Dân Việt

Vì sao những lỗi sai ngờ nghệch đến khó tin liên tiếp xuất hiện trong các cuốn từ điển?

31/12/2014 14:17 GMT+7
Từ điển Vũ Chất đầy lỗi đã bị xử lý nghiêm song vẫn còn vô số từ điển nhảm hơn được bày bán công khai trên thị trường. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Ngọc Vượng – Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. 

img Những cuốn từ điển chất lượng kém lại dễ dàng tìm mua trên thị trường

Thưa ông, vì đâu những lỗi sai ngờ nghệch, khó tin lại xuất hiện trong các cuốn từ điển?

- PGS.TS Đinh Ngọc Vượng: Không thể chấp nhận những cuốn từ điển đầy lỗi như thế lại được bán công khai trên thị trường. Đây có thể là những sản phẩm sao chép.

Những người làm từ điển đó lấy một lượng lớn mục từ (khoảng 80%) ở một cuốn từ điển khác, đồng thời đưa thêm một số mục từ mới vào để làm nó khác đi, tránh việc bị coi là “ăn cắp”. Thậm chí, người ta sẵn sàng lục tìm, cắt ghép trong tài liệu cũ ở thời kỳ trước để biên soạn ra một cuốn từ điển mới bán ra ngoài thị trường. Việc làm này đơn thuần là chạy theo lợi nhuận chứ không vì mục đích phổ biến kiến thức.

Hiện tượng sao chép trong xuất bản từ điển có phổ biến không, thưa ông?

- Ngay ở Viện chúng tôi cũng không ít lần xảy ra hiện tượng sao chép, cóp nhặt. Ví dụ, cuốn “Từ điển Bách khoa Việt Nam” do Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn, được NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội ấn hành năm 2005, đã bị một đơn vị xuất bản sao chép.

Vì Từ điển Bách khoa là công trình lớn với rất nhiều ngành, cho nên một số đơn vị xuất bản tìm ra những mục từ chung nhất để “thu gọn” và biên soạn thành một cuốn từ điển với quy mô nhỏ hơn. Đôi khi, việc sao chép do chính NXB đó làm với mục đích kiếm lời.

Có nhiều trường hợp các đơn vị xuất bản cố tình mập mờ trong việc đề tên người biên soạn để “đánh lận con đen”, ông nhận xét thế nào về hiện tượng này?

- Việc đứng tên trên một cuốn sách, trước hết là một vinh dự, nhưng cũng là một tuyên bố - chính tôi sẽ là người chịu trách nhiệm. Những cuốn từ điển không có người đứng tên, vậy xin hỏi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm nội dung? Quay trở lại câu chuyện từ điển Vũ Chất, tôi cho rằng, các NXB không thể nói là không biết Vũ Chất là ai. Khi ký hợp đồng với một tác giả thì đương nhiên phải biết rõ danh tính của họ, kể cả đó là bút danh. Hồi trước, có một NXB đã cố tình lập lờ “đánh lận con đen”, ghi trên bìa sách là “Khoa học – xã hội – nhân văn” để người đọc tưởng là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhưng thực chất không phải. Hiện tượng mạo danh này xảy ra khá phổ biến.

Phải chăng các đơn vị xuất bản đã cố tình lờ đi quy trình biên soạn từ điển?

- Trước hết, người làm từ điển phải xây dựng mục đích của cuốn từ điển đó, xem nó phục vụ đối tượng nào. Làm từ điển cho học sinh tiểu học phải khác với học sinh trung học và đương nhiên không thể giống với từ điển dành cho người đọc nói chung. Thứ hai, phải xác định quy mô của cuốn từ điển. Bảng mục từ gồm bao nhiêu từ, 10.000 mục từ hay 5.000 mục từ…

Với từng mục từ, phải xem cách giải thích như thế nào thì phù hợp. Tôi thấy nhiều cuốn từ điển đưa ngữ cảnh tùy tiện, không có trích dẫn, không rõ nguồn gốc. Đáng ra, làm từ điển phải như soạn thảo văn bản pháp luật, phải chặt chẽ về hình thức cũng như nội dung. Không có bất cứ từ ngữ nào trong một văn bản pháp luật được hiểu nước đôi, thế này cũng được, thế kia cũng được.  

Theo ông, cần biện pháp gì để chấn chỉnh lại việc xuất bản từ điển? 

- Trên thị trường có những cuốn từ điển nhiều lỗi như thế, có một phần trách nhiệm của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Đáng ra, những cuốn từ điển như thế phải được những nhà chuyên môn, có kinh nghiệm biên soạn phục vụ cho độc giả.

Từ điển phải được coi là một xuất bản phẩm đặc biệt. Khi được phép xuất bản, cần phải được sự thẩm định của một cơ quan chuyên ngành như Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Dựa trên sự thẩm định đó, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cho phép hay không cho phép phát hành. Đương nhiên, chúng tôi phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng nếu để lọt ra những sản phẩm lỗi.