĐBQH có thể gửi văn bản đến người được lấy PTN yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy PTN có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi đến ĐB đã nêu trước ngày lấy PTN. Quốc hội sẽ lấy PTN bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy PTN và các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Kết quả lấy phiếu sẽ được công bố công khai ngay sau đó.

Cũng trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật và dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012”.