Dân Việt

Độc đáo hội cầu may “bông cơm, quả lúa”

Trần Quang 05/01/2015 08:00 GMT+7
Cứ 3 năm một lần, vào tháng 11 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, trên rừng hoa mơ, hoa mận bắt đầu bung nở trắng xóa, đồng bào Mường ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) lại nô nức vào hội rước kiệu cầu “bông cơm, quả lúa” (lễ hội cầu may).

Chúng tôi được chứng kiến lễ hội cầu may của bản Sau (xã Kỳ Phú), tổ chức vào ngày 31.12.2014 (tức ngày Tý mồng 10 tháng 11 âm lịch). Ông Đinh Văn Mộc – Bí thư Chi bộ bản Sau cho biết: Lễ hội rước kiệu cầu may có truyền thống hơn 600 năm nay, cầu cho mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh. Đây được coi là bản sắc độc đáo của người Mường tại Ninh Bình mà không dân tộc nào có được”.

Được biết, những năm trước, qua thời gian, lễ hội cầu “bông cơm, quả lúa” bị mai một rồi mất dần. Nhưng những năm gần đây, lễ hội đã được phục dựng, tuy những trang phục, đồ thờ… có những thay đổi, nhưng các nghi lễ thì vẫn được giữ nguyên nét cũ.

img
Thầy làng Đinh Văn Cân - người có uy tín trong bản - làm lễ tại đền Phủ Ruộng (bản Sau) để báo cáo, tạ ơn thượng thần đã cho mùa màng bội thu. 

img
Nghi thức không thể thiếu trong suốt lễ rước kiệu là đánh chiêng cổ, với bộ chiêng đồng của bản gồm 7 chiếc có niên đại hơn 600 năm.

img
Thanh niên được chọn để khiêng kiệu đều là trai tinh (chưa vợ) có sức khỏe dẻo dai, biết xử lý những tình huống kiệu xoay, giữ cho kiệu đi đúng đường.

img
Đoàn kiệu đi qua đền thờ Thành hoàng làng; đền thờ 3 vị có công dựng nước và giữ nước, có công với làng; cuối cùng rước về đình thượng làm lễ.

img
Hai thanh trúc nhỏ là vật dụng để thầy làng xin âm dương trước khi đi rước các thượng thần (nếu 2 thanh trúc được tung xuống mâm 1 sấp, 1 ngửa, được coi thượng thần linh ứng đồng ý).

img
Sau khi xin âm dương, được thượng thần đồng ý lễ hội mới kết thúc. Mọi người ngồi quây quần vừa ăn vừa đánh dang, nói vè...