Dân Việt

Người thầy bước ra từ bóng tối

Phong Anh 01/01/2015 08:12 GMT+7
Tương lai đang rạng ngời phía trước thì bỗng chốc Nguyễn Trung Thành, sinh năm 1981, trú tại xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang bị bắt và bị kết án 12 năm tù giam về tội môi giới hối lộ.

 Mọi thứ như sụp đổ dưới chân, Thành nhiều lần đã muốn tự kết liễu đời mình cho xong. Nhưng rồi khi ngộ ra rằng mình phải sống để sửa chữa lỗi lầm, anh đã không ngừng phấn đấu. Giờ đây, anh đã là giảng viên Khoa tiếng Anh của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

img

Cú vấp đầu đời

Vóc người bé nhỏ, ăn nói hoạt bát và rất có duyên là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Trung Thành. Hỏi thầy Thành rằng, có khi nào thầy muốn xóa bỏ ký ức về một thời lầm lỗi của mình không thì thầy lắc đầu bảo: "Mình đã mắc sai lầm nhưng chưa khi nào mình muốn cắt bỏ quãng thời gian ấy ra khỏi quỹ đạo sống của mình. Bởi chính thời gian sống trong trại giam đã cho mình rất nhiều trải nghiệm. Và công việc làm Trưởng ban quản lý phạm nhân đã giúp mình có được sự tự tin khi đứng nói trước nhiều người".

Có trò chuyện và tâm sự cùng người giảng viên trẻ này mới hiểu, anh chưa bao giờ chạy trốn quá khứ. Sau này, khi đã được là giảng viên chính thức của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, trong những bài giảng của mình với sinh viên, anh luôn nhắc nhở các em phải có lập trường vững chắc, không nên vì cái lợi nhỏ mà bỏ đi một tương lai lớn.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thành là con út trong gia đình có ba anh em. Nhà tuy nghèo nhưng Thành luôn nỗ lực học tập để theo đuổi giấc mơ vào đại học. Năm thứ nhất thi trượt, Thành tiếp tục ôn thi. Không có tiền trang trải học phí, cậu học trò Nguyễn Trung Thành đã phải làm sáo trúc để bán. Năm thứ hai, Thành thi đỗ vào Khoa tiếng Anh, Trường đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ miền quê nghèo Bắc Giang lần đầu tiên đặt chân xuống Thủ đô Hà Nội, với cậu học trò nghèo mọi thứ đều bỡ ngỡ. Vì không muốn bố mẹ phải vất vả vì mình, Thành đã xin đi làm thêm tại Bảo tàng dân tộc học. Khi đã thỏa nguyện giấc mơ đại học, Thành lại nghĩ thương những bạn bè, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tự cậu đã kết nối với nhiều sinh viên khác thành lập nên Quỹ khuyến học. Sau này quỹ đó đã giúp đỡ được rất nhiều học sinh nghèo vượt khó.

Một buổi lên lớp của thầy Thành
Một buổi lên lớp của thầy Thành .

 

Năng động từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường nên khi tốt nghiệp đại học, Thành quyết định "Nam tiến" để thử sức mình. Anh tâm sự: "Mình nghĩ môi trường làm việc trong Nam quyết liệt hơn nên nếu vào làm trong đó mình sẽ sớm trưởng thành. Nhưng không thể ngờ đó là nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc mọi ước mơ của mình".

Với kết quả học tập loại ưu, Thành không khó khăn gì để được nhận vào làm thông dịch viên của một công ty đầu tư xây dựng khu du lịch tại Nha Trang. Và chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực làm việc, Thành đã chứng tỏ được năng lực của mình nên nhanh chóng được kiêm chức trợ lý giám đốc.

"Có thể nói mọi thứ dường như quá suôn sẻ đối với mình. Vừa ra trường đã được đảm nhiệm những vị trí mà nhiều người mơ ước, mình cũng không tránh được choáng ngợp. Vậy mà khi mình gọi điện về khoe với bố, bố đã khuyên mọi thứ cứ nên từ từ con ạ. Lúc đó mình chỉ thấy bố "lẩm cẩm" nhưng sau khi mọi chuyện xảy ra, mình mới thấm thía" - anh chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, có lần Thành phải làm thông dịch cho một chủ đầu tư nước ngoài với một quan chức tại Khánh Hòa để thực hiện việc hối lộ một số tiền rất lớn. Sau này khi sự việc bị bại lộ, cùng với đường dây đưa, nhận hối lộ ấy, Nguyễn Trung Thành đã bị bắt và bị kết án 12 năm tù giam với tội danh "môi giới hối lộ".

Quá khứ chính là bài học quý

Không thể tả hết được cảm giác của Nguyễn Trung Thành khi bị bắt. Tương lai rạng rỡ giờ vỡ tan như bong bóng xà phòng. Vừa mới hôm qua thôi anh là niềm tự hào vô bờ bến của bố mẹ nhưng hôm nay khi khoác trên mình chiếc áo kẻ sọc, Thành lại chỉ ước mình chết đi để bố mẹ khỏi khổ. Những ngày đầu thụ án tại Trại A2, tỉnh Khánh Hòa, Thành sống mà như chết.

"Thời điểm đó mình chỉ ao ước giá có thể chết thì mình sẽ chết ngay cho bớt nhục. Thế nhưng, một anh ở cùng buồng giam đã bảo với mình: "Là một thằng đàn ông, có gan làm thì phải có gan chịu, phải biết thay đổi để mà tồn tại". Quả là khi nghe anh ấy nói thế mình như bừng tỉnh. Mình nghĩ, họ còn bị kết án tới chung thân sao họ vẫn sống vui vẻ được, vậy thì mình chả có lý do gì để chán sống".

Những ngày đầu trong trại, Thành được bố trí làm trong đội may. Mọi chuyện sẽ vẫn là như thế nếu không có một đêm khuya thanh vắng, cả trại giam tĩnh lặng bỗng đâu nghe tiếng sáo thổi vi vu. Hỏi ra mới biết đó là tiếng sáo của phạm nhân Nguyễn Trung Thành. Điều đặc biệt là, cây sáo đó được làm bằng nguyên liệu giấy và xà phòng thơm.

img
"Chỉ có chính bản thân mình mới cứu được mình" - thầy Thành chia sẻ quan điểm sống .

 

"Ngày trước mình đã từng làm sáo bán lấy tiền đóng học, trong này buồn, muốn làm một khúc sáo thổi cho vui. Thế nhưng theo quy định của trại giam, phạm nhân không được mang những vật nhọn, cứng, sắc vào trại giam nên muốn làm sáo là điều không thể. Nhưng rồi mình đã nghĩ ra một cách là quấn báo thành cái ống phía trong, bên ngoài mình cắt gọt bánh xà phòng thơm Lifeboy chát thành hình cây sáo. Vậy mà không ngờ lại thổi ra âm thanh" - anh Thành nhớ lại.

Cũng nhờ có tài lẻ đó, một phạm nhân khác đã giới thiệu Thành với cán bộ trại giam, anh ta bảo Thành có tri thức, thông thạo tiếng Anh, máy tính. Sau khi được "tiến cử", Thành được cán bộ trại thử khả năng và sau đó cho làm Trưởng ban quản lý phạm nhân. Anh tâm sự: "Làm công việc đó không hề đơn giản chút nào. Trại giam A2 chủ yếu là người Nam, còn mình là người Bắc. Chỉ nói riêng về ngôn ngữ và phong tục cũng đã khác nhau rồi. Thế nên mình đã phải học hỏi rất nhiều từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán. Và cái quan trọng nhất là gần gũi để nắm bắt tâm tư tình cảm của các phạm nhân".

Hầu hết những ngày thứ hai đầu tháng, Thành lại được đứng trước hàng ngàn phạm nhận để chia sẻ cảm xúc và nói những lời động viên chân thành với họ. Nhiều người đã nghe lời Thành hơn nghe lời cán bộ. Anh kể: "Có lần, có một phạm nhân người Khánh Hòa bị bắt vào trại vì tội buôn bán ma túy. Thụ án nhưng bị người thân bỏ mặc, anh này sinh ra quẫn, luôn tìm cách dọa chết và chửi cán bộ trại giam.

Một lần, anh ta cầm lăm lăm chiếc dao lam trên tay, sau đó đưa ra các yêu sách. Anh ta bảo rằng nếu không thỏa mãn các yêu sách đó thì anh ta sẽ cắt tay tự vẫn. Nhiều cán bộ của trại khuyên bảo nhưng anh ta không nghe và đuổi ra hết. Đến khi mình lại gần và nói: "Anh bình tĩnh. Anh cứ bỏ lưỡi dao lam xuống rồi lên phòng uống nước chè với em. Anh yêu cầu gì em sẽ nói lại với cán bộ cho anh. Sau một lúc thuyết phục, anh ta đã chịu theo tôi về phòng".

Trong trại giam mỗi người mỗi tài nên Thành nói mình học được rất nhiều nghề. Nào là đục đẽo tượng, nào là nhạc, họa… Đó cũng chính là những kỹ năng trang bị cho Thành làm lại cuộc đời.

Và trở thành giảng viên đại học

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Thành chia sẻ: "Khi bị bắt và phải cải tạo, mình đã phải gạt đi một số nghề mà mình nghĩ sau này dù ra trại mình cũng không thể nào chạm tới được. Vậy mà không thể ngờ rằng có một ngày mình lại trở thành một giảng viên".

Nhờ thành tích cải tạo tốt nên chỉ sau hơn 3 năm, Thành đã được trở về với thế giới tự do. Công việc đầu tiên Thành làm khi trở về hòa nhập với xã hội là mở một quán phở ngay cạnh cổng Học viện Cảnh sát. Bạn bè biết nên thường xuyên ghé qua đây ăn phở để ủng hộ anh. Dù việc buôn bán khá suôn sẻ nhưng chưa bao giờ Thành nghĩ đây sẽ là công việc lâu dài của mình. Nó chỉ là bước đệm để Thành có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và tìm cách "tìm lại chính mình".

Cuối cùng, cơ hội đã đến. Một người bạn học đại học trước kia, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đến quán và kể với Thành rằng trường đang tuyển giảng viên thỉnh giảng. Anh đã động viên Thành cứ nộp hồ sơ và tham gia thi tuyển. Nghe lời bạn, Thành cũng làm nhưng không bao giờ dám hy vọng. Một phần vì Thành không học qua sư phạm, phần khác Thành thấy mặc cảm vì lý lịch của mình.

"Trước ngày thi mình lo lắng hồi hộp lắm. Vậy mà không ngờ khi đứng trên bục giảng, mình lại tự tin đến vậy. Tiết học trôi qua rất hào hứng, tự nhiên và gần gũi. Các bạn sinh viên ủng hộ rất nhiệt tình. Mình nghĩ, để có được sự tự tin đó chính là nhờ những ngày làm Trưởng ban quản lý phạm nhân khi còn trong trại giam" - thầy Thành chia sẻ.

Sau hai năm thỉnh giảng, tháng 8/2012, thầy Nguyễn Trung Thành đã chính thức trở thành giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nơi này không chỉ mang lại cho thầy sự tự tin để làm lại từ đầu mà còn mang đến cho thầy một người vợ ngoan hiền, xinh đẹp.

Thầy Thành tự hào khoe: "Vợ mình chính là sinh viên của mình đấy. Cô ấy bảo thầm yêu trộm nhớ mình từ những bài giảng dí dỏm và nhất là cái cách mình không lảng tránh những lỗi lầm của quá khứ". Có lẽ đó chính là phần thưởng xứng đáng cho một người mắc sai lầm nhưng đã nỗ lực hết mình để sửa chữa lỗi lầm và vươn lên hướng thiện như thầy giáo Nguyễn Trung Thành.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó chánh văn phòng Trường đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Trong đợt tuyển giảng viên thỉnh giảng, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ đã tuyển lựa rất kỹ càng và khắt khe. Thầy Nguyễn Trung Thành đã vượt qua được nhiều ứng viên khác và trúng tuyển.

Từ đó đến nay, thầy Thành luôn chứng tỏ được năng lực của mình và được các em sinh viên yêu quý, tôn trọng. Còn về sai lầm của thầy Thành thì nó đã thuộc về quá khứ. Trong mỗi chúng ta ai cũng có thể mắc sai lầm. Điều quan trọng là chúng ta có biết sửa sai hay không. Nếu cứ mãi nhìn về quá khứ thì những người đã từng mắc sai lầm không khi nào có cơ hội để trở lại làm người tốt.