Nếu đa số các nhà văn, nhà thơ ở ta đều dễ gần thì với tôi nhà thơ Vũ Cao dễ gần hơn cả. Lắm lúc tôi cứ lẩn mẩn nghĩ rằng chẳng hiểu tại sao có những người sống sung sống sướng, có chức vụ quyền hạn hô phong hoán vũ khi về nghỉ rất hay mắc bệnh và mất rất nhanh. Lại có không ít người khổ ơi là khổ, bị chiến tranh lôi vào giần cho chí tử những hai ba cuộc trong mấy chục năm giời, đã thế lại phải làm nhiều đi nhiều rồi thì nào có được nghỉ ngơi bao giờ, già rồi vẫn chỗ này mời đi chỗ khác kéo đến chả thuần nhất một công việc gì cả, chỉ là nói chuyện hoặc đọc thơ ấy mà, có khi là giao lưu văn nghệ tếu táo với học sinh, sinh viên mà các cụ thọ lắm, thọ như nhà thơ Vũ Cao chẳng hạn, thế có ghê không.
Vũ Cao rất hay nói câu “ghê nhỉ” rồi cười thoải mái, cười thoải mái nhưng âm lượng không lớn bao giờ, ông cười bằng mắt là chính, đẹp như một tiên ông.
Tôi biết nhà thơ Vũ Cao mới được hơn mười năm mà cứ như quen lâu lắm. Cơ mà tôi còn trẻ nên Vũ Cao rất khoái mỗi khi tôi đến thăm. Quen, kính trọng và yêu mến ông sau đợt tôi làm phim tài liệu về ông, về núi Đôi và về những người lính thời các ông, có dính dáng cả thời chúng tôi nữa. Cuộc ấy, tôi có nhờ nhà văn Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình giúp đỡ kịch bản và lấy thêm tư liệu sống từ nhiều văn nghệ sĩ: Mai Văn Hiến, Văn Đa, Xuân Thiều, Lê Lựu và Trần Đăng Khoa. Tại sao lại có Trần Đăng Khoa, là vì mỗi khi tôi thực hiện phim chân dung các văn nghệ sĩ quân đội anh Khoa rất hay tham gia, đôi khi chỉ là một ý kiến, một chi tiết những điều rất đáng quý”.
Tổ phóng viên truyền hình chúng tôi khi ấy cùng vợ chồng nhà thơ Vũ Cao, các nhà văn, nhà thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đến vùng quê núi Đôi như trở về chính quê hương mình. Cũng đã từ lâu, rất lâu, ngay sau khi bài thơ “Núi Đôi” ra đời, bà con nhân dân vùng núi Đôi huyện Sóc Sơn - Hà Nội đã coi nhà thơ là đứa con đẻ của quê hương mình, và bạn yêu thơ, cả bà con nhiều nơi khác nữa thường đinh ninh nhà thơ Vũ Cao chính là người con trai trong bài thơ. Còn cô du kích đã hy sinh, hẳn phải là người yêu thương đến trọn đời của chàng trai ấy.
Nhà thơ Vũ Cao năm ấy (2002) đã bước sang tuổi tám mươi hai. Ở cái tuổi dường như mọi buồn, vui, được, mất của cuộc đời đã không còn quá quan trọng, đã không còn là suy nghĩ thường trực. Mà bấy giờ, khi đôi mắt tuổi già rưng rưng nhìn đồng đội một thời của mình tóc cũng đã bạc trắng, chân tay đã không còn xốc vác nhưng giọng cười điệu nói vẫn hệt như ngày nào là đã mừng lắm. Các lão đồng chí du kích hoạt động cùng thời với nữ du kích Trần Thị Bắc, nguyên mẫu cô du kích của bài thơ cũng đã không còn nhiều nữa. Họ quây quần, ôn lại những kỷ niệm xưa.
Những người lính trẻ chúng tôi, khi chứng kiến hình ảnh các lão du kích ở vào tuổi tám mươi, có người đã hơn chín mươi vẫn còn tráng kiện về tinh thần, về thể chất và cả tâm hồn nữa thì chợt thấy cay cay trong mắt. Và, cảm nhận rõ sự bền chặt, thắm thiết của những người tuy khác thế hệ nhưng chung một niềm tin, một lẽ sống ở đời.
Để làm phim chân dung về Vũ Cao, tôi khai thác chính yếu từ bài thơ Núi Đôi. Kéo nhau lên núi Đôi, lên tận đỉnh núi, sờ vào lô cốt. Năm ấy, Vũ Cao đã trên 80 tuổi còn leo núi khoẻ lắm, Văn Đa, Hồng Diệu, Xuân Thiều phải lè lưỡi phục cụ, cả bí thư thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Tân Chính cũng phục lăn. Cứ lừng lững như cây đồng trụ mà bước thì gấp rưỡi người thường. Hôm ấy có cả “cô gái trú mưa” cũng thượng sơn.
Ai bảo Vũ Cao không biết đóng phim là nhầm to. Đóng rất hay và xúc động. Trước đó tôi làm phim chân dung về họa sĩ Văn Đa, Mai Văn Hiến ông cũng đã “vào vai phụ” rất cừ. Cứ tự nhiên an nhiên “đi” vào các cảnh rất thần thái. Hôm trước ông bảo: “Các ông làm là chính đấy nhé. Tôi không biết phim phiếc gì đâu. Các ông cứ bảo gì tôi làm thế”.
Ghê thật. Hóa ra cụ thân thiết với mảnh đất núi Đôi - Sóc Sơn hơn tôi tưởng rất nhiều. Ở Sóc Sơn, thực ra dãy núi ở Đền Sóc Sơn, nơi ngài Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp bay về trời mới là núi lớn, có dáng dấp của núi non chứ núi Đôi nhỏ lắm, và thực tế là hai quả đồi nhỏ giống như ngực con gái mới lớn thế thôi mà bây giờ người cả nước, thậm chí cả thế giới lại biết nhiều hơn về cặp núi - đồi này, ấy là do thơ Vũ Cao.
Đến trường đoạn quay ở nghĩa trang mới là sự xúc động tột độ của ông. Người lính già tóc bạc phơ cao lớn đứng cúi đầu trước nấm mộ mà người nằm dưới từng là nhân vật của mình. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Vũ Cao khóc. Rất im. Rất khẽ. Chỉ hoa đại loang hương. Đoàn đang quay, đột nhiên có mấy người tiến đến ôm chầm lấy ông. Một người đàn ông đã già cứ ôm chặt ông nước mắt lã chã rơi xuống râu ria, rơi xuống lòng đất. Người đàn ông đi chân đất ấy chính là Trần Văn Nhuận, em trai cô du kích núi Đôi đã hy sinh Trần Thị Bắc. Tất cả sững người trước chi tiết đột biến này.
Hôm ấy nhà thơ Vũ Cao cho biết thêm về bài Núi Đôi, thực ra là ông tâm sự với chị Tố Hoa, người thể hiện bài thơ này. Ông bảo ngày ấy viết chả có ngẫm ngợi gì nhiều đâu. Câu chuyện thế thì viết thế. Viết tranh thủ vào ban đêm bên ngọn đèn dầu, trời rét lắm nên cứ chúi đầu vào đèn, muội bám đen ráo cả. Rét đến mức phải dùng cả đèn dầu để sưởi. Còn ngôi sao trên mũ à? Bộ đội thì phải có sao chứ. Đưa vào cho dễ phân biệt với du kích. Bây giờ thì dân quân du kích cũng có sao. Thế còn hoa trên đỉnh núi? Tôi chen vào câu chuyện. Nhà thơ chợt im lặng. Ông mơ màng dõi lên đỉnh núi xa...
“… Núi vẫn đôi mà anh mất em…”
Núi vẫn còn kia! Mà sự thật như là nghịch lý cứ hiện ra đùa cợt với con người, thách thức con người mặc thời gian xô đẩy, gạch xóa. Sức sống tiềm tàng của một bài thơ đôi khi thật đơn giản. Nhưng, ngoài cái đơn giản thông thường thì bao giờ nó vẫn ẩn chứa những lớn lao, hòa mình với cái chung từ cái riêng nhỏ bé, như những dòng sông nhỏ góp sức thành biển mênh mang.
Người nữ du kích ấy bây giờ nằm ở nghĩa trang Sóc Sơn, bình dị như những nấm mộ liệt sĩ có tên hoặc không tên mà hầu như bất cứ một vùng đất nào trên đất nước Việt Nam chúng ta đều bắt gặp. Chiến tranh! Vâng, dù chiến tranh đã đi vào quá vãng, những nỗi đau đã dần kéo da non thì chúng ta hôm nay vẫn thấy sự mất mát từ nó là quá lớn.
“… Ai viết tên em là liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng…”
Lời thơ ngân lên trong nước mắt.
Tôi đã nhiều lần mời nhà thơ Vũ Cao đến giao lưu với các bạn sinh viên đại học để chúng tôi ghi hình phát sóng. Tôi nhớ có một cuộc, khách mời là nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi đón anh Khoa và nhà thơ Vũ Cao bằng xe riêng của một người rất yêu văn nghệ - ông Bùi Ngọc Khôn. Nhà văn Lê Lựu đi xe riêng vì mới “đẻ ra” Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Mới đầu Lê Lựu nhận chở Vũ Cao nhưng tôi kiên quyết không đồng ý vì xe của Lê Lựu ngày ấy rất kém, đã từng đẩy bộ như xe tay những năm ba mươi, chỉ có điều khác là đẩy từ dưới lên. Hơn nữa vợ nhà thơ chỉ đồng ý khi tôi đón vì dạo ấy nhà thơ Vũ Cao đã yếu.
Tôi và anh Khoa kèm hai bên nhà thơ cao lớn như hai cậu vệ binh áp giải một ông Tây rẽ dòng xe máy sang đường. Anh Khoa bảo: “Bố to lớn quá. To như một quả núi biết đi” Vũ Cao chỉ tủm tỉm. Lên xe anh Khoa lại trêu: “Bố Cao này, bố vẫn còn khỏe gớm, cứ đà này có khi con “đi” trước bố”. Vũ Cao quay lại: “Đi đâu?” Anh Khoa bảo: “Đi sang thế giới bên kia. Con đã làm bài thơ “Giã biệt” đọc bố nghe nhé, đoạn anh Khoa ông ổng đọc làm ai cũng cười chảy nước mắt. Vũ Cao bảo: “Cái thằng Khoa này vẫn chứng nào tật ấy”.
Nếu ai cho rằng lên sân khấu giao lưu cùng với Trần Đăng Khoa và Lê Lựu thì mình khác gì hạt cát ném xuống biển, khác gì trong sân bóng đá lại đi giảng chính trị mà lo thay cho Vũ Cao thì rất nhầm. Vũ Cao hóm hỉnh vô cùng, lại nói rất giản dị, ngắn gọn và khéo léo lắm. Các bạn sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Văn và Đại học Sư phạm Hà Nội hẳn chẳng thể nào quên ông nhà thơ to lớn đầu trắng râu trắng mặt mũi quần áo trắng trẻo nói về tình yêu rất sâu sắc bên cạnh anh Khoa chả biết tình yêu là mấy cũng góp chuyện cho đỡ lép vế và Lê Lựu thì chỉ biết gật gù.
Rồi đến khi nhà thơ kể ra cái chuyện đi hỏi vợ cho Lê Lựu với tư cách lãnh đạo, tư cách trưởng đoàn cả hội trường mới cười như muốn vỡ ra. Vũ Cao lúc đó là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn Lê Lựu là biên tập viên. Ai đời đi hỏi vợ mà chính cái thằng chú rể cứ ngơ ngơ ngác ngác như người ngoài cuộc, hỏi gì cũng không biết để ông lãnh đạo phải mắng yêu: “Đến lần thứ hai rồi mà ông này vẫn chả có kinh nghiệm gì cả. Không biết rồi có nên cơm cháo gì không?”. Lúc ấy Lê Lựu gãi gãi cái đầu bò đầu bướu của mình lẩm nhẩm: “Anh ạ... anh ạ”.
Và những suy nghĩ, giản dị, sâu sắc như chính con người ông:
“Ta đã từng đói no
Nên quý từng hạt gạo
Ta chịu rét nhiều lần
Nên thương từng manh áo…”
Thì sự giản dị đó đã trở thành một triết lý sống ở đời, một triết lý không phải người nào cũng dễ dàng có được.
Nhà thơ Vũ Cao dành cả cuộc đời mình viết về người chiến sĩ. Đến bây giờ, khi xuống cơ sở, anh em chiến sĩ rất quý và kính trọng ông. Quý và kính trọng nhà thơ không phải vì ông là người nổi tiếng, không phải ông là một nhà thơ có tài hay có chức sắc mà họ quý ông từ sự gần gũi, sự ấm áp lan tỏa từ con người ông. Đến đơn vị, ông như thấy lại thời trai trẻ của mình. Cái thời ông cùng Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng, Từ Bích Hoàng, Mai Văn Hiến vừa cầm súng vừa làm báo, viết văn, làm thơ để có sự đóng góp quan trọng của tờ “Vệ quốc quân”; “Chiến sĩ sinh hoạt văn nghệ”; “Văn nghệ Quân đội”, với đời sống văn hóa - tinh thần của người chiến sĩ trong các cuộc kháng chiến.
Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, địa chỉ tin cậy của văn nghệ sĩ quân đội mà nhà thơ nữ Xuân Quỳnh từng bảo là trụ sở thứ 2 của Hội Nhà văn Việt Nam hôm ấy đón bàn chân quen thuộc của nhà thơ Vũ Cao, người đã từng có vài chục năm công tác ở đây. Chính ngôi nhà ấm cúng này, là nơi tụ hội của rất nhiều tài năng như Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, thì những người lãnh đạo những tài năng ấy phải có những biện pháp thật đặc biệt? Không! Chính các nhà văn nhà thơ dưới thời Vũ Cao làm phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều thấy được sự hết mình vì anh em vì tập thể của ông. Là thủ trưởng cơ quan, ông luôn ở căn phòng xoàng nhất, đồ dùng cũng chỉ dành cái cũ cái xấu cho mình. Thời đó, mỗi khi các nhà văn, nhà thơ đi B, tức là đi vào tuyến lửa, ông đến tận nhà riêng ân cần, thủ thỉ dặn dò như với người em ruột thịt. Bây giờ, khi còn lại một mình với những bức ảnh kỷ niệm của đồng đội thời chống Pháp, chống Mỹ bỗng thấy người chiến sĩ, nhà thơ Vũ Cao, người anh cả thân thiết trong gia đình Văn nghệ Quân đội đôi vai khẽ trùng xuống, im lặng, trầm ngâm.
Có những đồng đội của ông đã vì nhân dân vì dân tộc mà ngã xuống, không thể trở về nữa. Mỗi khi có một nhà văn hy sinh, thì dường như nỗi đau như nhân lên, xót lắm, tiếc lắm những Trần Đăng, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyễn Thi… Bởi họ là những tài năng không dễ gì ngày một ngày hai chúng ta tìm thấy được.
Chuyện nhà thơ Vũ Cao làm lãnh đạo Văn nghệ Quân đội. Cá nhân tôi không sao hiểu nổi ông đã làm gì để lãnh đạo toàn những nhà văn, nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy như ông “Đất nước đứng lên”, ông “Mảnh trăng cuối rừng”, ông “Mùa lạc”, ông “Mảnh đất lắm người nhiều ma”... cả ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ cũng từng là lính “Núi Đôi” nốt, lại một ông Xuân Sách làm thơ chân dung độc đáo nhất Việt Nam ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là lính của “Núi Đôi”. Và rất nhiều, rất nhiều tài năng văn chương khác nữa vừa là đồng nghiệp, đồng đội nhưng về lý vẫn là lính ông “Núi Đôi”. Một lần ông “Núi Đôi” cười rất tươi bảo tôi: “Lãnh đạo văn nghệ ấy mà, là không lãnh đạo gì cả. Thế đấy! Thế có ghê không”.
Ở con người nhà thơ Vũ Cao, sự giản dị như là bẩm sinh, đã thành tính cách. Bè bạn đến chơi với Vũ Cao thấy thoải mái như ở chính nhà mình. Ông hóm hỉnh từ cách nói, cách nghĩ mà vào thơ thật giản dị tự nhiên. Ấy thế mà trong thơ, sự tinh giản đó đã tự đắp lên những tượng lớn:
“… Mỗi bận về khuya
Tôi vẫn gặp anh bên cầu đứng gác
Như bức tượng vươn cao
Trên trời mây bạc
Gió sông một bóng một mình
Tôi qua rồi ngoảnh lại nhìn anh
Vẫn thấy bóng sông bóng cầu gió dội…”
Thì chúng ta có thể khẳng định, sự thành công của nghệ thuật đâu phải là sự cầu kỳ, rối rắm mà cốt ở tính chân thực, chân thực như hiện ra từ cuộc sống hàng ngày.
Nhà thơ Vũ Cao có tài viết người khác, việc khác như là nói việc về bản thân mình. Người bạn đời gắn bó với ông mấy chục năm có phải là cô gái cùng ông trú mưa trong bài thơ “Truyện dân gian” mà chữ mà câu cứ nối nhau quấn quýt tự nhiên như hơi thở:
“Cái duyên nghĩ cũng lạ lùng
Trú mưa một lát cảm thông một đời
Đến nay người ấy vẫn cười:
- Giá như buổi đó ông trời chẳng mưa!…”
Chặng đường một đời người một đời văn với nhà thơ Vũ Cao khá thuận chèo, xuôi mái. Bởi trong đời trong thơ ông luôn hướng đến với những người những việc thật bình thường. Chỉ có điều, ông luôn biết thổi những rung động máu thịt của người nghệ sĩ vào thơ và dâng tặng họ những gì từ công sức, máu xương của chính họ. Và, cũng từ những sự việc, con người bình thường ấy, đã làm lên Vũ Cao, nhà thơ - chiến sĩ, mà “Núi Đôi” đã là đỉnh cao của thơ ông.
Một dạo cũng đã xa, nhà thơ Vũ Cao không được khỏe, đặc biệt trí nhớ cũng giảm mạnh, tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải đến thăm, ông vẫn nhận ra, còn lấy bia mời uống nhưng khi tôi đặt lời mời ông đi giao lưu với các bạn sinh viên ông như lơ mơ không hiểu, cũng chẳng gật đầu hoặc lắc đầu. Vợ nhà thơ kể nhiều về sức khỏe của ông rồi nói “Ông ấy không đến được với bộ đội với sinh viên nữa là yếu lắm, là buồn lắm rồi các chú thông cảm”.
Nhà thơ Vũ Cao đã vĩnh biệt chúng ta được mấy năm. Tôi đã trở về ngôi nhà số 4. Xin coi bài viết nhỏ này là một nén tâm hương.