Dân Việt

Nỗi ám ảnh kinh hoàng của những kẻ phạm tội giết người

04/01/2015 08:16 GMT+7
Không có bản án nào nặng nề bằng bản án lương tâm, bằng nỗi ám ảnh tội lỗi đeo bám suốt đời những kẻ phạm tội.

Ám ảnh nặng nề đeo bám những kẻ giết người thân

Như Báo CAND đã đưa tin, chiều 26.12.2014, 1 tuần sau khi dùng ghế phang chết chị Nguyễn Ngọc Ánh T tại nhà riêng, đối tượng Cao Xuân Quát (chồng nạn nhân, 24 tuổi, trú tại ngõ 126, đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã đến cơ quan công an đầu thú.

img
Đối tượng Cao Xuân Quát tới cơ quan công an đầu thú sau khi gây cái chết cho vợ.

Trước khi ra đầu thú, Cao Xuân Quát đã trải qua hành trình trốn chạy tội lỗi suốt từ Bắc đến Nam, đến nơi nào hắn cũng tìm tới đền, chùa để ăn năn sám hối, cầu siêu cho người vợ xấu số đã bị hắn cướp đi sinh mạng.

Tại cơ quan điều tra, Quát khai, suốt trong những ngày trốn chạy, hắn luôn bị ám ảnh về những ngày tháng hạnh phúc, nụ cười, và câu nói cuối cùng của vợ “chồng ơi, vợ yêu chồng nhất trên đời mà Quát ơi",  khiến Quát mất ngủ và khóc nhiều đêm. Đăng trên Facebook cá nhân với nickname Quát Quằn Quại, lúc đang trốn vào TP Hồ Chí Minh, Cao Xuân Quát đã tự thú:

img
Status trên FB của Quát với nick name Quát Quằn Quại.


Tôi là kẻ giết người, là một thứ không xứng ngang với súc vật... Bên tai tôi luôn nghe thấy tiếng “chồng ơi, vợ yêu chồng nhất trên đời mà Quát ơi".

Từ hôm đó đến giờ, không lúc nào tôi ngủ được, không phải vì sợ, vì lúc nhắm mắt lại không phải nhìn thấy khuôn mặt đầy máu của vợ mà lại là những hình ảnh vợ đang vui cười. Mỗi lần như thế nước mắt lại chảy ra.

Hay các lời tự sự trên Facebook như: Tôi đang trốn chạy, không phải vì sợ bị công an bắt, không phải sợ ngồi tù vì ngồi tù nhiều năm, hay chung thân cũng chả đền được tội tôi gây ra. Nếu tôi sống cũng chỉ là một gánh nặng…

Kết thúc cho 1 tuần trốn chạy mà vẫn không thể thoát khỏi sự ám ảnh, dằn vặt bởi tội lỗi tày trời của mình, Cao Xuân Quát đã trở về đầu thú, chịu hình phạt của pháp luật. Nhưng có lẽ, với Cao Xuân Quát không có một hình phạt nào nặng nề hơn bản án lương tâm sẽ còn đeo đẳng, dằn vặt Quát suốt đời, nhất là khi sau này con trai của Quát lớn lên, nó sẽ ra sao khi biết chính người cha ruột đã cướp đi cuộc sống của mẹ nó?

Còn với Lê Thị Như Quỳnh (39 tuổi), giáo viên một trường của huyện vùng cao tại tỉnh Lạng Sơn, đã gần chục năm trôi qua kể từ cái ngày “định mệnh” cùng gã nhân tình Nguyễn Thanh Tâm, (46 tuổi), trú cùng địa phương ra tay sát hại con ruột.

Chỉ vì tình yêu làm cho lú lẫn, Quỳnh lập kế hoạch cùng người tình giết đứa con vô tội của mình. Đã gần 10 năm thụ án, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày Quỳnh phải sống trong day dứt, ân hận. Mỗi khi màn đêm buông xuống, Quỳnh lại bị ám ảnh bởi tiếng văng vẳng đòi cơm của con trai và cảnh tượng Quỳnh đứng trên bờ vô cảm nhìn nhân tình dìm con mình xuống làn nước lạnh.

Sau khi ly hôn chồng, luôn bị người tình “trách móc” con trai riêng Nguyễn Thế Bảo chính là “kẻ phá đám”, đồng thời còn ra điều kiện rằng, muốn tình yêu của hai người đi đến hôn nhân thì cháu Bảo phải không được hiện diện trong căn phòng của họ. Yêu đến ngu muội, lú lẫn, Quỳnh đã nghĩ ra kế sách giết chết con mình. 

Để làm được việc đó, Tâm đi mua thuốc ngủ đưa cho Quỳnh nghiền nhỏ rồi hòa vào nước, đưa cho bé Bảo uống. Sau khi thuốc ngấm, Quỳnh cùng người tình bế bé Bảo thả xuống mương nước. Vì thuốc ngủ chưa ngấm sâu, nên khi vừa chạm nước lạnh, bé Bảo bừng tỉnh vùng vẫy, la hét. Tâm liền nhảy xuống dìm bé cho đến lúc chết hẳn. Sau khi gây án, Quỳnh và Tâm về phòng ngủ tiếp.

Với tội ác trời không dung, đất không tha, Tâm bị kết án tử hình, còn Quỳnh nhận mức án tù chung thân.

Tuy không bị kết án tử hình nhưng giờ đây với Quỳnh, mỗi một ngày qua đi là một ngày Quỳnh sống trong ám ảnh, giày vò.

Quỳnh tâm sự: “Cuộc đời tôi coi như hết rồi. Giờ đây, tôi không mong sự tha thứ của người thân, càng không mong được người thân thương hại. Bởi hành vi tội ác của tôi là không thể nào gột rửa được. Nếu như có một ngày được hoàn lương, làm lại cuộc đời, tôi sẽ đến mộ con trai để thắp nén nhang hối lỗi”. Đó là những lời sám hối mỗi ngày của Lê Thị Như Quỳnh trong thời gian thụ án ở trại giam.

Lương tâm thức tỉnh đối diện với quá khứ tội lỗi

Trường hợp của Đỗ Trọng Sơn (27 tuổi), trú tại Sóc Sơn, Hà Nội, gây ra vụ giết người, cướp tài sản bất thành cách đây 10 năm. Đã 10 năm đã trôi qua, chưa giây phút nào Sơn thôi ám ảnh về tội lỗi mà anh ta gây ra khi mới bước vào tuổi 17.  Sơn đã dùng dao đâm người phụ nữ, với mục đích cướp tiền, mặc cho bà van xin nhưng anh ta vẫn không dừng cho đến khi dao gãy lưỡi.

May mắn, người phụ nữ được dân địa phương phát hiện và đưa cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Sau đó, Sơn đã bị bắt và bị TAND Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù về tội Giết người và Cướp tài sản.

Ánh mắt giận dữ của nạn nhân trong phiên xét xử luôn ám ảnh Sơn suốt quá trình thụ án. Hưởng ứng cuộc thi viết thư xin lỗi dành cho các phạm nhân, Sơn đã viết lá thư xin lỗi gửi cho bà Nguyễn Thị Tác - người mà anh ta suýt tước đi sinh mạng.

Nhận được là thư xin lỗi với những lời sám hối thành thực từ đáy lòng của kẻ đã từng tìm cách sát hại mình cách đây 10 năm, bà Tác đã lên tận trại giam thăm, gặp Sơn. Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt. Nước mắt ân hận, vui sướng của kẻ từng gây ra tội ác nay được thứ tha và nước mắt thương cảm của người đàn bà giàu lòng vị tha đối với kẻ đã từng thủ ác với mình.

Hay mới đây là trường hợp Chu Văn Thân (25 tuổi), ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đến Công an phường Long Bình (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tự thú là thủ phạm đâm trọng thương lái xe ôm Nguyễn Như Hải (ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) nhằm cướp tài sản khoảng 3 năm trước đây. Đồng phạm và cũng là đồng hương với Thân là Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi).

img
Đối tượng Chu Văn Thân đầu thú tại cơ quan công an sau 3 năm gây án.

Do túng tiền tiêu, ngày 9.10.2011 Thân bàn với Tuấn Anh rủ nhau đi cướp tài sản. Tối cùng ngày, 2 thanh niên đến bến xe buýt Long Biên (Hà Nội) thuê anh Nguyễn Như Hải trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội chở về phường Bồ Đề với giá 40 ngàn đồng. Khi đến đoạn đường vắng người thuộc phường Bồ Đề, Thân rút dao đâm nhiều nhát vào cổ người lái xe. Bị tấn công bất ngờ, nạn nhân cố vùng chạy, hô hoán khiến 2 kẻ gây án bỏ chạy.

Tiếp nhận thông tin người bị hại, Công an quận Long Biên, Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra, song không thu được kết quả. Đầu năm 2012, cơ quan Công an quyết định tạm đình chỉ vụ án vì quá thời hạn điều tra mà chưa làm rõ được hung thủ.

Về phần Thân và Tuấn Anh, sau khi truy sát hụt lái xe ôm, 2 tên bỏ về Nghệ An lẩn trốn. Sau này, Thân đi làm ăn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, Tuấn Anh cũng lưu lạc làm ăn, mỗi người một nơi. Nhưng với Chu Văn Thân, hành động tội lỗi đó luôn ám ảnh khiến anh ta day dứt, nên Thân quyết định đến cơ quan công an đầu thú.

Còn rất nhiều vụ án, nỗi ám ảnh, sự ăn năn hối hận đã đeo bám kẻ phạm tội, cho dù nhiều vụ việc xảy ra đã nhiều năm tưởng chừng đã bị lãng quên, hay có những vụ vẫn chưa bị phát giác. Nhưng lương tâm đã thức tỉnh chính những người phạm tội, dẫn dắt họ tìm về với con đường thiện, xin ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhưng điều quan trọng hơn với họ là được trút bỏ gánh nặng tội lỗi, tìm về với sự thanh thản của tâm hồn.