Dân Việt

Bài chòi và tín ngưỡng thờ Mẫu chờ xướng tên

Mai An 04/01/2015 09:36 GMT+7
Tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã có 20 di sản thuộc 3 nhóm loại hình vật thể, phi vật thể, tư liệu được UNESCO công nhận. 

Thông tin Bộ VHTTDL và các địa phương, còn nhiều di sản đang đợi để làm hồ sơ trình UNESCO. Về di sản thiên nhiên, Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng) và quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã được Bộ VHTTDL đồng ý cho lập hồ sơ đề cử là di sản thiên nhiên thế giới. Ở loại hình phi vật thể, nghệ thuật hát then của dân tộc Tày, xòe Thái Tây Bắc, nghệ thuật bài chòi (Bình Định), tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, lễ Quá tang (Cấp sắc) của dân tộc Dao (Yên Bái)… cũng đang xin được lập hồ sơ.

img
Bài chòi đang có cơ hội lớn được UNESCO vinh danh.    I.T

 

Giai đoạn trước mắt, trong số các ứng cử viên đang chờ để trình hồ sơ, có 2 hồ sơ nhiều khả năng được ghi danh nhất là “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” và “Nghệ thuật bài chòi của các tỉnh Nam Trung Bộ”. Theo văn bản của Bộ VHTTDL gửi Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, được sự cho phép của Thủ tướng về danh sách di sản văn hoa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012 – 2016, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” đệ trình UNESCO xét đăng ký vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 2015. Đến nay hồ sơ đã hoàn thành.

Còn hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi của các tỉnh Nam Trung Bộ” cũng đã được đưa vào danh sách đệ trình UNESCO trong năm 2015. Theo kế hoạch, chậm nhất là 31.3.2015, hồ sơ của di sản này phải được hoàn thành và chuyển tới UNESCO - trước khi chờ kết quả chính thức vào năm 2016.

Việc xây dựng hồ sơ di sản không phải dễ dàng, bởi từ trước tới nay đã có nhiều hồ sơ bị trả lại vì không đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO như hồ sơ Vườn quốc gia Cúc Phương (1991), cố đô Hoa Lư (1991), chùa Hương (1991), bãi đá cổ Sa Pa (1997), hồ Ba Bể (1997).

Tuy nhiên ông Phan Đình Tân- người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết: “Việc xây dựng hồ sơ di sản cũng là một dịp để các chính quyền địa phương nơi sở hữu di sản và người dân ý thức được việc phải bảo tồn, giữ gìn vốn quý của cộng đồng mình, bởi vậy chắc chắn nó cũng đã mang đến những tác dụng tích cực cho di sản.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, chắc chắn việc xây dựng hồ sơ di sản phải siết chặt để tránh dàn trải, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào những di sản thực sự cấp thiết, cần phải làm hồ sơ đệ trình ngay”.