Dân Việt

2015 - Đổi mới hơn để vươn xa hơn: Bắt đầu chu kỳ phát triển

Hồ Hương (thực hiện) 01/01/2015 13:00 GMT+7
Đưa ra những cái nhìn có phần khắt khe về kết quả cải cách của nền kinh tế trong năm 2014, nhưng chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành (ảnh) vẫn hy vọng để từ đó có những cải thiện mạnh mẽ, rõ ràng hơn trong năm 2015.

Ông có thể đánh giá chung về kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, đặc biệt sau thông điệp đầu năm của Thủ tướng về sự đổi mới, cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa?

img

Chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Kiến Thành

- Tôi rất đồng tình với thông điệp đầu năm của Thủ tướng khi cho rằng, muốn đất nước phát triển, phải đặt mục tiêu hoàn thiện, đổi mới thể chế, trong đó có cả thể chế chính trị và đặc biệt là thể chế kinh tế lên hàng đầu. Tuy vậy, thực hiện được điều này không phải là dễ, không thể làm được chỉ trong vài năm. Nền kinh tế của chúng ta vẫn còn non trẻ, mới chập chững đi vào nền kinh tế thị trường.

Chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, theo đánh giá của tôi, năm 2014, Chính phủ đã có một số giải pháp mới nhằm cải cách về mặt cơ chế, chính sách giúp cung cấp tín dụng cho các vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, hay như việc đặt mục tiêu đáp ứng vốn cho hoạt động nông nghiệp. Các chính sách liên kết nhà nông, ngân hàng, doanh nghiệp (DN) cũng rất đáng chú ý. Điều này khiến cho việc tiếp cận vốn của DN và người dân bước đầu hợp lý hơn. 

img

Năm 2014, Chính phủ đã đẩy mạnh cho vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá.  Ảnh: Tàu vỏ sắt của ngư dân Đà Nẵng. 


Chẳng hạn về tiếp cận vốn, đã có cách hỗ trợ cho cộng đồng DN chậm được vay vốn qua các hỗ trợ, qua cam kết ưu đãi của Chính phủ. Hay như 6 lĩnh vực ưu tiên cũng được yêu cầu lãi suất vay phải mềm hơn… Đó là những định hướng mới về mặt chính sách nhằm tạo điều kiện để tín dụng có thể “chảy” đến lĩnh vực sản xuất. Hay như về lãi suất, năm 2014 cũng đã giảm nhiệt rất nhiều. Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm chỉ còn 5,5%, lãi vay cũng dao động ở mức 9 – 12%.

Vậy theo ông, còn những vướng mắc gì chưa được cải thiện một cách căn bản và cần phải nhanh chóng tháo gỡ trong năm 2015?

- Năm 2014 vẫn ghi nhận cộng đồng DN phải giải thể, phá sản hoặc cầm cự còn rất nhiều. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh cũng chưa thuận lợi như mong đợi. Cộng đồng DN nhỏ và vừa đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, song năm 2014, khu vực DN này vẫn đang gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Năm vừa qua, tỷ lệ lạm phát của ta xuống rất mạnh, một phần lớn là do chính sách tiền tệ quá khắc nghiệt đối với DN, những người cần thì không vay vốn được. Kinh tế đi xuống do cả cầu tín dụng và cầu tiêu dùng đều đi xuống. Đặt trong mối quan hệ tổng cầu, toàn nền kinh tế nghẹt lại, khiến giá đi xuống và lạm phát xuống. Đó là mặt hạn chế của nền kinh tế năm 2014.

Ông đánh giá thế nào về những bước đi tiếp theo trong năm 2015?

- Các thành phần kinh tế Việt Nam, mà cụ thể là các DN trong bản đồ kinh tế Việt Nam trong năm 2014, chỗ nào khỏe mạnh, chỗ nào bị ốm yếu, chỗ nào vẫn đang ngủ đông…, Nhà nước đưa ra các thông tin rất tích cực và minh bạch. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đang trong đà vượt qua sự mất ổn định về kinh tế vĩ mô, bắt đầu chu kỳ phát triển mới. Nhưng ta phải xem lại và đẩy nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa công cuộc cải cách, hoàn thiện thể chế như Thủ tướng đã khẳng định. Cộng đồng DN, như tôi nói ở trên, vẫn rất khó khăn và đang rất mong đợi những cải cách mang tính đột phá hơn từ Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!