Dân Việt

Bằng ĐH mất giá - Bài 1: Học xong rồi... thất nghiệp!

05/01/2015 09:10 GMT+7
Không chỉ ngành kinh tế, xã hội mà cả sinh viên kỹ thuật cũng chung cảnh thất nghiệp.

LTS: Theo thống kê của Bộ LĐ- TB&XH, tính tới quý III-2014, cả nước có 174.000 người có trình độ đại học (ĐH) và trên ĐH thất nghiệp. Ngoài ra, có 750.000 lao động có trình độ ĐH đang làm các công việc có yêu cầu thấp hơn ngành nghề được đào tạo. Trước thực trạng trên, các nhà nghiên cứu giáo dục và chuyên gia việc làm cảnh báo nguy cơ nhu cầu nhân lực ĐH đã bão hòa, bằng ĐH đang mất giá.

Những cử nhân tìm việc cho biết nhà tuyển dụng không còn coi trọng bằng ĐH mà chủ yếu yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng và tác phong, thái độ làm việc. Tuy nhiên, những đòi hỏi này hầu hết sinh viên đều không được trang bị kỹ trong nhà trường. Đây chính là nguyên nhân đẩy các cử nhân vào những cuộc đua “marathon” xin việc đầy nhọc nhằn…

Cử nhân kinh tế làm thợ may

Tốt nghiệp ĐH hơn ba năm nay, chị Đỗ Thùy Phương (khoa Kinh tế học Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với ngành học. Để không phải lệ thuộc gia đình, hai năm nay Phương xin làm công nhân may cho một công ty nước ngoài ở TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Nói về quá trình nhọc nhằn đi xin việc thời gian qua, Phương không cầm được nước mắt. Từ ngày tốt nghiệp, Phương đã xin việc ở hơn chục công ty nhưng không nơi nào nhận. Xin vào một ngân hàng thì nơi này đòi phải có kinh nghiệm hai năm làm tín dụng, yêu cầu quá khó với một sinh viên vừa ra trường. Phương đành xin vào làm ở một công ty sản xuất bánh kẹo. Bộ phận nhân sự của công ty đang cần người nhưng hồ sơ của Phương bị đánh rớt vì không có kiến thức về quản lý nhân sự. Công ty thứ ba Phương tìm đến đòi phải có nghiệp vụ và kinh nghiệm kế toán… Cùng đường, Phương phải xin làm nhân viên bán hàng các loại dầu gội cho một công ty, lương hưởng theo sản phẩm. Vì phải đi nhiều, hoa hồng ít, thấy cực quá nên chị nghỉ và quyết định đi làm công nhân may một thời gian rồi tính tiếp.

img 
Việc sinh viên ra trường phải “gác” bằng cấp để đi làm công việc khác đã trở nên phổ biến. Trong ảnh: Đăng ký tìm kiếm việc làm ở Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương. Ảnh: P.ANH. Đồ họa: H.LOAN

 

“Nếu được chọn lại, mình sẽ không học ngành này. Tiếng là cử nhân kinh tế học mà đi xin việc như “rải truyền đơn” qua nhiều công ty nhưng cũng không có nơi nào nhận. Họ đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, chứng chỉ ngoại ngữ này nọ trong khi nhà trường đâu có trang bị kỹ cho sinh viên những kiến thức này. Cuối cùng mình phải làm công nhân, uổng bốn năm học” - Phương ngậm ngùi.

“Cả lớp đều làm trái nghề”

NTV tốt nghiệp khoa Địa lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đến nay cũng chưa xin được công việc đúng ngành học sau hai năm tốt nghiệp. Hiện V. đang làm nhân viên trực tổng đài cho một công ty điện thoại để nuôi sống bản thân. V. tâm sự bạn quyết định chọn thi vào khoa Địa lý vì người tư vấn nói học ngành này có thể ra làm giáo viên, khảo cổ, hướng dẫn viên du lịch hoặc khí tượng thủy văn. Khi học đến năm ba, khoa phân ngành, V. chọn hướng dẫn viên du lịch vì bạn thật sự yêu thích ngành học này.

Tuy nhiên, khi ra trường V. mới biết học ngành này không thể đủ điều kiện xin việc làm. V. cho biết bạn xin vào làm cho một công ty du lịch tại TP.HCM. Với ngoại hình xinh đẹp và khá cao, V. được phía công ty nhận ngay. Nhưng công việc của V. không phải là làm hướng dẫn viên như mong muốn mà chỉ đi theo đoàn du lịch để hỗ trợ những công việc vặt như nhặt rác trên xe, liên hệ mua đồ dùng cho khách, lo nhà nghỉ, tổng hợp giấy tờ sau chuyến đi…

“Mình hỏi tại sao như vậy, phía quản lý công ty chỉ nói ngành mình học chung chung quá. Nếu mình muốn làm hướng dẫn viên du lịch thì phải chờ năm năm nữa để học nghề. Mình làm được ba tháng thì xin nghỉ vì tốt nghiệp ĐH mà làm công việc tạp vụ coi sao được” - V. nói.

V. xin tiếp vào hai công ty bất động sản với vai trò nhân viên tư vấn. Do không có kiến thức về kinh doanh nhà, đất nên sau hai tháng V. không giới thiệu bán được căn hộ nào nên bị chuyển sang bộ phận lễ tân. “Vì lương thấp quá nên mình lại xin nghỉ” - V. nói.

Sau đó V. quyết định đi học thêm nghiệp vụ sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm TP để về quê dạy học. Nhưng khi học xong V. bị nhiều trường từ chối vì họ chỉ tuyển đúng ngành sư phạm. Bí quá, V. đành phải xin vào làm trực tổng đài một công ty điện thoại.

“Mình nghĩ sinh viên tốt nghiệp một trường thuộc ĐH Quốc gia chắc sẽ được ưu ái khi tìm việc, vậy mà lấy được bằng rồi mới thấy khó. Lớp mình có khoảng 40 bạn theo ngành du lịch, tốt nghiệp cũng toàn khá giỏi nhưng hầu hết đều đi làm trái ngành” - V. chia sẻ.

Học cao học để… né thất nghiệp

Tại một hội thảo về việc làm do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức mới đây, một bạn nữ đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đứng lên chia sẻ câu chuyện tìm việc làm của mình khiến người nghe ngậm ngùi. Bạn kể tốt nghiệp được hai năm, sau một thời gian không tìm được công việc nên bạn học tiếp lên cao học để… tạm thời thoát cảnh thất nghiệp. Bạn cho biết từ khi tốt nghiệp, bạn đã đi nhiều trung tâm và hội chợ giới thiệu việc làm để tìm việc nhưng đều thất bại. Các công ty hầu như ít tuyển người có trình độ ĐH. Họ chỉ tuyển nhân viên chủ yếu đi bán hàng để hưởng hoa hồng.

“Dường như môi trường đào tạo không chỉ khác thực tế mà là ngược lại hẳn. Đào tạo vừa có cái lạc hậu, có cái quá cao siêu, lý thuyết; khi ra thực tế chẳng khác nào bị rớt xuống giếng, không làm được việc như nhà tuyển dụng yêu cầu. Học ĐH để có tấm bằng chơi vậy thôi. Sắp tới học xong cao học không biết có khá hơn không nữa” - bạn này nói.

Không chỉ ngành kinh tế, xã hội mà cả sinh viên kỹ thuật cũng chung cảnh thất nghiệp. Lê Huy Hoàng tốt nghiệp ngành điện tử của ĐH Công nghiệp TP được hai năm. Đến nay những công việc mà Hoàng làm giống như việc làm thêm thời sinh viên: treo panô cho các công ty quảng cáo, giao hàng cho các trang web bán hàng trên mạng, mở quán cà phê vỉa hè… Mới đây Hoàng quyết định học lái xe tải và cùng với một số bạn bè góp tiền mua một xe tải nhỏ để chở thuê.

Hoàng cho biết ngành bạn học xin vào làm công nhân lắp ráp ở các công ty điện tử thì dễ nhưng xin được vào bộ phận phù hợp với bằng cử nhân thì rất khó. Họ đòi hỏi chuyên môn cao, biết sâu về những máy móc hiện đại trong khi học ở trường chỉ thực hành trên những máy móc lạc hậu, đi thực tế thì rất hạn chế.

“Mình thấy uổng công vì đã bỏ rất nhiều tiền và thời gian để đi học. Kiến thức thu về toàn lý thuyết, không ứng dụng được gì. Tốt nghiệp ĐH nhưng ai hỏi mình đều nói chỉ tốt nghiệp trung cấp thôi, như thế cho khỏe!” - Hoàng cười.


750.000 người có bằng ĐH và trên ĐH làm việc với yêu cầu thấp hơn

Theo bản tin thị trường lao động số 3-2014 của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê phát hành tháng 9-2014, số người có trình độ ĐH và trên ĐH thất nghiệp trên cả nước như sau:

Năm 2013: Quý II: 134.000 người; quý III: 147.000 người; quý IV: 158.100 người.

Năm 2014: Quý I: 162.400 người; quý II: 147.000 người; quý III: 174.000 người.

Riêng quý II-2014 cả nước có khoảng 750.000 người có trình độ ĐH và trên ĐH đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn. Đặc biệt là các nghề: nhân viên dịch vụ, bảo vệ, bán hàng, nhân viên chuyên môn sơ cấp, văn phòng bàn giấy… Thực trạng này phản ánh sự mất cân đối trầm trọng giữa đào tạo và sử dụng lao động hiện nay.

Trong thang điểm tuyển dụng, 25% là tỉ lệ dành cho bằng cấp, còn 75% dành cho kỹ năng và thái độ làm việc. Thực tế cho thấy nhà tuyển dụng chọn ứng viên căn cứ theo yêu cầu công việc chứ không theo bằng cấp. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng là điểm yếu của sinh viên mới ra trường.

Ông TRẦN ANH TUẤN,
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và
Thị trường lao động TP.HCM