Tết âm lịch thường trùng vào cuối tháng Một hoặc tháng Hai dương lịch, là những lúc cây tiêu huyền trước cổng Sứ quán Việt Nam ở phố Boileau (Paris) phơi ra những cái búp non như nắm tay trẻ con, chỉ đợi nắng lên là xòe nở. Trong cái giá rét sau Noel và tết dương lịch, bà con cô bác người Việt hồ hởi cùng chuẩn bị cho ngày gặp gỡ đầu xuân.
Vừa làm, mọi người vừa đua nhau kể về những kỷ niệm ngày còn trong nước, có người cao hứng đọc thơ hoặc hát cải lương. Công việc xong sớm cũng phải 6, 7 giờ, có năm phải đến 9 giờ tối. Ngoài trời rét 4-5 độ, có năm tuyết rơi như mưa, nhưng trong lòng ai cũng cảm thấy có ngọn lửa ấm áp vô cùng.
Nem chỉ là một món, sứ quán còn phải nhờ bà con chuẩn bị nhiều món khác, hội công nhân lo món nộm gà xé phay, hội thương gia làm món tôm bọc vừng… Ngày trước, khi Hàng không Việt Nam chưa có điều kiện giúp đưa bánh chưng, hành nén từ trong nước sang, cô bác còn giúp gói cả bánh chưng, có người từ những tỉnh xa như Marseille, Bordeaux còn chở hàng xe bánh chưng lên góp.
Những chiếc bánh chưng ấy chỉ gói bằng một lớp lá chuối mỏng mà như đã gói ghém tất cả những tấm lòng yêu quý, hiếu thảo với quê hương đất nước của bà con. Nhiều bác mải lo bếp núc và bày cỗ cho đến tận giờ khai mạc mới vội vàng mặc áo dài, comple lên dự, ôm các bác mà tôi vẫn thấy mùi thức ăn còn vương trên mái tóc bạc.
Càng gần ngày tết, không khí chuẩn bị càng náo nức. Có người mải công việc đã chiều 30, vội vàng đi mua bộ comple đen giá 3.000 quan mặc luôn từ cửa hiệu về thẳng Sứ quán đón tết. Thiếu nữ thì rủ nhau may áo dài từ trước hàng tháng, tội một nỗi không thể chỉ mặc riêng áo dài vì thời tiết thường quá lạnh.
Đến Sứ quán đón tết, có bác dắt theo 3 con gái kèm theo 3 chàng rể tây cao lớn - đối với họ thì tết bên vợ là một đêm hội tưng bừng. Tội nhất là những cô bác không tìm được chỗ đỗ xe. Bà con đến Sứ quán thường đi tàu điện ngầm. Những người đi ô tô phải vòng mấy lượt ở những phố chung quanh, tìm được chỗ đỗ quay lại thì phòng tiệc đã chuyển sang phần văn nghệ, nhưng còn gì vẫn ăn rất vui vẻ. Nhiều cô bác đi hàng trăm cây số về dự tết, lúc vào tiệc hỏi lấy phần đem về, hồn nhiên gắp nửa cái bánh chưng, mấy củ dưa hành gói lại bỏ vào túi dành làm quà cho người ở nhà, cảm động không khác gì đi giỗ chạp, cỗ họ ở quê.