1. Không phải tới bây giờ, mà kể từ khi Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, Nguyễn Đức Kiên, rơi vào vòng lao lý gần 4 tháng trước, nhiều người đã nhìn ra viễn cảnh đen tối đối với các cầu thủ của đội bóng này, trong đó có 2 ngôi sao Công Vinh, Thành Lương.
Lúc này, trong khi Vinh vẫn chưa kiếm được việc, Lương “dị” vẫn chưa nhận được cái gật đầu từ Hà Nội T&T-đội bóng mà anh muốn tới, thì nhiều cái tên “vô danh” ở CLB bóng đá Hà Nội đương nhiên còn khó khăn gấp bội.
Cầu thủ Nguyễn Công Minh (phải) đang khốn khổ vì đội bóng Hà Nội giải tán. Ảnh: Đàm Duy |
Trao đổi với Dân Việt chiều 11.12, cựu tuyển thủ U23 quốc gia Nguyễn Công Minh nói: “Từ tháng 11, đội bóng đã không nói gì tới chuyện lương thưởng. Tôi có 2 con nhỏ, vợ cũng ở nhà chứ không có công việc gì ổn định nên cuộc sống rất mệt mỏi.
Những ngày qua, tôi cũng rất chán nản bởi không thể tìm được bến đỗ mới do các đội đều đã đủ người rồi. Trong khi đó, cầu thủ thất nghiệp lại đang đầy ra đấy. Trước đây, khi ký hợp đồng, chẳng ai ngờ tới tình huống ông bầu bị bắt, đội bóng giải tán nên làm gì có điều khoản gì quy định về việc này”.
Cuộc sống gia đình của Văn Phong bị đảo lộn sau khi K.Khánh Hòa chuyển giao cho V.Hải Phòng |
Theo Minh, lúc này muốn đi tìm việc gì làm nghề “tay trái” cũng khó bởi muốn quen việc cũng phải mất một thời gian. Thêm nữa, khi đang làm việc mới mà lại có đội bóng gọi đi đá thì cũng rất khó. “Thôi đành cố sống qua ngày vậy và chờ đợi cơ hội chứ biết làm sao. Có kêu ca mấy đi nữa thì Giám đốc điều hành Lê Xuân Thông và Lê Khắc Chính cũng chỉ có thể an ủi, động viên chứ có giải quyết được gì đâu”, Minh chán nản nói.
2. Không đến mức đội bóng tuyên bố giải tán, mà chỉ là chuyển giao cho V.Hải Phòng nhưng tâm trạng của nhiều cầu thủ K.Khánh Hòa cũng đang rất bất an. Họ có cảm giác như mình là “miếng thịt, mớ rau” mà các ông chủ muốn bán cho ai thì bán. Ông chủ đặt đâu, cầu thủ phải ngồi đó nếu không muốn rơi vào tình cảnh cùng quẫn hơn.
“Chấn thương rạn xương sườn mà tôi gặp phải tại AFF Cup cũng đã đỡ rồi. Hiện vẫn chưa rõ ngày ra V.Hải Phòng tập trung nên anh em trong đội vẫn duy trì tập cùng nhau để giữ gìn phong độ tại sân Nha Trang. Trong hợp đồng của chúng tôi, chẳng có điều khoản gì quy định khi CLB chuyển giao thì cầu thủ được tự do cả. Vậy nên phải tuân thủ sự chuyển giao thôi.
Tôi còn hợp đồng 2 năm với đội bóng, muốn đến một CLB khác không phải là V.Hải Phòng thì phải chi một số tiền không nhỏ để thanh lý hợp đồng. Mà chúng tôi thì làm sao có tiền mà trả”, tuyển thủ Văn Phong nói.
Điều bức xúc nhất đối với Phong là hiện anh đang có con nhỏ mới được mấy tháng tuổi và cần có cha ở bên. “Ra Hải Phòng, cuộc sống của gia đình tôi sẽ đảo lộn hết cả. Đó là chưa kể tới việc có thể thi đấu tốt hay không trong một môi trường hoàn toàn mới.
Có khi các cầu thủ còn lại không phải chuyển ra V.Hải Phòng lại sướng hơn chúng tôi khi vẫn được ở bên cạnh gia đình và nhận đủ lương hàng tháng cho tới tháng 3.2013. Đó là khoảng thời gian đủ để họ có thể đi tìm đội bóng mới”, Phong bày tỏ.
Chính Minh